Vì sao nhiều người nhận lương hưu thấp?
Lý giải về thực trạng nhiều người khi về hưu có mức lương hưu thấp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, mặc dù tỷ lệ hưởng lương hưu khá cao, tối đa 75%, nhưng do mức đóng thấp; thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn; nghỉ hưu trước tuổi nhiều; dẫn đến mức hưởng bình quân hiện nay của nhiều người lao động còn thấp…
Mức đóng thấp, thời gian đóng ngắn
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, hiện nay, bên cạnh những trường hợp có lương hưu cao, nước ta cũng có nhiều người hưởng mức lương hưu thấp. Các trường hợp này chủ yếu là: những người nghỉ hưu từ quỹ BHXH nông dân Nghệ An chuyển sang BHXH tự nguyện theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cán bộ xã không chuyên trách; người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn mức đóng BHXH ở mức thấp nhất…
Mức lương hưu thấp nhất tập trung vào nhóm những người nông dân ở Nghệ An tham gia chương trình thí điểm đóng BHXH cho nông dân. Năm 2009, khi BHXH nông dân Nghệ An được chuyển đổi sang BHXH tự nguyện theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg, nhiều trường hợp tiếp tục tham gia “lưới” an sinh qua hình thức BHXH tự nguyện. Khi nghỉ hưu, do có thời gian đóng ngắn, mức đóng BHXH hàng tháng thấp (có thời điểm chỉ là 10.000 đồng/tháng).
Ngoài ra, cán bộ xã không chuyên trách cũng thuộc nhóm đối tượng có lương hưu thấp. Nhóm này có mức đóng BHXH chỉ bằng mức lương cơ sở, thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu ngắn (từ đủ 15 năm đến 20 năm).
Đồng thời, theo quy định khi nghỉ hưu, nếu trường hợp không có đủ 20 năm trở lên đóng BHXH bắt buộc (không bao gồm thời gian đóng BHXH theo diện người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn), có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì lương hưu không được bù đủ bằng mức lương cơ sở. Năm 2021, mức lương hưu bình quân của nhóm cán bộ xã không chuyên trách là khoảng 1,3 triệu đồng/tháng.
Đối với người tham gia BHXH tự nguyện, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (do người tham gia lựa chọn) thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Phần lớn người dân lựa chọn mức thu nhập tương ứng mức chuẩn hộ nghèo khu vực (trước năm 2022, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 700 nghìn đồng, từ năm 2022 là 1,5 triệu đồng) để đóng BHXH tự nguyện.
Thực tế, đại đa số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng bảo hiểm xã hội đến khi đủ 20 năm để đủ điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu. Do mức đóng, thời gian đóng BHXH ngắn nên mức hưởng bình quân của nhóm này thấp.
Bên cạnh đó, nhiều người lao động đóng BHXH bắt buộc do còn thiếu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu đã lựa chọn mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng hoặc một lần cho thời gian còn thiếu ở mức thấp, vì vậy mức hưởng lương hưu của họ cũng sẽ thấp theo.
Làm gì để có mức lương hưu cao hơn?
Hiện nay, Luật BHXH quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ (bao gồm cả lương và các phụ cấp). Đối với một số khoản phúc lợi (hỗ trợ) NLĐ của đơn vị sử dụng lao động có tính chất thường xuyên, ổn định, như: hỗ trợ tiền xăng xe, điện thoại, ăn trưa, tiền nhà… pháp luật hiện hành quy định không dùng làm căn cứ tính đóng BHXH. Lợi dụng quy định này, một số doanh nghiệp “lách Luật” chia nhỏ các khoản phụ cấp thành các khoản hỗ trợ này để trốn đóng, đóng không đủ BHXH.
Vì vậy, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ, BHXH Việt Nam đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu phương án khi sửa đổi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo hướng: NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm: mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Ngoài ra, cần nghiên cứu để hài hòa 3 loại thu nhập của NLĐ và có căn cứ pháp lý xác định rõ thu nhập của NLĐ làm căn cứ đóng BHXH, tránh tình trạng chênh lệch quá lớn giữa thu nhập của NLĐ để quyết toán thuế và thu nhập thực tế chi trả cho NLĐ, tạo điều kiện đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho NLĐ khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, nội dung này cần có ý kiến của các ngành liên quan như Tài chính, Lao động, Tư pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
Trước thực trạng một số đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH không đúng mức thu nhập thực tế của người lao động theo mức tiền lương được hưởng, để đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho bản thân, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lưu ý, khi ký hợp đồng lao động, người lao động cần chú ý đến thỏa thuận về tiền lương được hưởng, tiền lương đóng BHXH trong hợp đồng.
Đồng thời, có kiến nghị với đơn vị nếu mức tiền lương đóng BHXH của mình thấp so với tiền lương được hưởng hoặc thấp hơn so với quy định về mức lương tối thiểu vùng.
Để tiếp tục nâng cao đời sống cho người nghỉ hưu, ngày 29/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, thực hiện tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ 12,5% đến 20,8% cho người hưởng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-nhan-luong-huu-thap-5722175.html