Vì sao phiên đấu giá cổ phần của Tổng công ty Sông Hồng bị tạm dừng?

Phiên đấu giá hơn 13,2 triệu cổ phần của Tổng công ty Sông Hồng (UPCoM: SHG) do Bộ Xây dựng sở hữu sẽ không diễn ra vào ngày 25/12 tới đây như dự kiến.

Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông tin, trước đó, ngày 30/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 91/2015/NĐ-CP.

Theo đó, Nghị định số 140/2020-NĐ-CP không quy định điều khoản chuyển tiếp đối với trường hợp các đơn vị đã phê duyệt phương án thoái vốn trước ngày 30/11/2020. Do đó, HNX cho biết, trong thời gian chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, phiên đấu giá bán cổ phần của Tổng công ty Sông Hồng do Bộ Xây dựng sở hữu vào ngày 25/12 tới đây sẽ bị tạm dừng để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Chính phủ.

Được biết, Tổng công ty Sông Hồng là doanh nghiệp có tên trong danh mục phải thoái vốn Nhà nước trước ngày 30/11/2020, theo Quyết định số 908 của Thủ tướng Chính Phủ.

Nếu quá hạn mà thoái vốn không thành công, tổng công ty sẽ được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trước ngày 31/12/2020.

Theo thông báo trước đó của HNX, Bộ Xây dựng dự kiến bán đấu giá hơn 13,2 triệu cổ phần đang sở hữu tại Sông Hồng, tương đương 49% vốn điều lệ.

Giá khởi điểm được đưa ra tại thời điểm công bố thông tin đấu giá bằng với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần, tướng ứng giá trị cả lô cổ phần tối thiểu là 132 tỷ đồng.

Mới đây, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2020 cho thấy, nửa đầu năm nay, tổng công ty mới ghi nhận 24,4 tỷ đồng doanh thu, giảm 40% so với cùng kỳ 2019.

Các chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp vẫn ở mức cao, xấp xỉ năm trước khiến Sông Hồng tiếp tục lỗ trước thuế 29,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính tại ngày 30/6/2020 đã âm gần 700 tỷ đồng, do khoản lỗ lũy kế trên 1.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính Công ty mẹ, tổng doanh thu năm 2019 của Công ty mẹ đạt 34 tỷ đồng, giảm 178,9 tỷ đồng, tương ứng giảm 83,8%.

Năm 2019, Tổng công ty tiếp tục bị lỗ 65 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh thua lỗ dẫn đến vốn chủ sở hữu của Sông Hồng âm 645,6 tỷ đồng, mất toàn bộ vốn đầu tư của chủ sở hữu.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, tổng doanh thu toàn Tổng công ty năm 2019 là 68 tỷ đồng, giảm 70% so với tổng doanh thu năm 2018. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2019 của Tổng công ty tiếp tục âm 72,8 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 973 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu năm 2019 toàn Tổng công ty là âm 666 tỷ đồng.

Bộ Tài chính nhận định, Tổng công ty không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn (dưới 1 năm). Nợ ngắn hạn của Công ty mẹ tại ngày 31/12/2019 là 1.117 tỷ đồng, cao hơn số dư tài sản ngắn hạn (tài sản ngắn hạn tại ngày 31/12/2019 là 505,2 tỷ đồng). Tổng công ty đang bị mất cân đối tài chính, một phần nợ ngắn hạn được sử dụng để tài trợ cho tài sản dài hạn và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục.

Về hiệu quả hoạt động đầu tư, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tại ngày 31/12/2019, Sông Hồng có số dư đầu tư tài chính tại 30 Công ty với tổng số tiền là 284 tỷ đồng; cổ tức được chia năm 2019 là 1,4 tỷ đồng; tỷ suất sinh lời rất thấp là 0,5%.

"Trong số 30 doanh nghiệp Sông Hồng có góp vốn đầu tư, Tổng công ty phải thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính tại 22 đơn vị với tổng số tiền là 221 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản đầu tư tại công ty con, công ty liên doanh, liên kết. Điều này cho thấy hoạt động đầu tư ra ngoài của Sông Hồng không có hiệu quả", Bộ Tài chính đánh giá.

Được biết, doanh nghiệp này từng là thương hiệu xây lắp có uy tín với loạt công trình quy mô lớn như Nhà thi đấu đa năng TP Đà Nẵng (giá trị hợp đồng 926 tỷ đồng), dự án 165 Thái Hà (958 tỷ đồng), Nhà thi đấu TDTT Nam Định (741 tỷ đồng), Dự án Khu nhà máy chính và khu hành chính - Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (1.447 tỷ đồng)...

Nhưng kể từ khi cổ phần hóa đến nay (từ năm 2016), hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, tổng công ty này gần như không triển khai thêm dự án đầu tư nào và cũng không có hợp đồng thi công xây lắp mới.

Không chỉ vậy, Tổng công ty Sông Hồng từng vướng vào các rắc rối pháp lý khi phải thi hành án đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến vụ việc OceanBank khởi kiện, buộc Tổng công ty Sông Hồng phải trả nợ vay thi công công trình nhiệt điện Vũng Áng 1 với số tiền cả gốc và lãi lên tới 470 tỷ đồng.

Lệ Vỹ (T/h)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/phien-dau-gia-co-phan-cua-tong-cong-ty-song-hong-bi-tam-dung-25703.html