Vì sao nỗi buồn ở lại lâu hơn niềm vui?
Bây giờ chúng ta đã hiểu tâm con người rất phức tạp và ta cần biết cách kiểm soát tâm, kiểm soát cường độ của các loại cảm xúc như căng thẳng, lo âu...

Tâm con người rất kỳ lạ và phức tạp. Tôi vẫn thường lấy một ví dụ đơn giản. Nếu bạn có được một món đồ mình ưa thích thì chắc rằng bạn sẽ rất vui. Vài ngày sau, nếu không may bạn làm mất món đồ đó thì bạn sẽ rất buồn.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là giữa niềm vui có được món đồ mình ưa thích và nỗi buồn bị mất món đồ đó, cảm xúc nào tồn tại lâu hơn? Nỗi buồn sẽ hiện diện lâu hơn. Nếu phân tích thì bạn sẽ thấy rất vô lý, bạn đạt được một vật và đánh mất cũng chính vật đó, tại sao nỗi buồn lại tôn tại lâu hơn niềm vui? Vậy mà tình huống này luôn diễn ra trong cuộc sống của chúng ta.
Sự việc này không tự nhiên diễn ra mà do chính chúng ta khiến nó diễn ra như vậy.
Khi quá tập trung vào bản thân, bạn sẽ không thấy những gì mình đã đạt được và đang sở hữu, bạn chỉ thấy những gì mình đã đánh mất và hiện không có.
Vì sao nỗi buồn bị mất một món đó lại kéo dài hơn so với niềm vui có được chính món đó ấy?Nguyên nhân rất đơn giản, và tôi sẽ nói về nguyên nhân này qua một câu chuyện.
Có một người đàn ông nhờ tôi cầu nguyện cho đời sống hôn nhân của anh ta. Anh ta dự định sẽ kết hôn trong tuần sau đó. Tôi hỏi anh ta, “Tại sao anh muốn cưới cô gái ấy?” Anh ta nói rằng nếu cưới người bạn đó thì anh sẽ hạnh phúc. Tôi đã nói với anh ta, “Anh nghĩ như vậy rất sai lầm. Anh không nên suy nghĩ như vậy khi cưới cô ấy. Anh nên cưới cô ấy với suy nghĩ sẽ làm cô ấy hạnh phúc hơn."
Đôi khi chúng ta chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. Nếu tập trung quá nhiều vào bản thân, khi đánh mất những gì gần gũi với mình, chúng ta sẽ đau khổ hơn, và khi đạt được thành quả nào đó, hạnh phúc sẽ ngắn ngủi hơn.
Khi quá tập trung vào bản thân, bạn sẽ không thấy những gì mình đã đạt được và đang sở hữu, bạn chỉ thấy những gì mình đã đánh mất và hiện không có. Đó là vấn đề về cách nhìn nhận, vấn đề không nằm ở hoàn cảnh bên ngoài. Nếu bạn không biết cách nhìn nhận hoàn cảnh một cách đúng đắn thì căng thẳng sẽ trỗi dậy trong tâm.
Tôi sẽ đưa ra một ví dụ nữa cho thấy tâm con người phức tạp ra sao. Có một người đệ tử đến chỗ của thầy mình và xin thầy dạy cho ông ta vài phương pháp thiền.
Vị thầy nói với ông rằng thiền rất đơn giản, ông có thể thiền về bất cứ điều gì, ngoại trừ con khỉ. Bây giờ chắc chắn bạn đã biết cái gì hiện lên trong tâm người đệ tử khi ông ta hành thiền, tôi không cần phải nói ra nữa. Khi Chúa dặn dò Adam không được ăn trái táo, ông Adam lại nghĩ “Có lẽ mình nên ăn trái táo.” Nếu Chúa dặn "Ông phải ăn trái táo! Ông phải ăn!" thì có lẽ Adam đã không ăn trái táo!
Ở thế kỷ XXI này, chúng ta thường phải làm việc rất chăm chỉ. Là con người nhưng chúng ta hay phải làm việc như một cỗ máy. Với một chiếc ôtô, nếu bạn tháo rời động cơ, bánh xe... rồi yêu cầu một người thợ máy giỏi nhất lắp ráp chúng lại, bạn nghĩ chiếc xe có thể hoạt động trở lại hay không? Có thể, cơ hội là 50-50.
Bây giờ hãy xem xét cơ thể con người. Nếu bạn cắt rời tim, phổi... và yêu cầu một bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất ghép lại, người đó có thể trò chuyện trở lại hay không? Hoàn toàn không! Đây là điểm khác biệt giữa con người và máy móc. Con người chúng ta không phải là máy móc, ta có cảm xúc.
Đôi khi chúng ta không thể giữ cân bằng cảm xúc của bản thân, điều này khiến tâm ta căng thẳng, lo âu, và làm cho nhiều vấn đề khác nảy sinh.
Bài viết được lược trích từ cuốn Sống An Vui của Khangser Rinpoche do First News chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam
Trạm Đọc
Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-noi-buon-o-lai-lau-hon-niem-vui-post1540721.html