Vì sao ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố vẫn tại ngoại?

Cơ quan Công an vừa khởi tố ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa để điều tra về tội 'vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí'. Tuy nhiên, 2 người này vẫn được tại ngoại mà không bị bắt tạm giam?

Mới đây (ngày 10/7), Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" ông Hoàng được cho tại ngoại.

Cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương.

Bà Thoa bị khởi tố để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Cũng giống như cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, bà Thoa được cơ quan điều tra cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú. Dư luận băn khoăn, vì sao ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố vẫn được tại ngoại?

 Ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa

Ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, nếu bị khởi tố bị can thì người bị khởi tố có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú tùy từng trường hợp phạm tội cụ thể và tùy thuộc vào mỗi vụ án cụ thể theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng. Như vậy, nếu bị can nào bị khởi tố về tội danh mà khung hình phạt có thể trên 15 năm tù thì có thể sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam theo quy định của điều luật này.

Trong trường hợp của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố theo quy định tại khoản 2, Điều 219 Bộ luật hình sự (gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước dưới 1.000.000.000 đồng) với mức hình phạt cao nhất lên đến 12 năm tù thì có thể sẽ không áp dụng hình thức tạm giam.

Tuy nhiên nếu các vị này bị khởi tố, truy tố ở khung hình phạt theo khoản 3 của điều luật này do gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước từ 1.000.000.000 đồng trở lên, với mức hình phạt có thể đối mặt lên đến 20 năm tù thì cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam đối với nguyên Bộ trưởng, nguyên Thứ trưởng này theo quy định pháp luật.

Khi đã khởi tố bị can, nếu không áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam thì cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú theo quy định tại Điều 123 Bộ luật tố tụng hình sự. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.

 Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị quân đội đó để quản lý, theo dõi họ.

Trường hợp bị can, bị cáo vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc đơn vị quân đội quản lý họ và phải có giấy cho phép của người đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Nếu bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo phải báo ngay cho cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú biết để xử lý theo thẩm quyền.

Như vậy, theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự thì Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng chứ không bắt buộc là phải áp dụng đối với mọi trường hợp khi bị khởi tố, truy tố về các tội danh rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có thêm quy đinh về biện pháp “Đặt tiền để đảm bảo” cho biện pháp ngăn chặn. Bởi vậy cũng có thể các bị can trong vụ án này thuộc trường hợp bị tạm giam nhưng do anh đã đặt một khoản tiền để đảm bảo áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định tại điều 112 Bộ luật tố tụng hình sự nên đã không bị tạm giam.

Đây là quy định mới, có tính chất nhân văn để giảm bớt những thiệt hại không đáng có đối với bị can, bị cáo. Tuy nhiên cũng có nhiều quan điểm khác nhau về quy định này, có người cho rằng những người nghèo, người dân thường sẽ không có cơ hội áp dụng điều luật này và phải chấp nhận bị tạm giam.

Dù gì thì điều luật này cũng đã được Quốc Hội thông qua, đang có hiệu lực pháp luật nên các bị can trong vụ án này có thể vận dụng quy định của điều luật này để tránh trường hợp mình bị tạm giam trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Thủ tục đặt tiền để đảm bảo phải đúng quy định của pháp luật, số tiền đó phải nộp vào Cơ quan thi hành án.

Xem thêm video: Khởi tố nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng

Nguồn: VTC NOW.

Gia Đạt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/vi-sao-ong-vu-huy-hoang-ba-ho-thi-kim-thoa-bi-khoi-to-van-tai-ngoai-1407958.html