Vì sao nông sản Việt chưa 'chắc chân'?
Theo giới chuyên gia, nhiều doanh nghiệp (DN) làm xuất khẩu vẫn chưa chú ý đến cách tiếp cận người tiêu dùng nước ngoài - đó là lý do khiến nông sản Việt, dù xuất khẩu với sản lượng lớn, song lại chưa gây dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới.
Những sản phẩm có thế mạnh lại không được chú trọng
Nông sản là lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, song chủ yếu vẫn mạnh về lượng, chưa tạo được vị thế ở thị trường quốc tế. Đáng chú ý, rau gia vị là những sản phẩm tiềm năng song vẫn chưa được các DN chú trọng đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu.
Theo ông Vũ Bá Phú. Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), với lợi thế địa lý trải dài trên nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, Việt Nam có sự đa dạng sinh học rất khác biệt để tạo ra được những sản phẩm nông sản gồm rau gia vị và các loại gia vị có những hương vị đặc trưng, nổi bật cả về chất lượng và khác biệt so với các sản phẩm cùng loại trên thế giới.
Trong khi đó, nhu cầu của các thị trường về nhóm mặt hàng rau gia vị này là rất lớn. Đơn cử, các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Âu, Mỹ… rất ưa chuộng các sản phẩm rau, gia vị có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường và được nuôi trồng canh tác theo lối hữu cơ. Đây chính là những lợi thế, cơ hội để các sản phẩm rau, gia vị của Việt Nam vươn ra các thị trường này.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các DN xuất khẩu nông sản trong nước chưa chú trọng nhiều đến dòng sản phẩm này, thậm chí còn bị lãng quên. Trong khi không chỉ có tính chất đặc trưng, được các thị trường thế giới ưa chuộng, nhóm hàng sản phẩm rau, gia vị còn có lợi thế lớn trong các Hiệp định thương mại tự do, đó là được cắt giảm thuế về 0%.
Với những lợi thế như vậy, ông Vũ Bá Phú cho rằng, đây là nhóm hàng giàu tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Chính bởi vậy, ông Phú cho rằng, DN Việt không nên bỏ lỡ cơ hội tập trung đầu tư vào dòng nông sản này và khai thác, mở rộng các thị trường giàu tiềm năng.
Vẫn theo ông Phú, để hiện thực hóa, trước mắt các trang trại, nhà sản xuất, nuôi trồng rau gia vị cần sản xuất, canh tác theo đúng các quy trình, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đạt được những chứng chỉ quốc tế liên quan, như sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch theo đúng tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu.
Ông Phú cũng cho biết, với sự vào cuộc của các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế cùng các cơ quan hữu quan trong nước, sẽ hỗ trợ ngành rau gia vị trở thành một thương hiệu và hình ảnh để quảng bá trong nước và ra nước ngoài một cách hiệu quả nhất tại các thị trường trọng điểm nhất như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Yếu về cách xây dựng hình ảnh
Chia sẻ kinh nghiệm của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) trong việc tổ chức hoạt động tuyên truyền, quảng bá năng lực sản xuất và xúc tiến xuất khẩu có ứng dụng công nghệ thông tin, bà Tô Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết, đối với các triển lãm truyền thống, nếu các Hiệp hội ngành hàng chỉ đưa các đoàn DN tới và tổ chức hoạt động giao dịch với khách hàng thì chỉ là bước xúc tiến thương mại đầu tiên.
Đối với VASEP, Hiệp hội đã cố gắng tổ chức truyền thông ngay tại các gian hàng triển lãm, để các đối tác nhận diện sản phẩm thủy, hải sản của Việt được rõ nét hơn. Trong trường hợp có nhiều kinh phí, Hiệp hội sẽ mời một công ty tư vấn để họ quảng bá đến những nhóm khách hàng có nhu cầu đến làm việc với các DN Việt tại các gian hàng triển lãm.
“Trong các kì hội chợ triển lãm toàn cầu và tại châu Âu, công ty tư vấn đã đưa ra những đối tác quan tâm đến các sản phẩm cá ngừ. Các đối tác này đã đến gian hàng để tìm hiểu về tiềm năng của Việt khi cần đáp ứng nhu cầu của họ” - bà Lan dẫn chứng.
Nhiều ý kiến cho rằng, điểm yếu của các DN làm xuất khẩu hiện nay là vẫn chưa chú ý đến cách tiếp cận người tiêu dùng cuối cùng, đặc biệt là người tiêu dùng nước ngoài nên họ thường không hiểu nhiều về sản phẩm của Việt Nam. Khi người tiêu dùng “mù mờ” về các thông tin, xuất xứ của sản phẩm thì tất nhiên họ sẽ không bao giờ móc ví trả tiền cho những sản phẩm mà họ mù tịt thông tin.
Theo bà Lan, các DN xuất khẩu cần phải có sự chuẩn bị tốt cho quá trình phát triển bền vững, sẵn sàng đáp ứng những tiêu chuẩn của các hệ thống cung cấp và hệ thống siêu thị trong nước và nước ngoài để có thể đưa hàng hóa vươn ra thị trường thế giới một cách nhanh chóng và bền vững.
Không chỉ rau gia vị, nhiều sản phẩm nông sản khác của Việt Nam rất giàu tiềm năng xuất khẩu, tuy nhiên, thực tế cho thấy, khả năng quảng bá, xây dựng hình ảnh sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tới tầm, đó là lý do khiến cho nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu, dù mạnh về lượng song vẫn yếu về giá trị thương hiệu.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vi-sao-nong-san-viet-chua-chac-chan-547275.html