Vì sao nhiều nghệ sĩ múa Việt Nam tài năng nhưng ít được công chúng biết đến?
Việt Nam có nhiều nghệ sĩ múa tài năng, từng đoạt giải cao tại các cuộc thi hay liên hoan múa quốc tế, nhưng rất ít được công chúng biết tới.
Lịch sử múa lâu đời
Bình đẳng với tất cả các môn nghệ thuật khác, nhưng nghệ thuật múa gần như ít được nhắc tới, ít được quan tâm và thậm chí chịu cảnh “lép vế”.
Nếu như xác định nghệ thuật múa là sự chắt chiu tinh hoa dân tộc, thì cần phải có chiến lược quảng bá, định vị thương hiệu và lan tỏa nét đặc sắc của nghệ thuật múa Việt Nam.
Cho đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa thể xác định cột mốc thời gian của nghệ thuật múa Việt Nam, tuy nhiên điều chắc chắn để khẳng là múa Việt Nam có từ lâu đời.
Với hoạt động diễn xướng dân gian đa dạng của 54 dân tộc, các nghiên cứu chỉ ra rằng – có thể múa phát xuất từ chính các nghi lễ, cúng tế của tín ngưỡng.
Năm 1025, vua Lý Thái Tổ đặt chức quản giáp cho những người múa hát phục vụ ở làng xã, khi mở hội đám tế xuân. Thời kỳ này xuất hiện các phường múa do dân tự tổ chức. Thậm chí, danh tướng Lý Thường Kiệt còn là tác giả làn điệu hát Dậm (gồm 30 tiết mục với hơn 1.000 câu thơ).
Tương truyền, trước khi Lý Thường Kiệt đánh đuổi xong quân xâm lược, khi qua dòng sông Đáy, ông cho quân dừng lại bên núi Cấm làng Quyển Sơn (nay là xã Thi Sơn, Kim Bảng - Hà Nam) mở tiệc khao quân. Trong lúc tức cảnh sinh tình ông đã sáng tác ra làn điệu hát Dậm. Từ đó, dân trong vùng truyền nhau câu hát, điệu múa mỗi khi diễn ra lễ hội đền Trúc vào ngày mùng 10 tháng Giêng tại núi Cấm.
Thời nhà Trần, múa hát dân gian trở thành một trong những hoạt động cộng đồng kết nối tinh thần làng xã. Đến thời Lê, múa hát dân gian bị hạn chế, một số điệu múa câu hát bị coi thường.
Năm 1462, vua Lê Thánh Tôn quy định “Nhà phường chèo con hát và những kẻ phản nghịch, ngụy quan, có tiếng xấu, bản thân và con cháu đều không được đi thi, nếu mang sách hay mượn người làm hộ, thì trị tội theo luật”.
Dù bị khinh ghét, không được đi thi để làm quan, người của phường chèo con hát vẫn tiếp tục hành nghề và vẫn được nhiều người ưa thích.
Đến thời Nguyễn, múa dân gian và cung đình được tách bạch. Múa cung đình phục vụ lễ thức vương quyền, múa dân gian được bảo lưu bằng những phong tục, lễ nghi.
Theo nghiên cứu, nhóm múa cổ nhất được quy vào những điệu múa lễ nghi nông nghiệp, như: Múa Chạy Cày, Tùng rí, múa Mo - là những điệu múa không hát mà diễn múa theo nhịp trống chiêng. Sau đó đến nhóm múa tín ngưỡng với tục thờ Thành hoàng làng, anh hùng dân tộc, như điệu múa Dậm (thờ Lý Thường Kiệt), múa Dô (thờ Tản Viên)…
Qua các thời kỳ, đặc biệt sự du nhập của văn hóa nghệ thuật phương Tây, múa Việt Nam có những bước tiến mới. Tuy nhiên trong nghệ thuật múa, sự đặc sắc của yếu tố bản địa lại là yêu cầu sống còn. Điều đó đặt ra cho nghệ sĩ các yêu cầu về bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống.
Định vị thương hiệu múa Việt Nam
Mặc dù nghệ thuật múa có nhiều khắt khe, song việc nhìn nhận và đánh giá tầm quan trọng của môn nghệ thuật này vẫn còn nhiều hạn chế. Để định vị thương hiệu và mở ra cơ hội cho thị trường múa chuyên nghiệp, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đang chủ trì Tuần lễ múa Việt Nam (Vietnam Dance Week 2023) với chủ đề “Hội tụ và tỏa sáng” diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10/2023, với sự tham gia của 1.000 nghệ sĩ múa trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam - biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh cho biết, đây là Tuần lễ múa Việt Nam đầu tiên phát xuất từ vấn đề chúng ta quá tập trung vào các cuộc thi để phân định, đánh giá cao thấp.
Liên hoan lần này hướng đến tính chất hội nhập quốc tế, hướng đến nền công nghiệp văn hóa. Bởi vậy, Ban tổ chức đưa vào tuần lễ múa hai hạng mục: Thi tác phẩm múa dân gian dân tộc dành cho các biên đạo múa chuyên nghiệp trên toàn quốc và Liên hoan múa Việt Nam - quốc tế.
Liên hoan múa Việt Nam - quốc tế có 11 nước tham gia với 9 nội dung, biểu diễn ở các thể loại: Nhảy, múa và chuyển động. Bên cạnh các hạng mục biểu diễn chuyên nghiệp như múa ballet và neo classic, múa dân gian dân tộc, múa đương đại thì các loại hình nhảy hiện đại như hiphop, jazz, popdance đã chính thức được nhìn nhận và đưa vào liên hoan.
Bên cạnh Tuần lễ múa Việt Nam, Quyết định số 2045/QĐ-BVHTTDL ngày 2/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức Cuộc thi Tài năng Múa toàn quốc – 2023. Đây là cơ hội để các diễn viên đang hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp; giảng viên, người đang theo học tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật trong và ngoài công lập thể hiện tài năng.
Theo nghệ sĩ Tuyết Minh, Việt Nam có nhiều nghệ sĩ múa tài năng từng đoạt giải cao, đoạt Huy chương Vàng tại những cuộc thi, hội diễn chuyên nghiệp nhưng lại ít được công chúng biết đến. Nguyên nhân do cách làm nghệ thuật chưa bắt kịp xu thế, không có chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân gắn với nghề nghiệp.
Để khắc phục điểm yếu này, ngay tại vòng sơ khảo của Tuần lễ múa Việt Nam, Ban tổ chức đã yêu cầu người tham gia phải thể hiện được mình là ai, mình ở đâu. Theo đó, tiêu chí “mình là ai” thể hiện qua cách lựa chọn thể loại, ngôn ngữ múa. Tiêu chí “mình ở đâu” đòi hỏi phần thể hiện của người tham gia phải gắn kết được với địa danh văn hóa, để khi sản phẩm lan tỏa trên các nền tảng số sẽ giới thiệu được vẻ đẹp mang tính bản sắc của các vùng miền Việt Nam.
“Tuần lễ múa Việt Nam đặt ra những kỳ vọng, mỗi năm sẽ có những bước đi nhỏ có định hướng rõ ràng, có truyền thông bài bản, tôn vinh nghệ thuật múa, đặt mục tiêu tổ chức thường niên để tạo thương hiệu cho nghệ thuật múa Việt Nam. Bên cạnh đó, nghệ thuật múa - bằng ngôn ngữ không biên giới, đặt mối quan hệ ngoại giao tạo sự gắn kết với các đại sứ quán, trung tâm văn hóa các nước tại Việt Nam. Qua bản sắc nghệ thuật múa từ các vùng văn hóa để hiểu biết nhau, từ đó mở ra cơ hội trao đổi, học tập giữa Việt Nam và quốc tế”, biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh.