Vì sao nhiều thanh niên Trung Quốc đua nhau kéo đến các bệnh viện để 'treo cổ'?

Mới đây, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã chia sẻ phương pháp điều trị 'treo cổ' lên mạng xã hội.

Các thanh niên điều trị "treo cổ" tại Bệnh viện Nhân dân Số 6 Thượng Hải (Ảnh: ETtoday).

Các thanh niên điều trị "treo cổ" tại Bệnh viện Nhân dân Số 6 Thượng Hải (Ảnh: ETtoday).

“Treo cổ" là một phương pháp vật lý trị liệu còn được gọi là "kéo giãn cổ", nhằm mục đích giảm đau cổ và khó chịu bằng cách kéo căng đốt sống cổ.

"Điều trị treo cổ" gần đây đã trở nên phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc. Việc sử dụng điện thoại di động và máy tính trong thời gian dài có thể dẫn đến chứng khó chịu ở cột sống cổ và nhiều bệnh viện Trung Quốc đã đưa ra phương pháp điều trị "treo cổ" này để giảm bớt các triệu chứng liên quan.

Mới đây, các bức ảnh một số thanh niên đang điều trị đốt sống cổ kiểu “treo cổ” ở Bệnh viện số 6 Thượng Hải được một số cư dân mạng ở Trung Quốc đăng lên mạng, nhanh chóng trở nên phổ biến với những hình ảnh tương tự ở các nơi khác. Nhiều người than thở rằng bệnh thoái hóa đốt sống cổ nay đã không còn là chứng bệnh riêng cho những người trung niên và người cao tuổi nữa, mà những người làm công việc đòi hỏi phải ngồi lâu cũng đang phải đối mặt với vấn đề “người 20 tuổi với các đốt sống cổ đã 60 tuổi”.

 Rất nhiều bạn trẻ đến điều trị tại bệnh viện Nhân dân Số 6 Thượng Hải.

Rất nhiều bạn trẻ đến điều trị tại bệnh viện Nhân dân Số 6 Thượng Hải.

Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh đưa bức ảnh một cư dân mạng Xiaohongshu đang vật lý trị liệu tại đây. Bức ảnh cho thấy những thanh niên ngồi thành hàng, treo cổ và còn có ánh đèn đỏ huyền ảo. Bức ảnh ngay lập tức làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi.

Một số cư dân mạng cho biết: "Tôi cũng đã làm! Nó đã giúp chữa khỏi bệnh thoái hóa đốt sống cổ".

Một số người khác tỏ ra nghi ngờ: "Đây là kéo đốt sống cổ. Đồng nghiệp của tôi phải treo thế này ở nơi làm việc hàng ngày".

Sau một loạt các ý kiến thảo luận, người ta mới phát hiện ra rằng rất nhiều thanh niên Trung Quốc đã đến các bệnh viện để “treo cổ”.

Được biết, “treo cổ” là một phương pháp vật lý trị liệu. Một đai kéo được buộc vào đầu bệnh nhân, sau đó dùng một lực nhất định để kéo nhằm giảm co cơ cổ, nới lỏng sự kết dính của mô mềm, giúp cải thiện hoặc khôi phục độ cong sinh lý bình thường của cột sống cổ, mục đích cuối là làm giảm đau cổ và khó chịu bằng cách kéo căng cột sống cổ.

Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh viết, một bác sĩ khoa phục hồi chức năng tại Bệnh viện Nhân dân số 6 Thượng Hải cho biết, bệnh thoái hóa đốt sống cổ là một bệnh mãn tính. Nhiều bệnh nhân sẽ thấy các triệu chứng của họ được cải thiện ở mức độ nhất định sau một đợt vật lý trị liệu, nhưng nếu muốn đạt được hiệu quả lâu dài thì cần phải trải qua vài đợt điều trị.

Hơn nữa, trước tiên bác sĩ cần đánh giá bệnh nhân và xác định xem có phù hợp hay không trước khi đề xuất phương pháp điều trị bằng lực kéo. Không phải ai cũng phù hợp với phương pháp “treo cổ” này. Ví dụ, những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch và mạch máu não nghiêm trọng hoặc thoái hóa đốt sống cổ nặng không được khuyến khích điều trị. Nhưng nếu ai bị mắc chứng nhẹ về các đốt sống cổ thì sử dụng phương pháp trị liệu này, bệnh lý có thể được cải thiện.

 Một bạn trẻ đang điều trị "treo cổ" (Ảnh: Jingji)

Một bạn trẻ đang điều trị "treo cổ" (Ảnh: Jingji)

Sự xuất hiện của bệnh thoái hóa đốt sống cổ thường liên quan chặt chẽ đến nghề nghiệp của người bệnh như kế toán, nhân viên văn phòng, thư ký, người đánh máy...tỷ lệ mắc bệnh ở họ cao hơn đáng kể so với các nhóm người khác. Ngoài ra, những người sử dụng máy tính xách tay trong thời gian dài hoặc cúi đầu chơi điện thoại di động cũng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.

Liệu pháp này phải được tiến hành dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ. Trước đây, môn "thể dục treo cổ" này khá phổ biến trên Internet. Nhưng hồi tháng 5/2024, một người đàn ông khoảng 50 tuổi ở thị trấn Đăng Khê, thành phố Trùng Khánh, đã tử vong khi bắt chước video để thực hiện "bài tập treo cổ". CCTV News dẫn lời các chuyên gia cho rằng, việc "treo cổ" một cách mù quáng không chỉ không có tác dụng rèn luyện sức khỏe mà còn ẩn họa mối nguy hiểm rất lớn. Nó có thể làm tổn thương dây thần kinh và tủy sống, trong trường hợp nặng có thể dẫn đến liệt nửa người hoặc thậm chí tử vong.

Theo ETtoday, Jingji Ribao

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/vi-sao-nhieu-thanh-nien-trung-quoc-dua-nhau-keo-den-cac-benh-vien-de-treo-co-post176743.html