Vì sao nhiều doanh nhân Việt kiều về Việt Nam khởi nghiệp?
Là một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động nhất Đông Nam Á, Việt Nam đang là điểm sáng thu hút nhà đầu tư, trong đó có nhiều doanh nhân là Việt kiều.
Theo tờ South China Morning Post, Việt Nam đang là điểm sáng đầu tư trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang đầy biến động. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm trong những năm vừa qua, nhiều công ty điện tử lớn như Apple, Intel và LG đều đã chọn Việt Nam là nơi để đặt các chuỗi cung ứng của mình. Đặc biệt, Việt Nam là nước duy nhất mà cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden thăm vào năm 2023, đã khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thành công bước tới của Việt Nam sẽ đến từ việc tạo ra một nền kinh tế kỹ thuật số phát triển, qua đó cung cấp hàng triệu việc làm cho lực lượng lao động được đánh giá là thông minh và dồi dào nhất khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, "siêu ứng dụng" MoMo và studio công nghệ Sky Mavis đang cho thấy tiềm năng kỹ thuật số linh hoạt Việt Nam, từ thanh toán không dùng tiền mặt đến phát triển trò chơi điện tử blockchain. Trong 2 năm vừa qua, Ngân hàng Mizuho Bank của Nhật Bản đã đầu tư hàng triệu USD vào MoMo, trong khi công ty Binance (Mỹ) đã đầu tư khoảng 150 triệu USD vào trò chơi Axie Infinity của Sky Mavis.
Cũng trong hai tháng đầu năm nay, tổng dòng vốn đổ vào các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam đã đạt 4,29 tỷ USD, bất chấp tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn. Ông Willis Wee, người sáng lập trang tin tức công nghệ Tech in Asia chia sẻ: “Tầng lớp trung lưu đang phát triển cùng mật độ dân số trẻ đang tạo tiềm năng khổng lồ cho các giải pháp và dịch vụ kỹ thuật số tại Việt Nam”. Ông cũng ca ngợi Việt Nam là nơi có nhiều những kỹ sư tài năng, và cho rằng tiềm lực phát triển kinh tế Việt Nam là không có giới hạn.
Với dân số gần 100 triệu người, và độ tuổi trung bình là khoảng 32 tuổi, Việt Nam hiện đang có lượng người lao động và người tiêu dùng nội địa dồi dào. Đây là tín hiệu tích cực với những người mong muốn khởi nghiệp, đặc biệt là với những Việt kiều về nước. Bước vào thị trường với kiến thức từ các trường đại học danh giá phương Tây và kinh nghiệm từ những dự án trước đó, nhiều nhà đầu tư gốc Việt đang mong muốn tận dụng những cơ hội mới ở quê hương ông bà, tổ tiên của mình.
Theo ông Willem Smit, Trưởng khoa khởi nghiệp, Học viện YSEALI thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, đây chính là nét độc đáo của môi trường kinh doanh Việt Nam. “Rất nhiều nhân tài trở về nước mang theo những kỹ thuật tuyệt vời và nhiều ý tưởng, quan điểm mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp”, ông Willem Smit chia sẻ. Các chuyên gia cũng cho rằng, điều này mang lại cho Việt Nam lợi thế hiếm có trong khu vực, nơi mà Thái Lan và Malaysia cũng đang có sự cạnh tranh về nguồn lao động và chi phí lao động.
Tuy vậy, nhiều doanh nhân trẻ cũng đã gặp không ít khó khăn khi phải rời mái ấm của mình để trở về quê hương. Bà Esther Nguyễn, nhà sáng lập và CEO công ty POPS Worldwide, chia sẻ trên South China Morning Post: “Gia đình tôi đã dành rất nhiều công sức và thời gian để tôi có được cuộc sống ở Mỹ. Việc định cư và làm việc tại Việt Nam từng là điều họ khó có thể chấp nhận”.
Mặc dù khởi nghiệp trong giai đoạn luật pháp và các chế tài xử phạt vi phạm bản quyền trên không gian mạng còn chưa rõ ràng, sau hơn 10 năm hoạt động, hệ sinh thái nội dung số POPS Worldwide của Esther Nguyễn đã đạt 70 tỷ lượt xem trên toàn hệ thống, và chiếm 90% thị phần nhạc trực tuyến tại Việt Nam. Bà phát biểu: “Việc phân phối và thu lời từ những nội dung số đang có giá trị rất cao. Hiện nay, mọi doanh nghiệp tại Việt Nam đều đang nỗ lực tuân theo các bộ quy tắc phù hợp với môi trường toàn cầu”.
Ông Daniel Nguyễn Hoài Tiến, doanh nhân người Mỹ gốc Việt, nhà sáng lập hãng sản xuất rượu Sông Cái là một trường hợp tương tự. Nhận thấy một thị trường nông sản đầy tiềm năng, ông mong muốn doanh nghiệp mình có thể giúp đỡ những hộ gia đình vùng nông thôn thoát nghèo, đồng thời nâng cao chuỗi giá trị cho những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, rượu Sông Cái đã xuất hiện trên các thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Chia sẻ với South China Morning Post, ông Daniel Nguyễn Hoài Tiến cho rằng Việt Nam hiện đang có “cơ hội vàng” để leo lên chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, khi vừa là trung tâm sản xuất, vừa là thỏi nam châm thu hút các vốn đầu tư và các công ty khởi nghiệp. Tuy vậy, ông cũng cho rằng, để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, cần phải thay đổi tư duy rằng “Việt Nam không còn là nước có thu nhập thấp, có nguồn nhân lực giá rẻ nữa”.
Phú Quý
South China Morning Post