Cổng thông tin War on the Rocks đã phân tích lý do tại sao Pháp, với tư cách là một trong những quốc gia NATO hùng mạnh nhất ở châu Âu, vẫn đặt cược vào "công nghệ cao" thay vì quân số đông đảo.
Kinh nghiệm thực tế trong những cuộc xung đột gần đây cho thấy, để tác chiến tốt không chỉ cần vũ khí công nghệ cao, mà còn cần yếu tố con người.
Quân đội Pháp, mặc dù được coi là có khả năng chiến đấu tốt nhất ở châu Âu, nhưng về cơ bản vẫn "mỏng", thiếu binh lính lẫn khí tài.
Hiện tại, Pháp duy trì quân số thường trực cực kỳ ít, trong khi bất kỳ sơ suất nào cũng có thể dẫn đến tổn thất nghiêm trọng về khả năng chiến đấu.
Ví dụ, quân đội Pháp hiện chỉ có 200 xe tăng Leclerc sẵn sàng chiến đấu, và nếu vì lý do nào đó họ phải ngừng sử dụng một số lượng dù ít thì cũng sẽ làm giảm đáng kể sức mạnh quân sự.
Lực lượng mặt đất của Pháp hiện chỉ có 114 nghìn quân nhân, song thậm chí không ai đặt ra câu hỏi về khả năng quay trở lại mô hình quân đội nghĩa vụ.
Pháp sở hữu phi đội máy bay chiến đấu gồm khoảng 100 chiếc Rafale bình thường, 42 chiếc Rafale-M hoạt động trên tàu sân bay, 100 chiếc Mirage 2000 và điều này cũng phản ánh cách tiếp cận "chất lượng hơn số lượng".
Có cách rất đơn giản để thoát khỏi tình huống này, đó là Pháp mở rộng quy mô sản xuất khí tài.
Nhưng không dễ để điều này thành hiện thực, ví dụ trường hợp sản xuất pháo tự hành CAESAR, hiện tại công ty Nexter chỉ có thể chế tạo 4 đơn vị mỗi tháng.
Theo giới phân tích, có thể thấy rằng các chính trị gia và giới chức quân sự Pháp vẫn đang chịu ảnh hưởng của "chấn thương năm 1940", đó là lý do tại sao họ không muốn xây dựng quân đội với quy mô lớn.
Năm 1940, Pháp giao chiến Đức bằng một đội quân có hỏa lực mạnh nhưng “thiếu linh hoạt” về cơ động và “vụng về” trong cách điều hành nên thua cuộc một cách rất nhanh chóng.
Tình trạng trên là kết quả từ những tài liệu nặng tính giáo lý mà Thống chế khét tiếng Pétain đã viết trước năm 1940, điều này gây ra thêm một sự thất vọng nhất định cho người Pháp.
Và khi Pháp hình thành học thuyết phòng thủ của mình vào những năm 1950 và 1960 với tư cách là thành viên NATO, nước này đã hình thành khái niệm sau: Chiến tranh sẽ diễn ra nhanh chóng và sử dụng vũ khí hạt nhân, hoặc sẽ không có chiến tranh.
Do vậy trong quá trình phát triển lực lượng vũ trang, cần tập trung chủ yếu vào phương tiện mang phóng đầu đạn nguyên tử, lực lượng mặt đất có khả năng cơ động gọn nhẹ và sử dụng hỏa lực linh hoạt.
Tất nhiên vài chục năm sau, những yếu tố chủ quan khác cũng được áp đặt. Ví dụ ngay cả khi có nhiệm vụ chế tạo vũ khí hoặc thiết bị rẻ tiền, tổ hợp công nghiệp quốc phòng Pháp vẫn sản xuất một số mẫu "quá lớn so với nhu cầu".
Ví dụ sinh động nhất về điều này là chiếc trực thăng NH90, nó gặp phải vấn đề tương tự, khi được thiết kế như một phương tiện vận tải hạng nặng không cần thiết.
Đặc biệt là sau năm 1991, Pháp đã không tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn đòi hỏi sử dụng một lượng lớn binh sĩ. Khi quân đội Pháp triển khai 4 khẩu pháo tự hành CAESAR vào năm 2013, thì đó đã là một loại của kỷ lục cho họ.
Có vẻ như còn một yếu tố nữa - thiếu "kênh phản hồi" trong hệ thống phân cấp của quân đội Pháp, điều này khiến những phê bình về đặc điểm của khí tài không đến được tai của chỉ huy quân sự, dẫn đến không có chuyển biến nhận thức, thay đổi hành động.