Vì sao nhiều lò gạch thủ công ở Hòa Thạch vẫn 'đỏ lửa'?
Sau khi đăng tải loạt bài phản ánh về lò gạch thủ công tại xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai hoạt động trái phép gây bức xúc dư luận, báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục nhận được thông tin của người dân xã Hòa Thạch về 3 lò gạch thủ công tại xứ đồng Tháng Mười ngang nhiên hoạt động hàng chục năm qua gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng đường đê Khoang Ông.
Người dân bức xúc
Có mặt tại xứ đồng Tháng Mười, thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, phóng viên ghi nhận tình trạng 3 lò gạch thủ công quy mô lớn với hàng chục lao động đang miệt mài làm việc. Nguyên liệu dùng để nung gạch chủ yếu là than đá nên nhiều năm qua mỗi khi đốt lò, những cột khói trắng nghi ngút bốc lên khiến không khí xung quanh ngột ngạt. Nhiều lần khói lò bạt xuống khiến cây trồng, hoa màu bị chết, chủ lò đã phải bồi thường thiệt hại cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Sơn, xóm Đồi Phủ, thôn Hòa Thạch, xã Hòa Thạch cho biết, lò gạch thủ công tại xứ đồng Tháng Mười hoạt động từ năm 2004 đến nay gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và cây trồng. Đặc biệt, hoạt động lấy đất sản xuất của 3 lò gạch thủ công nằm ngay sát chân đê Khoang Ông khiến nhiều vị trí bị đào sâu gần 10m. Nguy hiểm hơn là hoạt động của xe tải chở vật liệu xây dựng 17 năm qua phục vụ sản xuất gạch khiến đê Khoang Ông bị xuống cấp. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị UBND xã và huyện xóa bỏ các lò gạch, tuy nhiên sự việc vẫn rơi vào im lặng.
Đoạn đê Khoang Ông dài 1,5km và đường giao thông xứ đồng Tháng Mười mỗi ngày phải "oằn mình" chống đỡ hàng trăm lượt xe tải chở vật liệu xây dựng khiến mặt đê bị hư hỏng. Vào năm 2017, để hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới, chính quyền địa phương đã cải tạo mặt đường đê. Tuy nhiên, được một thời gian mặt đường làm bằng bê tông đã bị rạn nứt, xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại. Không chỉ hỏng mặt đường đê, một phần cơ đê cũng bị lún do xe chở gạch gây ra.
Theo ghi nhận tại khu vực ở đây trong vòng 30 phút có đến hàng chục lượt xe ô tô ra vào khu vực xứ đồng Tháng Mười để vận chuyển gạch. Đó là chưa kể đến xe chở đất, than vào bên trong cung cấp cho 3 lò gạch. Mặt đường đê ở đây chỉ rộng khoảng 5m, cộng với nhiều vị trí đường bị xuống cấp nên khi xe chở đất tránh nhau hoặc chạy nhanh làm rơi vãi đất xuống đường khiến khu vực này luôn trong tình trạng bị ô nhiễm do bụi.
Cùng vào cuộc
Đem những bức xúc của người dân phản ánh đến Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch Cấn Văn Thành, được biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Quốc Oai, cuối năm 2018 UBND xã đã thanh lý hợp đồng cho thuê thầu đất xứ đồng Tháng Mười, đồng thời đôn đốc, yêu cầu các chủ lò gạch nghiêm túc chấp hành, dừng hoạt động và thu dọn tài sản. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 1 chủ lò đã dừng mọi hoạt động đốt gạch. Còn 3 chủ lò với 3 cặp vỏ lò gạch vẫn “đỏ lửa”, hoạt động cho đến nay. Nếu phóng viên muốn nắm rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý các lò gạch này thì liên hệ đến UBND huyện là sẽ rõ.
Tìm hiểu được biết, mặc dù năm 2018 UBND xã đã thanh lý các hợp đồng cho chủ lò thuê đất, đồng thời nhiều lần đề nghị các chủ lò gạch dừng hoạt động và kiến nghị UBND huyện xử lý dứt điểm lò gạch tại xã Hòa Thạch, các địa phương khác trong huyện. Mặc dù sau đó UBND huyện ban hành nhiều văn bản giao nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch xử lý nhưng đến nay không hiểu lý do gì trên địa bàn xã Hòa Thạch vẫn tồn tại 3 lò gạch thủ công. Dư luận đang chờ sự vào cuộc của UBND xã, các ban ngành chức năng huyện Quốc Oai để xóa bỏ hàng loạt lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Hòa Thạch nói riêng và địa bàn huyện nói chung để bảo đảm sức khỏe người dân.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin nội dung này.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vi-sao-nhieu-lo-gach-thu-cong-o-hoa-thach-van-do-lua-424855.html