Vì sao nhiều khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung?
Số khu công nghiệp đã đi vào hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung là 29 khu công nghiệp, tập trung tại các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên...
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp tổ chức mới đây, tính đến ngày 20/02/2024, cả nước đã có 418 khu công nghiệp đã thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha.
Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha. Trong số các khu công nghiệp đã được thành lập, có 298 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 120 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng.
Tổng công suất xử lý của các hệ thống xử lý nước thải tập trung là 1.218.000 m3/ngày đêm, tổng lượng nước thải thực tế của các khu công nghiệp là 812.000 m3/ngày đêm, hiệu suất sử dụng của các hệ thống xử lý nước thải tập trung trên toàn quốc là 66,67%.
Các khu công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ có tỷ lệ phát sinh nước thải cao nhất nước (chiếm 50%). Tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tại khu vực này cũng tập trung cao nhất nước (chiếm khoảng 90%).
Số khu công nghiệp đã đi vào hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung là 29 khu công nghiệp, tập trung tại các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Ninh Bình, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Tháp.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân các khu công nghiệp chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung là do tỷ lệ lấp đầy thấp, chưa giải phóng được mặt bằng phần diện tích quy hoạch xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc chưa có nguồn vốn để đầu tư.
Hơn nữa, đây lại là những địa phương khó khăn về thu hút đầu tư và nguồn vốn ngân sách nên hiện tại, nước thải của các cơ sở sản xuất hoạt động trong các khu công nghiệp này do tự các cơ sở đầu tư hệ thống xử lý, và yêu cầu phải xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia trước khi xả thải ra môi trường.
Ngoài ra, cũng theo Bộ Tài nguyên và môi trường, trong số khu công nghiệp đang hoạt động, 100% các khu công nghiệp đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường.
Tổng số cơ sở thứ cấp đang hoạt động trong các khu công nghiệp khoảng là 12.214 cơ sở. Hàng năm phát sinh 4.215.000 tấn chất thải rắn. Trong đó các khu công nghiệp tại vùng Đông Nam Bộ phát sinh nhiều nhất, chiếm khoảng 61,02 %; các khu công nghiệp tại miền Trung phát sinh ít nhất chiếm khoảng 2,8 %.
Chất thải nguy hại phát sinh từ các khu công nghiệp hàng năm khoảng 550.000 tấn. Các khu công nghiệp tại trung du miền núi phía Bắc phát sinh nhiều nhất, chiếm 45%; các khu công nghiệp tại miền Trung phát sinh ít nhất, khoảng 0,65%.
Theo số liệu thống kê cập nhật đến tháng 3/2021, trong số 263 khu công nghiệp đang hoạt động ngoài khu kinh tế, có 239 khu công nghiệp có hệ thống quan trắc nước thải tự động (chiếm tỷ lệ 90%), có 74 khu công nghiệp đã có công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, hồ sự cố theo quy định (chiếm tỷ lệ 28,1%), các khu công nghiệp khác đang tiếp tục hoàn thiện.
Các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bắc Ninh đạt 100% khu công nghiệp có lắp đặt thiết bị quan trắc tự động.
Đối với việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các chủ đầu tư dự án tại khu kinh tế, khu công nghiệp, từ năm 2017 đến hết năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt 214 báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt 57 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, cấp 168 giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Trong giai đoạn 2017 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 242 cơ sở, dự án bao gồm các khu công nghiệp và dự án trong khu công nghiệp.
Kết quả cho thấy có 72 trường hợp được thanh tra, kiểm tra không có vi phạm. Còn lại các lỗi vi phạm chủ yếu là: các công trình bảo vệ môi trường khi xây dựng có sai khác so với báo cáo đánh giá tác động môi trường (15 trường hợp); thiếu báo cáo giám sát chất thải định kì (5 trường hợp); 5 trường hợp lưu giữ và chuyển giao chất thải chưa phù hợp; vẫn có các trường hợp xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải theo quy định (37 trường hợp); không báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo quy định (7 trường hợp); không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành toàn bộ dự án theo quy định (8 trường hợp)…
Đối với các dự án có quy mô lớn, xả thải nhiều và tiềm ẩn rủi ro môi trường trong các khu kinh tế và khu công nghiệp như: Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam; Nhà máy Bột - Giấy VNT19; Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn… Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập các Tổ giám sát và tổ chức đoàn công tác giám sát, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường.