Vì sao nhiều người Mỹ đi thuê từ quần áo đến quan tài?

Cứ 4 người Mỹ thì có 1 người từng thuê hoặc cho thuê ôtô, quần áo cá nhân, đồ điện tử hoặc nội thất, theo Credit Karma. Có người thuê điện thoại, máy quay và cả quan tài.

 Brittany Catucci đang thuê một ngôi nhà ba tầng, một chiếc giường cỡ lớn và quần áo để đi làm.

Brittany Catucci đang thuê một ngôi nhà ba tầng, một chiếc giường cỡ lớn và quần áo để đi làm.

Brittany Catucci 27 tuổi và đang là giám đốc tại một công ty quan hệ công chúng. Cô có thu nhập cao hơn đáng kể so với thu nhập trung bình ở Mỹ.

Song giám đốc 27 tuổi luôn thuê mọi thứ mà cô có thể. Catucci thuê một ngôi nhà ba tầng ở thành phố Emeryville (bang California, Mỹ). Cô và bạn trai cũng thuê một chiếc giường cỡ lớn, quần áo để đi làm và các dụng cụ sửa chữa từ Home Depot hoặc AutoZone.

“Bạn bè tôi không tin mọi thứ mà tôi đang mặc đều là đồ đi thuê”, Catucci cho biết. “Cha mẹ của tôi thường thốt lên: ‘Ôi trời, sao con có thể sống trong một ngôi nhà mà bản thân không sở hữu thứ gì’”.

Căn nhà mà Catucci đang thuê có nội thất và có giá thuê 1.100 USD/tháng. Cô và người yêu sẽ chi thêm 100-200 USD/tháng để thuê quần áo, nội thất. Có khi, cô sẽ thuê một chiếc balo đi bộ đường dài để trải nghiệm rồi trả lại.

Người Mỹ đang dần từ bỏ chủ nghĩa tiêu dùng và chấp nhận đi thuê mọi thứ họ có thể.

Người Mỹ đang dần từ bỏ chủ nghĩa tiêu dùng và chấp nhận đi thuê mọi thứ họ có thể.

Người Mỹ đang theo đuổi chủ nghĩa thuê nhà, đồ gia dụng thay vì mua đứt. Theo khảo sát gần đây của công ty tài chính cá nhân Credit Karma, 25% người được hỏi cho biết họ từng đi thuê hoặc thuê một món đồ nào đó. Đó có thể là một chiếc ghế sofa, giày cao gót hoặc quần áo dành cho bà bầu. Nền kinh tế cho thuê của Mỹ đang phát triển hơn bao giờ hết.

Đi thuê quan tài

Hệ sinh thái thuê - cho thuê đồ đạc không chỉ giới hạn ở lĩnh vực bất động sản và nội thất, theo Wall Street Journal. Các thỏa thuận cho thuê có thể liên quan đến một chiếc iPhone hay quyền sử dụng một chiếc áo len trong 1 tháng.

Nhiều nhà tang lễ ở Mỹ cung cấp dịch vụ cho thuê quan tài. Người chết sẽ được đặt vào một chiếc quan tài sang trọng để người thân, bạn bè đến viếng và làm lễ tang. Sau đó, họ sẽ được chuyển vào một thùng chứa khác để hỏa táng trong khi chiếc quan tài được sử dụng cho người khác.

 Chiếc xe Subaru Outback 2014 là một trong số ít những món đồ mà Catucci và bạn trai sở hữu.

Chiếc xe Subaru Outback 2014 là một trong số ít những món đồ mà Catucci và bạn trai sở hữu.

Catucci và người yêu Markley của cô bỏ tiền mua một số thứ, ví dụ như chiếc xe Subaru Outback 2014. Họ đã mua nó vào năm 2023 với giá 10.000 USD vì “sẽ tiết kiệm hơn việc thuê xe mỗi cuối tuần để đi chơi”. Cặp đôi cũng sở hữu vài tấm ván lướt sóng và xe đạp địa hình.

Đối với họ, điều quan trọng không phải tiền bạc mà là tính tiện dịch và dễ di chuyển của những món đồ. “Một trong những yếu tố làm chúng tôi quyết định mua là vì chúng gọn và dễ di chuyển. Còn những vật dụng cồng kềnh thì cứ đi thuê là được”, Catucci nói.

Khi giá nhà ở Mỹ ngày càng đắt đỏ, giới trẻ chấp nhận bản thân không thể mua nổi một bất động sản trong đời mà phải đi thuê. Từ đó, các dịch vụ cho thuê hàng hóa, vật dụng cũng nở rộ.

“Mười năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thuê nhà, hàng hóa và các dịch vụ khắp thị trường”, Courtney Alev - chuyên viên tư vấn tài chính của Credit Karma - cho biết. “Nhược điểm lớn nhất và rõ ràng của mô hình này là bạn không có quyền sở hữu những gì bạn đang sử dụng”.

“Cuộc đời vô thường”

Từ nhỏ, Berkley Brooks đã được cha mẹ giáo dục để trở thành một người đi thuê hàng hóa chuyên nghiệp. Cha mẹ cô luôn dặn con gái không được mua những thứ sẽ mất giá trị sau 5 năm sử dụng.

Không chỉ thuê nhà, Brooks có một hợp đồng thuê điện thoại. Đó là một chiếc iPhone 13 Pro và cô sẽ được sử dụng trong vòng 2 năm với giá 28 USD/tháng. Khi 16 tuổi, cô được cha mẹ cho thuê lại một chiếc Mercedes-Benz CLA 250 trong 3 năm.

“Có lẽ tôi sẽ thay đổi thói quen thuê đồ đạc trong tương lai nhưng hiện giờ thì xu hướng này có ích với túi tiền của tôi”, Brooks, 23 tuổi, chia sẻ. “Cuộc đời vô thường lắm. Không ai biết được tôi sẽ chết lúc nào và ai sẽ được hưởng tài sản sau khi tôi ra đi. Cứ đi thuê là xong hết”.

 Catucci cho biết cô chỉ mua những món đồ dễ vận chuyển để tiết kiệm chi phí mỗi lần chuyển nhà.

Catucci cho biết cô chỉ mua những món đồ dễ vận chuyển để tiết kiệm chi phí mỗi lần chuyển nhà.

Jami Jackson-Cole 53 tuổi và là giáo viên tiểu học ở bang Oklahoma của Mỹ. Bà bắt đầu đi thuê trang phục đi dạy vào năm 2023. Nuuly là một thương hiệu cho thuê thời trang mà bà thường sử dụng.

Mỗi tháng, công ty này sẽ gửi cho bà Cole 6 bộ quần áo với giá thuê khoảng 100 USD. Sau khi bà gửi lại, họ sẽ gửi 6 bộ khác để giáo viên 53 tuổi có trang phục đi dạy đa dạng.

“Tôi chán việc phải mặc đi mặc lại một món đồ”, bà Cole nói. Thỉnh thoảng, bà không thể kiềm lòng mà bỏ tiền ra mua lại những món đồ đang thuê từ Nuuly. Công ty này chấp nhận bán quần áo mà khách đang thuê với giá rẻ hơn 50% so với đồ mới.

Rent the Runway, công ty cho thuê quần áo đã hoạt động hơn 15 năm, cung cấp dịch vụ cho thuê váy dạ hội và trang phục cao cấp. Nuuly và các công ty tương tự lại đánh vào phong cách trang phục thường ngày, bao gồm quần jean và áo phông.

Doanh số trong quý đầu tiên của Nuuly tăng hơn 51% so với năm 2023 với hơn 224.000 người sử dụng dịch vụ. Theo Wall Street Journal, các công ty cho thuê quần áo, nội thất tương tự thường có mức doanh thu cao ấn tượng, nhất là trong quý đầu tiên của năm nay.

Đông Tùng

Ảnh: Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-my-di-thue-tu-quan-ao-den-quan-tai-post1492811.html