Võ tướng Quan Vũ (160 - 220) là người có công lớn trong việc giúp Lưu Bị thành lập nhà Thục Hán. Ông là anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi. Thêm nữa, trong tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung, Quan Vũ là người đứng đầu trong ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán (4 người còn lại là: Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu).
Quan Vũ được người đời nhớ đến là võ tướng trọng tình, trọng nghĩa, giữ chữ tín, hết mực trung thành với Lưu Bị và nhà Thục Hán. Nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc ca tụng và phong tặng những mỹ từ dành cho Quan Vũ. Trong số này, nhà Minh coi Quan Vũ là vị thần hộ quốc. Tương tự, nhà Thanh phong cho võ tướng này là Trung Nghĩa Thần Võ Linh Hựu Nhân Dũng Uy Hiển Quan Thánh Đại Đế, đồng thời tôn vinh là Võ Thánh, tức là ngang hàng với danh xưng Văn Thánh của Khổng Tử.
Khi tìm hiểu về cuộc đời Quan Vũ, nhiều người đặc biệt chú ý đến chi tiết võ tướng này mặc trang phục, đội mũ đều là màu xanh. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, dưới thời Tam quốc, đội mũ xanh không có ý nghĩa là bị "cắm sừng" như ngày nay. Trong tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa", La Quán Trung mô tả võ tướng Quan Vũ cao 9 thước, râu dài hai thước. Mặt đỏ như táo, môi như thoa son; mắt phượng, lông mày con tằm, tướng mạo uy phong lẫm liệt. Võ tướng này mặc chiến bào màu lục (tức màu xanh).
Từ xa xưa, người Trung Quốc đã không coi trọng màu xanh. Trong Lễ ký - Ngọc Tảo ghi chép, nhân sĩ mặc trang phục, phần trên là màu cao quý chính tông như đỏ, vàng, trắng, đen… phần dưới (bao gồm váy) mới sử dụng màu bình thường như tím, lục…
Đến thời Hán Vũ Đế, Đổng Trọng Thư đề ra “Bãi bỏ bách gia, độc tôn Nho thuật”, chế độ thượng sắc bắt đầu ảnh hưởng mạnh mẽ. Kể từ đó, màu xanh lục ở vị trí càng thấp hơn và chỉ có hạ nhân mới mặc trang phục màu này.
Theo tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa", Quan Vũ là người Giải Lương ở Hà Đông, làm nghề bán táo lang bạt khắp nơi. Từ những chi tiết này cho thấy Quan Vũ có xuất thân thấp kém. Vậy nên, Quan Vũ mặc đồ màu xanh là hợp lý.
Từ Nam Bắc triều đến nhà Tống, màu xanh lục trong quan phục dành cho những người có địa vị rất thấp trong triều. Đến thời nhà Nguyên, “Nguyên điển chương” quy định: “Cha mẹ và người thân của kỹ nữ phải quấn khăn trùm đầu màu xanh lục”. Đến thời nhà Minh, quy định màu sắc trang phục càng khắt khe hơn. Hoàng đế Chu Nguyên Chương quy định người đeo khăn xanh chỉ có thể đi bộ, không được đi xe ngựa.
Trong khi đó, chi tiết Quan Vũ đội mũ xanh được cho là liên quan đến Tể tướng Quản Trọng của nhà Tề. Ông là Tể tướng nổi tiếng lịch sử với nhiều tư tưởng cải cách đất nước và chú trọng lĩnh vực thương nghiệp. Không những vậy, Tể tướng Quản Trọng còn được xem là Tổ sư gia của nghề ca kỹ ở kỹ viện. Nguyên do là bởi ông đã giúp nghề ca kỹ được hoạt động công khai, chịu sự quản lý của triều đình.
Về sau, những bức tượng tạc Tể tướng Quản Trọng được bày trí trong kỹ viện và được xem là ông tổ nghề kỹ viện. Cùng với đó là việc ông đội chiếc mũ xanh để các kỹ nữ nhớ rõ địa vị thấp hèn của bản thân bị xã hội coi thường.
Điều trùng hợp là những bức tượng về Tể tướng Quản Trọng được tạc theo hình dáng cưỡi ngựa, cầm đao và để râu dài. Điều này khiến một số quan khách nhầm lẫn rằng, đó chính là Quan Vũ - người được thờ phụng ở cả trong các kỹ viện. Do vậy, những câu chuyện về Quan Vũ mặc trang phục và đội mũ xanh ra đời từ sự hiểu lầm này.
Mời độc giả xem video: Hà Nội: Hô biến kính áp tròng Trung Quốc thành sản phẩm "Made in Korea". Nguồn: THĐT1.
Tâm Anh (TH)