Vì sao phương Tây lo ngại Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga?
Hỗ trợ quân sự của Trung Quốc cho Nga có thể sẽ đóng vai trò đảo ngược trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo trang tin Euractiv.com ngày 18/3, Mỹ và các nước châu Âu gần đây liên tục đưa ra cảnh báo rằng sẽ áp đặt các biện pháp thương mại nhằm vào Trung Quốc, nếu nước này hỗ trợ quân sự cho Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Vậy đâu là lý do khiến phương Tây lại lo ngại về vấn đề này?
Các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng, trong nhiều thập kỷ, Nga là quốc gia đi đầu trong việc hỗ trợ Trung Quốc hiện đại hóa quân sự mạnh mẽ với vũ khí và công nghệ tiên tiến, và hiện Bắc Kinh có rất nhiều thứ mà Moskva cần khi cuộc xung đột ở Ukraine tiếp diễn.
Trung Quốc cũng đã phát triển các hệ thống, chẳng hạn như máy bay không người lái trinh sát và vũ trang, vũ khí dẫn đường và liên lạc trên chiến trường, có thể giúp Nga khắc phục những vấn đề đang bị lộ ra trên mặt trận Ukraine.
Nga cũng có thể cần nhiều loại vũ khí, phương tiện thông thường hơn, chẳng hạn như vũ khí chống tăng, xe tải và đạn dược mà Trung Quốc có trong kho dự trữ của họ.
Drew Thompson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ hiện làm việc tại Trường Lý Quang Diệu, nhận định với hãng tin AP: “Trung Quốc có thể muốn tránh bán vũ khí có giá trị cao hoặc giá trị lớn cho Nga khiến Bắc Kinh phải hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế".
Theo ông Thompson, Bắc Kinh sẽ sẵn sàng cung cấp phụ tùng thay thế, đạn dược và các mặt hàng lưỡng dụng không vi phạm lệnh trừng phạt. Ví dụ, máy bay trực thăng của Nga có khả năng sử dụng pháo mồi nhử để chống lại các tên lửa tầm ngắn di động như Stinger. Trung Quốc có thể bán cho Nga một số pháo mồi nhử nếu chúng tương thích với các hệ thống của Nga. Trung Quốc cũng có thể chia sẻ thông tin tình báo và giám sát với Nga.
Đầu tuần này, Mỹ nói với các đồng minh trong NATO và một số nước châu Á rằng Trung Quốc đã phát tín hiệu sẵn sàng cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho Nga, điều mà cả Bắc Kinh và Moskva đều phủ nhận. Một số nhà phân tích quân sự và ngoại giao nước ngoài hoài nghi rằng Bắc Kinh không muốn bị lôi kéo trực tiếp vào cuộc xung đột.
Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng một số thiết bị tiên tiến nhất của Trung Quốc không thể tích hợp dễ dàng hoặc nhanh chóng với các thiết bị khác của Nga. Nhưng vẫn có một số vũ khí và công nghệ của Trung Quốc có thể được sử dụng.
Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu chuyển giao vũ khí cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), lưu ý: "Trong khi các nhà khoa học quân sự Trung Quốc đã sử dụng công nghệ của Nga để phát triển vũ khí của riêng họ, thì các loại vũ khí cũ hơn như bom dẫn đường sẽ dễ dàng lắp vào máy bay Nga và các hệ thống vệ tinh GLONASS có liên quan".
Euractiv.com dẫn nguồn tin từ năm nhà phân tích quân sự nước ngoài và ba đặc phái viên khu vực cho biết việc phương Tây liên tục đưa ra cảnh báo nhằm gây áp lực lên Trung Quốc có nghĩa là Bắc Kinh có thể cảnh giác với việc chuyển giao vũ khí hoặc đạn dược một cách công khai, nhưng có thể cung cấp các bộ phận hoặc trợ giúp thông tin liên lạc bí mật hơn.
Ba nhà ngoại giao cho biết, đường biên giới dài trên bộ của Trung Quốc với Nga đồng nghĩa với việc các vụ vận chuyển có thể khó theo dõi, trong khi Trung Quốc có nguồn cung tương đối dồi dào và nhiều nhà máy hoạt động hơn Nga.
Tại Bắc Kinh, nhà phân tích chính trị độc lập Wu Qiang nhận định tuyên bố của các quan chức Mỹ đã nâng cao quan điểm với Bắc Kinh về thương mại quân sự với Nga. “Mỹ đang gửi tối hậu thư cho Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc đưa ra quyết định", ông Wu nói với Reuters.
Theo hãng tin AP , các quan chức Mỹ hôm 16/3 xác định rằng Trung Quốc đã gửi một tín hiệu tới Nga: Bắc Kinh sẽ sẵn sàng cung cấp cả hỗ trợ quân sự cho chiến dịch của Moskva ở Ukraine và hỗ trợ tài chính để giúp ngăn chặn tác động của các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc do phương Tây áp đặt.
Trong khi đó, tờ Politico ngày 18/3 dẫn lời một quan chức cấp cao EU thông báo, các nhà lãnh đạo EU có "bằng chứng rất đáng tin cậy" cho thấy Trung Quốc đang xem xét hỗ trợ quân sự cho Nga.
Cả Moskva và Bắc Kinh đều bác bỏ những cáo buộc trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijianbác gọi đó là “thông tin sai lệch” của Mỹ, trong khi người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga không yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ quân sự và có đủ sức mạnh quân sự để thực hiện tất cả các mục tiêu của mình ở Ukraine.