Vì sao ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1

Lễ nhậm chức tổng thống Mỹ từng được tổ chức vào ngày 4/3 thay vì 20/1. Ngày 4/3 cũng là ngày chính phủ liên bang bắt đầu hoạt động theo hiến pháp Mỹ năm 1789.

Theo Tu chính án sửa đổi thứ 20, tổng thống đắc cử của Mỹ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1, trừ khi ngày đó rơi vào chủ nhật. Trong trường hợp đó, lễ nhậm chức sẽ diễn ra vào ngày 21/1.

Ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ diễn ra bình thường vào 20/1 (giờ địa phương), tức khoảng hai tuần sau khi Quốc hội chứng thực kết quả kiểm phiếu đại cử tri đoàn.

Lễ nhậm chức đánh dấu việc chính thức chuyển giao quyền lực nhánh hành pháp từ chính quyền Joe Biden sang chính quyền ông Trump.

Lịch trình lễ nhậm chức

Các buổi lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử và phó tổng thống đắc cử được lên kế hoạch bởi Ủy ban Quốc hội chung về các buổi lễ nhậm chức. Năm 2025, 8 sự kiện liên quan đến Ngày nhậm chức của ông Trump được lên chuẩn bị và vận hành bởi Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar, đảng viên Dân chủ đến từ Minnesota.

8 sự kiện nói trên bao gồm lễ diễu hành đến Điện Capitol; lễ tuyên thệ của phó tổng thống; lệ tuyên thệ của tổng thống; diễn văn nhậm chức; lễ rời nhiệm sở danh dự của tổng thống và phó tổng thống mãn nhiệm; lễ ký kết các đề cử, biên bản ghi nhớ và lệnh hành pháp của tân tổng thống; tiệc nhậm chức buổi trưa; lễ duyệt binh và lễ diễu hành của tân tổng thống ở trung tâm Washington.

Chủ đề của lễ nhậm chức năm nay là "Nền dân chủ bền vững của Mỹ: Một lời hứa theo hiến pháp", theo CBS.

 Tổng duyệt lễ nhậm chức của ông Trump tại Washington hôm 17//1 (giờ địa phương). Ảnh: Reuters.

Tổng duyệt lễ nhậm chức của ông Trump tại Washington hôm 17//1 (giờ địa phương). Ảnh: Reuters.

Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Trump dự kiến bắt đầu từ 11h30 sáng 20/1 (giờ miền Đông), tức khoảng 23h30 cùng ngày theo giờ Hà Nội.

Dù không tồn tại quy định cụ thể về khoảng thời gian của lễ nhậm chức song vào năm 2017 và 2021, các lễ nhậm chức của hai ông Trump và Biden đều kéo dài khoảng một giờ đồng hồ.

Theo Ủy ban nhậm chức Trump-Vance, lễ nhậm chức 2025 sẽ bắt đầu bằng một bản nhạc dạo đầu do Dàn hợp xướng liên hợp Đại học Nebraska-Lincoln và Đoàn nhạc Thủy quân Lục chiến Mỹ trình diễn.

Hồng y Timothy Dolan, Tổng giám mục New York, cùng Mục sư Franklin Graham sẽ đọc lời cầu nguyện. Christopher Macchio, một ca sĩ opera , sẽ hát "Oh, America!".

Sau đó, Thẩm phán Tòa án Tối cao Brett Kavanaugh sẽ chủ trì lễ tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống cho JD Vance. Ông Trump đã đề cử Kavanaugh vào tòa án tối cao vào năm 2018 sau khi Thẩm phán Anthony Kennedy nghỉ hưu.

 Mít tinh trước lễ nhậm chức của ông Trump hôm 20/1. Ảnh: Reuters.

Mít tinh trước lễ nhậm chức của ông Trump hôm 20/1. Ảnh: Reuters.

Ca sĩ nhạc đồng quê Carrie Underwood, cùng Dàn hợp xướng Lực lượng vũ trang và Câu lạc bộ hát của Học viện Hải quân Mỹ, sẽ biểu diễn "America the Beautiful". Sau phần trình diễn của họ, Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts sẽ chủ trì lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống cho ông Trump.

Tổng thống đắc cử sẽ đặt tay lên cuốn kinh thánh được chọn và đọc lời tuyên thệ nhậm chức dưới sự chứng kiến của Chánh án John Roberts. Ông Trump sẽ đặt tay lên cuốn kinh thánh từng được cố tổng thống Abraham Lincoln sử dụng năm 1861 và cuốn kinh thánh thứ hai do người mẹ quá cố Mary Anne MacLeod Trump tặng. Trong lễ nhậm chức năm 2017, ông cũng dùng hai cuốn kinh thánh này.

Câu lạc bộ Glee của Học viện Hải quân sẽ trở lại để hát "The Battle Hymn of the Republic", và sau đó Trump sẽ có bài phát biểu nhậm chức.

Bài phát biểu sẽ vạch ra mục tiêu trong nhiệm kỳ 4 năm tới, với thông điệp về "tình đoàn kết, sức mạnh và sự công bằng".

Buổi lễ sẽ kết thúc với lời chúc phúc từ Rabbi Tiến sĩ Ari Berman, hiệu trưởng Đại học Yeshiva; Imam Husham Al-Husainy của Trung tâm Giáo dục Karbalaa; Mục sư Lorenzo Sewell của Nhà thờ 180 Detroit; và Linh mục Frank Mann của Giáo phận Công giáo La Mã Brooklyn, và Quốc ca do Macchio trình bày.

Tại sao ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1?

Trong quá khứ, lễ nhậm chức từng được tổ chức vào ngày 4/3 thay vì 20/1. Ngày 4/3 cũng là ngày chính phủ liên bang bắt đầu hoạt động theo hiến pháp Mỹ năm 1789.

Quy định tổ chức lễ tuyên thệ vào 4/3 vốn xuất phát từ bối cảnh nông nghiệp của xã hội Mỹ thời xưa. Thời điểm đó, dân cư Mỹ sống phân tán, giao thông còn bị chia cắt và các phương tiện liên lạc chưa phát triển, khiến các nhà lập pháp nghĩ rằng cần có một khoảng thời gian đáng kể giữa cuộc bầu cử và lễ nhậm chức để quan chức địa phương kiểm đếm kết quả bầu cử, tổng thống có thời gian chọn ứng viên nội các và di chuyển đến thủ đô để làm việc.

 Ông Trump sẽ chính thức trở lại vị trí quyền lực nhất Nhà Trắng sau lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1, mở ra kỷ nguyên Trump 2.0. Ảnh: Reuters.

Ông Trump sẽ chính thức trở lại vị trí quyền lực nhất Nhà Trắng sau lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1, mở ra kỷ nguyên Trump 2.0. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, sự ra đời của công nghệ hiện đại nhanh chóng rút ngắn thời gian thực hiện những công việc này. Kết quả bầu cử được kiểm nhanh hơn nhiều và các quan chức dân cử có thể đến thủ đô Washington trong một vài ngày thay vì vài tuần hoặc vài tháng.

Do đó, khoảng thời gian 4 tháng "vịt què" từ lúc kết thúc cuộc tổng tuyển cử (vào tháng 11) đến ngày nhậm chức (4/3) trở nên không cần thiết, thậm chí còn kéo theo một số hệ quả tiêu cực.

Do đó, các nhà lập pháp quyết định thông qua Tu chính án thứ 20, ấn định lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử vào ngày 20/1 (hoặc 21/1 nếu trùng vào ngày chủ nhật).

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-ong-trump-nham-chuc-vao-ngay-201-post1526152.html