Vì sao nhiều nước đồng loạt rút ngắn thời gian cách ly Covid-19?

Giữa lúc biến thể Omicron lây lan nhanh chóng, chính phủ các nước tìm cách kiểm soát dịch bệnh Covid-19 mà không làm tê liệt nền kinh tế vốn đã bị tổn thương.

Số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu trong 7 ngày qua đã chạm mức cao kỷ lục, dữ liệu của Reuters cho biết hôm 29-12.

Từ ngày 22-12 đến ngày 28-12, thế giới mỗi ngày ghi nhận trung bình gần 900.000 ca nhiễm mới. Nhiều nước chứng kiến mức tăng ca nhiễm sau 24 giờ cao chưa từng thấy, bao gồm Argentina, Úc, Bolivia, Mỹ cùng một loạt quốc gia ở châu Âu như Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp...

Các nghiên cứu cho thấy Omicron không gây triệu chứng nghiêm trọng bằng những biến thể trước đây. Tuy nhiên, với tốc độ lây lan nhanh chóng, Omicron có thể khiến hệ thống y tế ở một số quốc gia quá tải vì lượng bệnh nhân tăng đột biến.

Lo sợ tác động kinh tế của việc yêu cầu quá nhiều công nhân ở nhà, chính phủ một số quốc gia đang cân nhắc rút ngắn thời gian cách ly đối với những trường hợp nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19.

Tây Ban Nha ngày 29-12 thông báo rút ngắn thời gian cách ly từ 15 ngày xuống còn 10 ngày.

Người dân chờ xét nghiệm Covid-19 tại TP Manchester - Anh hôm 28-12. Ảnh: Reuters

Người dân chờ xét nghiệm Covid-19 tại TP Manchester - Anh hôm 28-12. Ảnh: Reuters

Cùng ngày, Ý tuyên bố bỏ quy định cách ly đối với những trường hợp tiếp xúc với người nhiễm Covid-19. Theo quy định mới, F1 sẽ không cần phải cách ly nếu đã được tiêm phòng đầy đủ, tiêm liều bổ trợ hoặc đã được chữa khỏi Covid-19 trong vòng 120 ngày. Họ chỉ cần đeo khẩu trang Ffp2 (tương đương KN95 hoặc N95 ở những quốc gia khác).

Động thái trên được triển khai sau khi giới chức y tế Ý hối thúc chính phủ xem xét lại chính sách phòng chống Covid-19, bởi tốc độ lây lan của Omicron cùng với những quy định hiện tại có thể buộc hàng triệu lao động ở nhà, khiến kinh tế tê liệt.

Với những cư dân Ý chưa tiêm phòng Covid-19, họ sẽ đối mặt với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn. Kể từ ngày 10-1-2022, thêm nhiều hoạt động và địa điểm – trong đó có nhà hàng ngoài trời, khách sạn và thang kéo trượt tuyết, sẽ chỉ phục vụ những người đã được tiêm phòng hoặc vừa được chữa khỏi Covid-19. Các quy tắc tương tự cũng sẽ được áp dụng cho phương tiện giao thông công cộng.

Theo quy định mới, F1 ở Ý chỉ cần đeo khẩu trang và không cần phải cách ly nếu đã được tiêm phòng đầy đủ, tiêm liều bổ trợ hoặc đã được chữa khỏi Covid-19 trong vòng 120 ngày. Ảnh: Reuters

Theo quy định mới, F1 ở Ý chỉ cần đeo khẩu trang và không cần phải cách ly nếu đã được tiêm phòng đầy đủ, tiêm liều bổ trợ hoặc đã được chữa khỏi Covid-19 trong vòng 120 ngày. Ảnh: Reuters

Cũng trong ngày 29-12, chính phủ Bỉ đảo ngược chính sách phòng chống Covid-19 khi cho phép nhà hát và rạp chiếu phim tái mở cửa.

Nhà hát, rạp chiếu phim và những địa điểm tổ chức âm nhạc sẽ được phép phục vụ tối đa 200 khán giả/lần, với điều kiện tất cả phải đeo khẩu trang và đã được tiêm phòng đầy đủ, đã được chữa khỏi hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 gần đây.

Những địa điểm trong nhà khác, như sòng bài và sàn bowling, vẫn phải đóng cửa. Quy định mới có hiệu lực từ ngày 30-12.

Vào đầu tuần này, giới chức y tế Mỹ cũng đã công bố hướng dẫn chống dịch mới, rút ngắn thời gian cách ly đối với những trường hợp mắc Covid-19 từ 10 ngày xuống còn 5 ngày, miễn họ là những ca nhiễm không triệu chứng.

Ảnh chụp bên ngoài một cửa hàng phải đóng cửa ở TP Washington - Mỹ hôm 27-12 giữa lúc biến thể Omicron lan nhanh. Ảnh: Reuters

Ảnh chụp bên ngoài một cửa hàng phải đóng cửa ở TP Washington - Mỹ hôm 27-12 giữa lúc biến thể Omicron lan nhanh. Ảnh: Reuters

Cao Lực

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/vi-sao-nhieu-nuoc-dong-loat-rut-ngan-thoi-gian-cach-ly-covid-19-20211230164618014.htm