Vì sao quân đội Trung Quốc từ bỏ 'làm kinh tế'?
Xu hướng chú trọng “chuyên nghiệp hóa”, ưu tiên yếu tố tinh nhuệ chiến đấu hơn yếu tố kinh tế đã thắng thế trong quân đội Trung Quốc.
Các hoạt động kinh doanh của quân đội Trung Quốc (TQ) xuất phát từ truyền thống quan hệ quân sự-dân sự có gốc rễ trong lịch sử gắn chặt với yếu tố tự cấp tự túc.
Vì sao quân đội Trung Quốc kinh doanh?
Triết lý căn bản của việc cho phép quân đội TQ tham gia vào các hoạt động kinh doanh bao gồm hai quan điểm chính. Thứ nhất là quan điểm quân đội cần phải có khả năng tự tạo ra nguồn lực cho riêng mình trong bối cảnh nhà nước không đủ hoặc chưa đủ khả năng để cung cấp cho quân đội một nguồn tài chính dồi dào. Đây là đặc trưng mang tính lịch sử và là yếu tố nền tảng chính thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động kinh doanh của quân đội TQ cho tới trước khi ông Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền.
Quan điểm thứ hai là luận điểm của ông Đặng Tiểu Bình khi cho rằng việc quân đội TQ tham gia kinh doanh sẽ giúp thúc đẩy mục tiêu chiến lược “bốn hiện đại hóa”, thúc đẩy cải cách và mở cửa nền kinh tế. Luận điểm này được đưa ra khi TQ lúc bấy giờ phải cắt giảm thêm chi tiêu quốc phòng để dồn nguồn lực cho các cải cách khác. Thêm vào đó, quân đội đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và cả nguồn lực riêng của mình trong quản lý và vận hành doanh nghiệp nên được phép hưởng chung làn gió cải cách.
Hệ lụy của quá trình thương mại hóa quân đội trở nên ngày càng lớn khiến Chủ tịch TQ Giang Trạch Dân dần phải đưa ra những chính sách “phi thương” hóa quân đội. Một trong các hệ quả nhãn tiền là hiện tượng chia bè phái, dẫn tới tham nhũng tràn lan khi các biện pháp quản lý trở nên ngày càng không hiệu quả. Việc quân đội làm kinh tế cũng ảnh hưởng mạnh đến sự tập trung cho huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Ông Tập Cận Bình đặt tham vọng chấm dứt các hoạt động kinh tế của quân đội Trung Quốc. Ảnh: AP
Quân đội TQ sẽ tập trung vào mục tiêu huấn luyện chiến đấu chuyên nghiệp. Ảnh: REUTERS
Giàu ngân sách mới mạnh tay
Nỗ lực của ông Giang Trạch Dân và người kế nhiệm là ông Hồ Cẩm Đào đã tạo tiền đề cho xu hướng hiện đại hóa/chuyên nghiệp hóa trong quân đội TQ giai đoạn sau. Quá trình phi thương hóa các doanh nghiệp quân đội trong hai năm 1998-1999 được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay, tác động lớn kìm hãm các chủ trương “thương mại hóa”.
Hầu hết tài sản và cơ sở kinh doanh của các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của quân đội (viễn thông, hàng không, cơ sở hạ tầng, đất đai có liên quan tới kinh doanh…) dần dần được chuyển giao cho các tổ chức và tập đoàn dân sự nhà nước hay cho chính quyền địa phương. Thậm chí các nhà máy sản xuất và sửa chữa vũ khí đạn dược, quân trang, quân dụng cũng chuyển thành xí nghiệp quốc doanh do dân sự điều hành. Quá trình này hoàn thành năm 2001.
Ông Tập Cận Bình kế thừa lãnh đạo một lực lượng quân đội hiện đại hơn và chuyên nghiệp hơn nhiều so với những người tiền nhiệm với một ngân sách quốc phòng dồi dào. Gia tăng ngân sách quốc phòng đều đặn qua từng năm cũng là một biện pháp thỏa hiệp giữa chính phủ dân sự và phe quân đội. Khái niệm “giấc mơ Trung Hoa” ra đời sau đó có một phần đề cập tới việc xây dựng một lực lượng quân đội “chuyên nghiệp”, khả năng và trình độ bắt kịp với các lực lượng quân đội hùng mạnh khác trên thế giới.
Hầu hết các tướng lĩnh quân đội hiện tại ở TQ là những quân nhân chuyên nghiệp, không có nhiều kinh nghiệm chính trị. Họ ủng hộ hiện đại hóa quân đội. Vai trò của ông Tập Cận Bình cũng đáng lưu ý khi ông được đánh giá là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất TQ kể từ thời ông Đặng Tiểu Bình, trở thành một “lãnh đạo cốt lõi” có đủ khả năng để dẹp bỏ hầu hết chướng ngại cản trở “hiện đại hóa”.
Viễn cảnh “hiện đại hóa”
Nằm trong nỗ lực thúc đẩy hiện đại hóa, Chủ tịch Tập trong tương lai gần sẽ dẹp bỏ hết mọi tàn dư của việc quân đội làm kinh tế để tập trung cho mục tiêu duy nhất là huấn luyện và chiến đấu. Tháng 11-2015, Đảng Cộng sản TQ và quân đội TQ tuyên bố mọi hoạt động kinh tế tạo ra doanh thu còn lại của quân đội sẽ chấm dứt hoàn toàn vào năm 2018.
Các hoạt động này bao gồm khám chữa bệnh tại các bệnh viện quân đội; cho tư nhân thuê lại các nhà kho của quân đội; cho phép các đoàn ca múa nhạc của quân đội tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng có thu phí; thuê ngoài các công ty xây dựng quân đội hay việc cho phép sinh viên ngoài ngành được học tập tại các trường/viện của quân đội. Bước đi này được xem là dấu chấm hết cho xu hướng “thương mại hóa” quân đội vốn đã ăn sâu bám rễ trong cách thức tổ chức quân sự ở TQ từ trước tới nay.
Trong vòng ba năm các đơn vị quân đội và cả các đơn vị công an đang cung cấp những dịch vụ nêu trên không được ký kết thêm hợp đồng mới, cũng như dần dần đáo hạn tất cả hợp đồng đang có bằng cách đàm phán với các đối tác dân sự. Quá trình này đang diễn ra theo đúng như kế hoạch và hầu như không gặp phải bất kỳ cản trở nào. Các quy định về kiểm toán trong quân đội cũng được đổi mới và thắt chặt hơn nhằm loại bỏ tham nhũng.
Dự kiến tới năm 2018, những gì còn lại của “yếu tố kinh tế” của quân đội TQ sẽ bao gồm các hoạt động tăng gia sản xuất tự cấp tự túc của các đơn vị quân đội. Dĩ nhiên các sản phẩm này sẽ không được bán ra thị trường. Ngoài ra, một số dịch vụ được đánh giá là “quan trọng đối với an ninh quốc gia” yêu cầu phải có sự tham gia của quân đội sẽ được điều hành bởi một ban điều hành hỗn hợp dân sự-quân sự và được kiểm soát chặt chẽ bởi các cục có liên quan. Lợi nhuận từ các dịch vụ này nếu có sẽ nộp ngân sách nhà nước.
Mỗi nước có đặc thù riêng
Đặc trưng quân đội làm kinh tế phụ thuộc lớn không chỉ vào đặc trưng chính trị của mỗi quốc gia mà còn vào đặc điểm lịch sử và quá trình phát triển của quốc gia đó.
Tại phương Tây và đặc biệt là tại Mỹ, quân đội tách hoàn toàn khỏi các hoạt động kinh doanh. Mọi hoạt động sản xuất vũ khí và các loại trang thiết bị cần thiết rơi vào tay các tập đoàn tư nhân. Quân đội phương Tây là một bộ phận của chính phủ và nằm dưới quyền điều hành của các quan chức dân sự.
Quân đội ở một số nước đang phát triển và những nước thuộc thế giới thứ ba thường có xu hướng can dự nhiều hơn vào đời sống kinh tế. Một phần lý do là bởi sức mạnh của họ trong cán cân quyền lực quốc gia lớn, có ý nghĩa như một trụ cột chính trị và kinh tế khó có thể thay đổi. Trong nhiều trường hợp, các chính phủ dân sự cần sự ủng hộ của phe quân đội nên “thả lỏng” và cho phép họ lấn sân. Trong một số trường hợp khác, ví dụ như Myanmar, ảnh hưởng về mặt lịch sử của quân đội khiến con đường tách khỏi kinh tế không hề đơn giản. Nhiều nước khác trên thế giới từng cho phép quân đội tham gia kinh tế như Indonesia, Pakistan, Ecuador, Honduras hay Peru.
Tại Indonesia, quân đội tham gia làm kinh doanh từ thập niên 1940, khi nước này còn đấu tranh giành độc lập từ Hà Lan. Mỗi đơn vị trong quân đội Indonesia khi đó phải tự tìm nguồn tài chính cho mình và mọi cách làm đều được chấp nhận. Dưới thời Tổng thống Suharto, các doanh nghiệp này kiếm tiền từ các hoạt động trồng trọt, khai thác gỗ, khách sạn và bất động sản, giúp quân đội độc lập đáng kể so với chính phủ. Ngân sách chính phủ chỉ đáp ứng 30% nhu cầu vào thời điểm năm 2005.
Tại Pakistan, sức mạnh kinh tế của quân đội nước này thể hiện rất rõ. Từ các cửa hàng bánh, ngân hàng, công ty bảo hiểm đến trường đại học, quân đội đều có thể sở hữu. Quân đội Pakistan tham gia kinh tế từ thập niên 1950 và đã gây dựng được một hệ thống khá vững chắc. Nhiều chuyên gia ước tính họ đóng góp khoảng 10% nền kinh tế nước này, tương đương hàng chục tỉ USD với hàng ngàn công ty.
Nguồn PLO: http://plo.vn/ho-so-phong-su/vi-sao-quan-doi-trung-quoc-tu-bo-lam-kinh-te-714577.html