Vì sao nông sản Việt chưa hết cảnh 'được mùa mất giá, được giá mất mùa'?

Nhiều loại nông sản đang có giá cao nhưng những HTX, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến nông sản chưa chắc đã có lời. Điều này là do điểm nghẽn về giá cả hàng hóa vẫn bị phụ thuộc vào thị trường, nông sản bán ra vẫn ở giá thấp trong khi HTX, doanh nghiệp lại chưa xác định được giá cho nông sản, hàng hóa mình làm ra.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 33,21 tỷ USD. Trong đó, hàng nông sản đóng góp 16,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luẩn quẩn về giá

Đặc biệt, nhiều nông sản như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, rau quả đang giữ ở mức giá cao và liên tục lập kỷ lục mới về giá. Ngay như giá cà phê, hiện tại thị trường trong nước đang trong khoảng 123.500 - 124.000 đồng/kg. Và lần đầu tiên trong lịch sử, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã vượt qua 5.000 USD/tấn.

Tuy nhiên, nhiều HTX, doanh nghiệp vẫn không hề vui trước việc giá cà phê tăng vì cà phê tươi tăng giá nhưng sau quá trình thu mua để chế biến thì cà phê nhân xanh, cà phê rang xay vẫn không thể tăng giá bán (do trước đó, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với giá cũ trong một khoảng thời gian nhất định).

Điều này khiến các nhà kinh doanh đầu cuối sẽ bị lỗ, phá sản. Do đó, rất nhiều nhà kinh doanh phải đóng cửa sau những cú bão tăng giá của nông sản, gần đây nhất là những pha tăng giá chóng mặt của cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, lúa gạo…

Nhiều loại nông sản của Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng, độ ngon nhưng vẫn bán với giá thấp.

Nhiều loại nông sản của Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng, độ ngon nhưng vẫn bán với giá thấp.

Theo giới chuyên gia, đây cũng là biểu hiện của rất nhiều nông sản Việt Nam chứ không riêng cà phê, hồ tiêu... Bởi khi giá tăng, nếu các doanh nghiệp chế biến đàm phán với đơn vị cung cấp nông sản để giảm giá thu mua thì lại dẫn đến vòng luẩn quẩn là được mùa, mất giá.

Ngược lại, nếu nhà chế biến, kinh doanh thua lỗ, không hoạt động nữa thì không có doanh nghiệp liên kết với nông dân, HTX để thu mua nông sản và không phát triển được chuỗi giá trị hàng hóa.

Ông Chí Anh, nhà sáng lập kiêm CEO của Công ty TNHH XNK Ago, cho biết vấn đề mấu chốt của tình trạng này chính là giá của nông sản, hàng hóa. Giá cả biến động là một trong những khó khăn trong kinh doanh xuất khẩu. Ưu điểm của việc giá nông sản tăng là người dân, HTX được bán nông sản với giá cao, tăng thu nhập.

Nhưng nếu dẫn đến tình huống hai bên phải xem xét, bàn bạc giá thu mua ở mức thấp (so với thị trường) thì sẽ xảy ra vòng luẩn quẩn trong vấn đề về giá. Điều này khiến giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp có thể dẫn đến tình trạng tự chèn ép nhau hoặc dừng hợp tác.

Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế du lịch nông nghiệp, cho rằng dù đơn vị thu mua nông sản về chế biến có là một tập đoàn lớn hay là một HTX có quy mô điển hình nhưng nếu cố gắng bán nông sản, hàng hóa với giá thấp thì đơn vị đó đang có vấn đề về định giá nông sản.

Điều này dẫn đến tình trạng HTX, doanh nghiệp có thể là người tạo ra sản phẩm thương mại nhưng không có giá trị. Và hậu quả dẫn đến là người nông dân, thành viên HTX dù trực tiếp làm ra hàng hóa, tham gia chuỗi giá trị nhưng lại luôn luôn khổ vì thu nhập không cao.

Cùng nâng cao giá bán hàng hóa

Có thể thấy, biến động giá cả của thị trường là điều khiến cả HTX và doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, thách thức trong liên kết, hợp tác. Ông Lê Sự, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ đầu tư phát triển nông nghiệp Xanh (Đồng Nai) cho rằng nếu sản xuất gạo hữu cơ có kết hợp gia tăng giá trị bằng chế biến và du lịch nông nghiệp thì giá lúa ở địa phương đang bán khoảng 25.000 đồng/kg, HTX có nên xác định bán với giá cao hơn là 35.000 đồng/kg?

Theo các chuyên gia, cách giải quyết duy nhất để tìm ra giá phù hợp cho mô hình sản xuất kinh doanh là các nhà kinh doanh, HTX phải ngồi lại với nhau để quyết định cùng nâng cao giá bán nông sản, hàng hóa.

Bởi tâm lý của khách hàng luôn muốn trải nghiệm những thứ họ chưa từng trải qua. Và trên thị trường, luôn có những tệp khách hàng muốn tìm kiếm những trải nghiệm có giá trị cao.

Vì vậy, ông Phạm Thanh Tùng cho rằng, HTX không nên lo lắng việc mình có thể tạo ra nông sản, sản phẩm độc đáo, có giá trị cao gấp nhiều lần so với sản phẩm thông thường nhưng không có người mua.

“Rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp, HTX hầu như chỉ tập trung bán hàng giá thấp, vì sợ bị gây khó và với suy nghĩ ‘buôn có bạn bán có phường”, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế du lịch nông nghiệp nói.

Ông Rocky Ngọc Thạch, CEO của Smart Link Logistics, cho rằng sau khi bàn bạc để đưa ra cách cùng nâng cao giá bán ở mức cao cho nông sản. HTX, doanh nghiệp có thể trích một phần lợi nhuận để tạo ra “quỹ bình ổn” để giải quyết những tình huống bất khả kháng về giá nông sản, hàng hóa.

Khi không cùng nhau tìm cách nâng cao giá bán nông sản thì vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn sẽ xảy ra. Và hàng năm, từ nông dân, HTX đến các sở ban ngành vẫn phải đối mặt với tình trạng này và tiếp tục đổ lỗi cho các nhân tố trong chuỗi giá trị hàng hóa.

Đặc biệt, nếu không nâng cao được giá bán nông sản thì không chỉ các HTX bị ảnh hưởng mà cả ngành nông nghiệp cũng khó phát triển. Bởi chỉ cần một mặt hàng có giá bán tăng lên thì sẽ đóng góp không nhỏ vào việc nâng tổng kim ngạch xuất khẩu toàn bộ ngành nông sản lên. Chưa nói nếu nông sản của Việt Nam có giá trị cao như nông sản của Nhật Bản thì kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ cao gấp nhiều lần vì Việt Nam là đất nước nông nghiệp và có nông sản được đánh giá là ngon nhất nhì thế giới như cà phê, vải thiều…

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/vi-sao-nong-san-viet-chua-het-canh-duoc-mua-mat-gia-duoc-gia-mat-mua-1102401.html