Vì sao Novaland, Coteccons đồng loạt triển khai ESG?

Trái với suy nghĩ của nhiều doanh nghiệp Việt cho rằng ESG là một dạng chi phí tăng thêm, ESG có thể hiểu là một hình thức đầu tư tìm kiếm cơ hội, giúp doanh nghiệp tạo giá trị đột biến theo nhiều cách như chi phí vốn thấp hơn, giảm rủi ro pháp lý, mở rộng cơ sở khách hàng.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023, đại diện Novaland cho biết, ESG sẽ là trọng tâm cho mọi hoạt động sắp tới của công ty. Và DEG - quỹ đầu tư thuộc Ngân hàng tái thiết Đức KfW sẽ tư vấn chiến lược, hỗ trợ kỹ thuật cho lộ trình chuyển đổi ESG tại Novaland.

"Tiêu chuẩn ESG sẽ là trọng tâm cho mọi hoạt động sắp tới của công ty", đại diện tập đoàn Novaland nhấn mạnh tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

ESG là viết tắt của "Environmental, Social, and Governance", tức là Môi trường, Xã hội và Quản trị. Đây là một khái niệm trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh, thường được sử dụng để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Trọng tâm mới của Novaland được đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh. Khủng hoảng thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp khiến Novaland lao đao, tiền vốn và tiền bán hàng bị ngân hàng siết chặt, thậm chí có giai đoạn không còn tiền hoạt động.

Novaland thuê những tổ chức tư vấn quốc tế đến hỗ trợ chuyển đổi ESG.

Novaland thuê những tổ chức tư vấn quốc tế đến hỗ trợ chuyển đổi ESG.

Tương tự Novaland, Coteccons trong chiến lược phát triển mới cũng đặc biệt gắn chặt với các yếu tố ESG. Công ty xây dựng này đang thúc đẩy những cam kết về phòng chống tham nhũng, chống hối lộ và thực hiện minh bạch thông tin tới công chúng, nhà đầu tư, cổ đông, thúc đẩy các cam kết thực hành ESG trong hoạt động hằng ngày…

Cuối năm 2022, Coteccons thành lập tiểu ban ESG, đứng ngang hàng với các tiểu ban chiến lược, tiểu ban kiểm toán và rủi ro, tiểu ban lương thưởng và nhân sự. Thành lập tiểu ban ESG cho thấy Coteccons coi trọng yếu tố này tương đương với các hoạt động lõi khác trong vận hành doanh nghiệp.

Bắt đầu được nhắc tới nhiều trong vài năm trở lại đây, thuật ngữ “ESG” còn tương đối mới ở Việt Nam. Mặc dù vậy, ESG đang trở thành xu hướng được triển khai thực hành mạnh mẽ trên thế giới và trong khu vực.

Nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam như PNJ, Gemadept, Vinamilk… đều đã thành lập tiểu ban ESG hay coi ESG là trọng tâm trong định hướng hoạt động của mình. Các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng bắt nhịp với ESG với các sản phẩm như trái phiếu xanh.

ESG cũng đã nhận được sự quan tâm của các nhà làm chính sách khi đề cập trong nhiều luật, chính sách và quy định quan trọng liên quan, bao gồm Luật bảo vệ môi trường, Luật các TCTD, Luật chứng khoán, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, về Biến đổi khí hậu...

ESG không phải là chi phí

Tại sao ESG lại trở thành tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam theo đuổi? Câu chuyện của Tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư Việt Nam có thể giải thích phần nào sức hấp dẫn của ESG.

Phối cảnh nhà máy Lego tại Bình Dương.

Phối cảnh nhà máy Lego tại Bình Dương.

Cuối năm 2021, Tập đoàn Lego đã cam kết sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng nhà máy tại Việt Nam, mục tiêu tạo 4.000 việc làm trong 15 năm. Tập đoàn chọn Bình Dương để triển khai nhà máy thứ 6 trên toàn cầu của mình với ý tưởng lớn, được biểu đạt bằng cụm từ “Nhà máy tương lai”.

Một nhà máy với quy mô như vậy đòi hỏi đối tác tương xứng, không chỉ về kỹ thuật xây dựng mà cả tầm nhìn. Điều kiện quan trọng mà Tập đoàn Lego yêu cầu ở các đối tác đó là phải có mức độ thực hành ESG nhất định. Bên cạnh các tiêu chí về kỹ thuật, Lego yêu cầu các tiêu chuẩn rất cao về môi trường và yếu tố bền vững.

Cuối cùng, đơn vị thắng thầu dự án xây dựng nhà máy Lego tại Bình Dương chính là Coteccons. Nhà máy có quy mô 44 ha, trở thành một trong những dự án trọng điểm giúp Coteccons tìm lại vị thế doanh nghiệp hàng đầu ngành xây dựng.

Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT của Coteccons cho rằng chìa khóa giúp công ty thắng thầu đó là những giá trị về minh bạch mà Coteccons theo đuổi phù hợp với yêu cầu của Lego.

“Vào cuối ngày, lãnh đạo cao nhất của Lego Manufacturing Việt Nam đã chia sẻ rằng công ty chúng ta là những người duy nhất không “cố liên lạc” trong cuộc đấu thầu, những người không cố gắng “gây sức ép” ngoài lệ và họ đánh giá rất cao điều đó”, Chủ tịch Coteccons chia sẻ câu chuyện về Lego.

Một báo cáo của Công ty quản lý quỹ đầu tư VinaCapital nhận định, yếu tố then chốt khi các công ty châu Âu lựa chọn một doanh nghiệp bản địa đó là tính minh bạch. Các công ty này muốn thiết lập quan hệ với đối tác địa phương có cùng tầm nhìn về các giá trị bền vững lâu dài, có mức độ thông tin và tính minh bạch cao.

Trái với suy nghĩ của nhiều doanh nghiệp Việt cho rằng ESG là một dạng chi phí tăng thêm, VinaCapital cho rằng ESG là một hình thức đầu tư tìm kiếm cơ hội. Giải quyết các vấn đề giúp doanh nghiệp tạo giá trị đột biến theo nhiều cách như chi phí vốn thấp hơn, giảm rủi ro pháp lý, mở rộng cơ sở khách hàng, từ đó tăng tỷ suất lợi nhuận.

Mặt khác, ESG cũng là cánh cửa giúp các doanh nghiệp Việt tiến vào thị trường toàn cầu, khi có nhiều cơ hội thu hút đầu tư từ các quốc gia phát triển, nơi dòng vốn ưu tiên cho các doanh nghiệp cam kết hướng tới phát triển bền vững.

"Tính minh bạch và công khai sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh và củng cố hình ảnh của các công ty đáng tin cậy hơn. ESG sẽ trở thành một phần bắt buộc của các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn nhận tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài hay muốn xuất khẩu sản phẩm của mình sang các quốc gia khác. Điều này cũng sẽ tác động vào thị trường lao động, khi sẽ có thêm nhiều nhu cầu mới về “việc làm xanh”, báo cáo của VinaCapital nhận định.

Những bước đi đầu tiên

Cuối năm 2022, PwC kết hợp với Viện thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) đã tiến hành một cuộc khảo sát trong đó ghi nhận tới 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã đưa ra cam kết ESG hoặc có kế hoạch thực hiện sớm trong 2 – 4 năm tới.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy số doanh nghiệp phát hành báo cáo phát triển bền vững tại Việt Nam không nhiều.

Theo PwC, trong khi đa phần các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG thì các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam mới áp dụng cách tiếp cận “quan sát và chờ đợi”. Hơn một nửa các doanh nghiệp cho biết họ mới chỉ có kế hoạch cam kết ESG trong tương lai gần. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỷ lệ cam kết còn thấp hơn.

Hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu hành trình ESG. Mặc dù cam kết của ESG ở mức đáng khen ngợi, kết quả báo cáo cũng cho thấy còn tồn tại khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và hành động. Các doanh nghiệp hiện đang đi đúng hướng và cho thấy sự tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện hơn nữa trong hành trình thực hành ESG.

Với câu chuyện xây dựng chiến lược ESG cho doanh nghiệp tư nhân, chỉ số ESG đang trở thành một yếu tố quan trọng thể hiện toàn cảnh bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp và tạo điều kiện đưa doanh nghiệp ra thế giới.

Nghiên cứu mới đây của PwC đã khảo sát 325 nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, chủ yếu là các nhà quản lý và phân tích tài sản đến từ các công ty đầu tư, ngân hàng đầu tư hoặc công ty môi giới, hầu hết các nhà đầu tư đều thể hiện sự cam kết với các mục tiêu ESG và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong các doanh nghiệp họ đầu tư. Đối với họ, những doanh nghiệp có hiệu suất ESG cao đã được chứng minh là có rủi ro thấp hơn, lợi nhuận cao hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn sau khủng hoảng.

“Tại Việt Nam, việc cam kết và thực hiện các mục tiêu ESG không chỉ đơn giản là giải pháp quản lý rủi ro về thương hiệu cho các doanh nghiệp, mà còn là cơ hội để tạo giá trị cho xã hội và tối ưu hóa mô hình kinh doanh”, báo cáo của PwC nhận định.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/vi-sao-novaland-coteccons-dong-loat-trien-khai-esg-1689928533621.htm