Vì sao phải siết chặt an ninh hàng không, cấm dao trên máy bay?
Mới đây, tại Việt Nam đã xảy ra vụ việc một cặp vợ chồng lớn tuổi mang con dao dài khoảng 20cm ra gọt trái cây trên máy bay.
Sự việc xảy ra trên chuyến bay VN208 từ TP.HCM về Nội Bài lúc 7h58 sáng 18/7, được nhận định là vi phạm nghiêm trọng quy định về an ninh, an toàn hàng không.
Trước sự việc này, đã có không ít băn khoăn tại sao lại phải siết chặt an ninh, an toàn hàng không hơn nhiều so với các phương tiện vận tải khác và từ khi nào ngành hàng không thế giới phải thay đổi quy định về an toàn hàng không?
Siết chặt quy định an ninh hàng không
Có thể nói các quy định an ninh của ngành hàng không thế giới đã thay đổi đáng kể sau thời điểm xảy ra vụ tấn công khủng bố tại Mỹ ngày 11/9/2001.
Theo hãng tin AP, trước năm 2001, hành khách hàng không cũng bị kiểm tra an ninh trước khi lên máy bay, nhưng quy định không quá nghiêm ngặt.
Tại Mỹ, khi kiểm tra giấy tờ, hành khách cũng không cần xếp hàng. Các thành viên gia đình có thể cùng nhau đi bộ ra cổng an ninh, dành những cái ôm tạm biệt cho đến giây phút cuối cùng. Về cơ bản, việc di chuyển ở sân bay ít căng thẳng hơn nhiều.
Tuy nhiên, sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 – cuộc tấn công nghiêm trọng nhất trên đất Mỹ, ngành hàng không toàn cầu đã phải đặt câu hỏi về các biện pháp an ninh. Và cho tới nay, quy trình bảo vệ an ninh đã được củng cố nghiêm ngặt và thậm chí có phần căng thẳng ở một số sân bay trên thế giới nhằm ngăn chặn nguy cơ lặp lại ngày tồi tệ đó.
Hai tháng sau vụ tấn công, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã ký một đạo luật mới thành lập Cơ quan Quản lý An ninh Vận tải Mỹ (TSA). Họ chịu trách nhiệm kiểm tra sân bay thay thế các công ty tư nhân từng được nhiều hãng hàng không thuê để giải quyết vấn đề an ninh. Luật mới này cũng yêu cầu kiểm tra tất cả các hành lý ký gửi, gia cố cửa buồng lái và cử thêm lực lượng cảnh sát trên các chuyến bay.
Các biện pháp an ninh cá nhân mới đối với hành khách cũng được xây dựng và liên tục bổ sung dựa trên tình hình thực tế. Chẳng hạn như đưa ra danh sách các loại vật dụng bị cấm mang lên máy bay, trong đó bao gồm nhiều loại vũ khí, vật liệu nổ và thậm chí cả các đồ dùng sát thương nhỏ như dao bấm.
Bên cạnh đó, hành khách phải xếp hàng khi di chuyển tới điểm kiểm tra an ninh, được yêu cầu bỏ áo khoác, cởi thắt lưng và bỏ hết vật dụng trong quần áo ra ngoài để máy quét kiểm tra.
Các đồ dùng điện tử, như máy tính xách tay, cũng cần bỏ ra khỏi túi đựng.
Bên cạnh đó, rút thêm kinh nghiệm từ vụ “kẻ đánh bom giày” Richard Reid tìm cách tấn công chuyến bay từ Paris, Pháp đến Miami, Mỹ vào cuối năm 2001, hành khách còn buộc phải cởi bỏ giày, dép tại các điểm kiểm tra an ninh.
Để hạn chế các loại chất lỏng với số lượng lớn có thể gây cháy nổ trên máy bay, hàng không cũng giới hạn lượng chất lỏng du khách được mang theo.
Cho tới nay, có thể nói những quy định trên đã trở thành thông lệ và được áp dụng trên hầu khắp các chuyến bay toàn cầu.
Ông Matthew Vaughan, giám đốc an ninh hàng không tại Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), cho biết các quy tắc an toàn hàng không toàn cầu đã được sửa đổi 8 lần từ sau năm 2001.
Áp dụng công nghệ để tạo thuận tiện cho hành khách
Riêng tại Mỹ, để tiện lợi hơn cho hành khách và nhằm tăng cường mức độ an toàn cho các chuyến bay, các công nghệ mới đã liên tục được áp dụng trong quá trình kiểm tra an ninh hành không, chẳng hạn như sử dụng các máy quét 3D, máy quét cá nhân hành khách và nhiều thiết bị khác.
Để tránh quá trình kiểm tra giấy tờ và an ninh tốn nhiều thời gian, cơ quan an ninh Mỹ cũng triển khai một chương trình riêng giúp các hành khách đi qua các trạm kiểm tra an ninh, được gọi là PreCheck.
Theo đó, các hành khách có trả phí và cung cấp đủ một lượng thông tin nhất định sẽ được đi qua các trạm kiểm soát mà không cần tháo giày và áo khoác hoặc phải lấy máy tính xách tay ra khỏi túi xách.
Cụ thể, các thông tin cơ bản cần được cung cấp như quá trình làm việc, nơi họ sinh sống, xác nhận dấu vân tay và đồng ý kiểm tra hồ sơ tội phạm. Tính tới tháng 6/2021, hơn 10 triệu người đã đăng ký chương trình PreCheck. Và TSA muốn nâng con số đó lên 25 triệu để các nhân viên TSA dành nhiều thời gian hơn cho những hành khách được coi là có nguy cơ lớn hơn.
Hãng AP cũng cho biết TSA cũng đang thử nghiệm việc sử dụng các ki-ốt được trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt để kiểm tra giấy tờ tùy thân có ảnh và thẻ lên máy bay thay vì phải có riêng nhân sự làm việc đó.
Tuy các biện pháp đảm bảo an toàn đối với hành khách đã được tăng cường nhưng thực tế vẫn có trường hợp sơ suất, tắc trách dẫn đến để lọt các vật dụng, thiết bị nguy hiểm có thể uy hiếp an toàn bay. Đây là điều bản thân TSA đã và đang chú ý tới.