Vì sao phim 'Nghịch lý kẻ sát nhân' gây sốt?
Series 'A Killer Paradox' mới ra mắt đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí top 1 trên nền tảng Netflix tại nhiều quốc gia. Phim gây chú ý nhờ câu chuyện thú vị, mới lạ.
Director: Lee Chang-hee
Cast: Choi Woo-sik, Son Seok-koo, Lee Hee-joon, Kim Yo-han…
Rating: 7.5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Chỉ sau ít ngày ra mắt, Nghịch ký kẻ sát nhân (tựa tiếng Anh: A Killer Paradox) đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của khán giả. Loạt phim Hàn Quốc hiện thống trị nền tảng Netflix tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Dựa trên webtoon cùng tên nổi tiếng của tác giả Kkomabi, Nghịch ký kẻ sát nhân thuộc thể loại tâm lý/tội phạm/giật gân. Series với thời lượng 8 tập, xoay quanh câu chuyện ly kỳ về một chàng trai vô ý giết người. Dự án được đạo diễn Lee Chang Hee cầm trịch, dựa trên kịch bản do Kim Da Min chấp bút.
Có tội hay vô tội?
Chuyện phim theo chân chàng trai Lee Tang (Choi Woo-sik) sau khi xuất ngũ 6 tháng vẫn chưa tìm được việc làm. Rơi vào cảnh vô công rồi nghề, cậu trở nên mất phương hướng, có ý định đi lao động kết hợp kỳ nghỉ. Trước cảnh bạn bè đều đã có việc, Lee Tang luôn cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt, chán chường.
Ngày nọ, anh chàng vô tình giết người khi đang cố gắng tự vệ. Chẳng ai ngờ, phía cảnh sát công bố nạn nhân thực chất lại là một sát thủ hàng loạt, từng gây ra nhiều vụ án trước đó. Trong lúc trốn tránh vì hoảng sợ, Lee Tang tiếp tục xuống tay với một nạn nhân khác.
Hai vụ án mạng liên tiếp nhưng không có bất cứ chứng cứ nào để lại hiện trường, giúp anh chàng thoát tội. Song, Lee Tang vẫn bị một viên cảnh sát cứng đầu tên Jang Nan Gam (Son Seok Koo) săn đuổi.
Nam chính của phim, Lee Tang, từ một sự cố vô tình trở thành “người thực thi công lý”. Anh quyết định xuống tay với những kẻ ác nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật mà cảnh sát không thể kết tội. Motif này gợi nhắc người xem tới Taxi Driver - một series khác của Hàn Quốc từng gây bão 2 năm trước. Trong khi đó, yếu tố kỳ ảo được thêm thắt vào bộ phim lại khiến câu chuyện Nghịch ký kẻ sát nhân mang hơi hướm của Người cảnh giác (Vigilante).
Sự thú vị của những tác phẩm này là việc đẩy nhân vật đứng giữa lằn ranh thiện - ác, và để cho khán giả toàn quyền kết luận. Cũng chính sự phức tạp, nhập nhằng trong tâm lý hành vi khiến mỗi quyết định, nước đi của nhân vật trở nên khó đoán. Để rồi khi cái ác bị kết án và trừng phạt, cảm giác thỏa mãn xâm chiếm người xem mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.
Câu hỏi “Hai cái sai có tạo nên một cái đúng?” được đặt ra xuyên suốt bộ phim. Nghịch ký kẻ sát nhân cũng theo đó mà chỉ điểm những lỗ hổng của pháp luật, nơi “công lý sạch” không thể chạm tay tới. Để rồi, thông điệp về nghịch lý giữa điều đúng và cái sai khiến người xem phải im lặng suy ngẫm.
Cũng trong hành trình này, những thiếu sót, hạn chế của ngành cảnh sát Hàn Quốc phần nào đó bị vạch trần. Thực tế, việc cái ác nhởn nhơ hay nhiều tội phạm lọt lưới như một cái tát thức tỉnh các cơ quan điều tra, đặt ra câu hỏi về nghiệp vụ và cả sự tận tụy với nghề.
Với câu chuyện giàu ý nghĩa, lớp lang, Nghịch ký kẻ sát nhân còn tạo được thiện cảm nhờ việc cài cắm các yếu tố giải trí khéo léo. Nhiều lời thoại, tình tiết hài hước được nhấn nhá đúng chỗ, cùng các cảnh hành động kích thích trải nghiệm xem của khán giả, giúp series giữ được sức hấp dẫn qua từng tập. Bầu không khí phim cũng nhờ vậy mà biến hóa linh hoạt, không quá nặng nề, u ám.
Xây dựng nhân vật thú vị
Bên cạnh motif hấp dẫn cùng câu chuyện nhiều tầng ý nghĩa, sức hút của Nghịch ký kẻ sát nhân còn đến từ việc xây dựng nhân vật với tâm lý, tính cách thú vị.
Nam chính của phim, Lee Tang, là một hình mẫu nhân vật phức tạp trong suy nghĩ lẫn hành động. Động cơ của nhân vật dễ khiến khán giả đồng cảm, dù cho bàn tay của anh chàng đã nhuốm máu. Mỗi nạn nhân của Lee Tang đều là những kẻ từng làm chuyện xấu xa, vặn vẹo nhưng pháp luật lại chưa thể trừng phạt. Vậy nên, anh trở thành “kẻ thực thi công lý” ở những nơi pháp luật không thể chạm tới, trên phương diện nào đó là tiếng nói đại diện cho những người chịu nhiều bất công trong xã hội.
Thế nhưng, biên kịch đã rất khôn khéo khi không “thần thánh hóa” nhân vật của Choi Woo-sik. Bản thân Lee Tang ngay từ đầu phim đã hiện lên là một cậu chàng nông nổi, chóng chán qua đoạn hội thoại với các bạn học. Xuyên suốt tác phẩm, bức tranh quá khứ của nhân vật cũng dần hiện rõ. Điều đó có ảnh hưởng không nhỏ tới tính cách, hành vi của nhân vật ở thời điểm hiện tại.
Việc đẩy nhân vật vào tình thế mất phương hướng trở thành bàn đạp hoàn hảo cho cú biến chuyển tâm lý khi đứng trước biến cố. Cuộc đời Lee Tang vốn dĩ mờ nhạt, cho tới khi anh tự giải thoát chính mình. Song, việc bị cuốn vào vòng xoáy tội lỗi cũng khiến nhân vật ngày càng lệch lạc. Dưới diễn xuất biến hóa của Choi Woo-sik, khán giả được chứng kiến một Lee Tang với nhiều chuyển biến nội tâm theo từng giai đoạn lún sâu vào tội ác.
Nhìn chung, Nghịch ký kẻ sát nhân là một series với nhiều điểm thú vị và dễ thu hút chú ý, tuy nhiên chưa hoàn hảo. Điều này phần lớn xuất phát từ việc kiểm soát nhịp phim chưa tốt. Hồi đầu phim được dẫn dắt khá nhanh, với biến cố đến sớm và tiết tấu gấp rút. Tuy nhiên, đạo diễn dần đánh mất lợi thế khi câu chuyện tiến đến hồi sau. Lúc này, một số tình tiết thừa thãi xuất hiện, đôi lúc khiến câu chuyện bị rối.
Yếu tố trinh thám cũng chỉ được khai thác một cách mờ nhạt, rập khuôn và thiếu sáng tạo. Thông thường khi theo dõi một bộ phim tội phạm/giật gân, những màn đấu trí căng thẳng hay điều tra, phá án rất được quan tâm. Tuy nhiên, chúng chưa được xây dựng đủ hấp dẫn trong bộ phim của Lee Chang-hee.
Thay vào đó, vị đạo diễn trẻ dành phần lớn thời lượng soi chiếu nội tâm nhân vật, đặt anh trong những tình huống phải đấu tranh tâm lý. Vậy nên ở nửa sau series, nhịp phim có phần chùng lại. Một vài tình huống bị “nêm nếm” quá đà, trở nên nặng nề, có cảm giác câu kéo nước mắt của khán giả.
Ngoài ra, cảnh nóng trong phim cũng chưa được xử lý đủ khéo, có phần thừa thãi.
Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-phim-nghich-ly-ke-sat-nhan-gay-sot-post1460835.html