Vì sao ông Trump kiện Facebook, Twitter và YouTube?
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/7 đã đệ đơn kiện đối với một loạt các ông lớn công nghệ và giám đốc điều hành của các hãng này song vụ kiện được dự đoán sẽ khó thành công.
Vụ kiện nhắm vào Facebook, Twitter, YouTube và công ty mẹ Google, cùng các giám đốc điều hành lần lượt là Mark Zuckerberg, Jack Dorsey và Sundar Pichai. Tổng thống Mỹ thứ 45 trước đó đã bị cấm khỏi các nền tảng này sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6/1.
Tuy nhiên, các tòa án thường được cho là sẽ bác những đơn kiện loại này nên vụ kiện của ông Trump nhiều khả năng sẽ bị hủy bỏ ngay từ đầu, theo CNN.
Twitter, Facebook và Google, công ty sở hữu YouTube, đã từ chối bình luận về vụ kiện của cựu Tổng thống Trump.
Quyết tâm "buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm"
Sau vụ hỗn loạn tại tòa nhà quốc hội Mỹ vào ngày 6/1, ông Trump đã bị cấm vĩnh viễn khỏi Twitter và bị Facebook vô hiệu hóa tài khoản trong ít nhất hai năm.
YouTube cũng quyết định cấm cựu Tổng thống Trump vào tháng 1 song sau đó cho biết sẽ khôi phục tài khoản của ông vào tháng 3, khi công ty này tin rằng mối nguy về tình trạng bạo lực đã hạ nhiệt.
Các ông lớn công nghệ của Mỹ đã liên tục phủ nhận cáo buộc về việc nền tảng của họ phân biệt đối xử dựa trên hệ tư tưởng đảng phái của người dùng.
Một số nghiên cứu độc lập chỉ ra rằng các cáo buộc trên là không có cơ sở. Một số người thậm chí phát hiện ra rằng các tuyên bố mang tính đảng phái, đặc biệt là của cánh hữu, có sức ảnh hưởng lớn trên các nền tảng mạng xã hội.
Các vụ kiện của ông Trump tiếp nối một xu hướng bắt đầu từ lúc ông còn đương nhiệm tổng thống. Cụ thể, cựu chủ nhân Nhà Trắng được cho là đang tìm cách chống lại các công ty mà ông xem là mối đe dọa đối với thương hiệu của mình trên chính trường.
Khi còn tại chức, cựu Tổng thống Trump đã ký một lệnh hành pháp nhằm “ngăn chặn kiểm duyệt trên Internet” và tìm cách mở rộng trách nhiệm pháp lý đối với các doanh nghiệp công nghệ.
Tuy nhiên, các công ty này có đủ thẩm quyền hợp pháp để vận hành nền tảng của mình theo cách mà họ thấy phù hợp. Do đó, tòa án đã bác bỏ một loạt vụ kiện tương tự.
Khi thông báo xóa tài khoản của ông Trump, Facebook, Twitter và YouTube đều viện dẫn khả năng kích động bạo lực hoặc rủi ro đối với an toàn của công chúng sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol.
Bất chấp những nỗ lực thất bại trong quá khứ, ông Trump đã công bố các vụ kiện mới trong một cuộc họp báo hôm 7/7. Ông nói rằng mình đang yêu cầu một tòa án ở Florida “ra lệnh ngừng ngay lập tức việc kiểm duyệt bất hợp pháp và đáng xấu hổ của các công ty mạng xã hội đối với người dân Mỹ”.
“Chúng ta sẽ buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm”, ông Trump tuyên bố tại buổi họp báo.
Chưa đầy một giờ sau sự kiện nói trên, đội ngũ của ông Trump bắt đầu gửi đi thông điệp kêu gọi gây quỹ liên quan đến các vụ kiện.
Thiếu lợi thế về mặt pháp lý
Trong đơn kiện chống lại Facebook, Twitter và YouTube, phía ông Trump cho rằng việc các nền tảng này cấm ông Trump đã vi phạm quyền tự do ngôn luận trong Tu chính án thứ nhất.
Dẫu vậy, hành động cấm người dùng của các công ty công nghệ được bảo vệ theo Mục 230 của Đạo luật Truyền thông năm 1934.
Đây là một luật liên bang cung cấp quyền miễn trừ pháp lý đối với các trang web kiểm duyệt nội dung do người dùng đăng tải. Luật này đã được các nền tảng công nghệ sử dụng để xử lý nhiều vụ kiện trước đây.
Các khiếu nại của phe ông Trump cũng nhắm vào cách thức mà những nền tảng mạng xã hội cố gắng xử lý việc lan truyền thông tin sai lệch về đại dịch Covid-19.
Đơn kiện từ phía tổng thống Mỹ thứ 45 đồng thời yêu cầu các nền tảng Twitter, Facebook và YouTube khôi phục tài khoản của ông Trump và một số nguyên đơn khác cùng đệ đơn kiện tập thể.
Không những vậy, nhóm nguyên đơn còn cho rằng Mục 230 của Đạo luật Truyền thông năm 1934 là vi hiến, theo CNN.
Vào tháng 5, Florida đã thông qua luật cho phép các chính trị gia đệ đơn kiện những công ty công nghệ cấm họ khỏi nền tảng mạng xã hội của mình, đơn cử như trường hợp của cựu Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, luật này của Florida đi ngược lại với Hiến pháp Mỹ. Đầu tháng 7, một thẩm phán liên bang đã tìm cách hủy bỏ dự luật mới của Florida vì cho rằng nó vi phạm Tu chính án thứ nhất. Thống đốc Florida Ron DeSantis đã tuyên bố sẽ kháng cáo.
Phán quyết của thẩm phán cũng chỉ ra rằng luật mới của Florida đi ngược lại Mục 230 của Đạo luật Truyền thông năm 1934, vốn bị ông Trump tìm cách làm suy yếu bằng lệnh hành pháp của mình.
Vì dự luật của Florida bị hủy bỏ, đơn kiện của ông Trump nhằm chống lại Twitter, Facebook và YouTube nhiều khả năng một lần nữa thất bại vì không đủ lợi thế về mặt pháp lý, CNN nhận định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-ong-trump-kien-facebook-twitter-va-youtube-post1236469.html