Vì sao quy định xe ưu tiên chỉ được đi ngược chiều ở làn khẩn cấp trên đường cao tốc?

Theo quy định của luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ 2008), xe ưu tiên không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Nội dung này được nêu tại Điều 22, quy định về quyền ưu tiên của một số loại xe.

Nhưng theo dự thảo luật mới nhất về Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trên cao tốc, xe ưu tiên chỉ được đi ngược chiều ở làn khẩn cấp. Luật này đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến thảo luận trong đợt 1 của kỳ họp thứ 7, sau đó đã được tiếp thu, chỉnh lý để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 34, hôm 11/6 vừa qua.

Xe ưu tiên đi vào tất cả các làn của đường cao tốc cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh minh họa.

Xe ưu tiên đi vào tất cả các làn của đường cao tốc cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh minh họa.

Tại dự thảo luật mới nhất được trình, các quy định về xe ưu tiên được đề cập trong Điều 28 thuộc Chương II. Dự thảo luật nêu rõ, xe ưu tiên được quyền đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: Xe chữa cháy, xe của lực lượng quân sự, công an, kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường, xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu, xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, và cuối cùng là đoàn xe tang.

Xe ưu tiên không bị hạn chế tốc độ; được phép đi không phụ thuộc vào tín hiệu đèn giao thông, đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được.

"Riêng đối với đường cao tốc, chỉ được đi ngược chiều trên làn dừng xe khẩn cấp; phải tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, biển báo hiệu tạm thời", quy định trong dự thảo Luật trật tự, An toàn giao thông đường bộ nêu.

Dự thảo luật cũng quy định khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại để nhường đường, trạm thu phí phải ưu tiên cho xe ưu tiên qua trạm trong mọi tình huống, không được gây cản trở…

Nội dung "xe ưu tiên chỉ được đi ngược chiều ở làn khẩn cấp trên cao tốc" đã làm "nổ" ra nhiều ý kiến trái chiều từ bạn đọc. Nhiều ý kiến hoàn toàn ủng hộ nội dung này vì cho rằng, trên đường cao tốc nếu xe ưu tiên có thể đi ngược chiều ở tất cả các làn sẽ gây nguy hiểm cho chính xe ưu tiên và các phương tiện khác. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, xe ưu tiên thì nên được ưu tiên hoàn toàn, vì nhiều trường hợp khẩn cấp như xe chữa cháy, xe cấp cứu,… chỉ chậm hơn 1 phút cũng có thể làm mất đi cơ hội cứu sống nạn nhân.

Nên sớm có quy định xe ưu tiên chỉ được đi ngược chiều ở làn khẩn cấp trên đường cao tốc

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Nguyễn Xuân Thủy, người đã có gần 40 năm nghiên cứu về lĩnh vực giao thông cho rằng, trước khi đưa ra một nội dung gì để bàn bạc, xin ý kiến thì cơ quan chức năng đã phải nghiên cứu rất kỹ. Có thể Bộ Công An nhận định rằng, việc đi ngược chiều ở tất cả các làn trên đường cao tốc tiềm ẩn nhiều rủi ro, có khả năng gây ra tai nạn, nên nội dung xe ưu tiên chỉ được đi ngược chiều ở làn khẩn cấp trên cao tốc đã được đề xuất.

Hình ảnh va chạm giữa xe khách và xe cứu hỏa đi ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Hình ảnh va chạm giữa xe khách và xe cứu hỏa đi ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, thực tế vào năm 2018 đã xảy ra trường hợp va chạm giữa xe khách và xe cứu hỏa đi ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, khiến nhiều hành khách và 3 chiến sĩ PCCC bị thương phải nhập viện điều trị. Chính vì vậy, việc đề xuất xe ưu tiên chỉ được đi ngược chiều trong làn khẩn cấp cũng để hạn chế tính bất cập, mất an toàn của quy định hiện hành. Đây là việc cần thiết.

"Theo quy định hiện hành, các xe ưu tiên hầu như có thể đi ngược chiều ở mọi tuyến đường. Tuy nhiên dù là trong trường hợp khẩn cấp thì cũng phải đặt sự an toàn, sức khỏe và tính mạng của người dân lên hàng đầu. Ngoài ra, các loại xe dù được ưu tiên nhưng vẫn phải tuân thủ luật an toàn giao thông, xe ưu tiên vẫn phải quan sát, giảm tốc độ,… chứ không phải cứ bật đèn và còi cảnh báo rồi phóng nhanh, cho rằng các phương tiện khác phải tránh mình", TS. Nguyễn Xuân Thủy nói.

Chuyên gia nghiên cứu về giao thông cũng nhận định, trên đường cao tốc hầu hết ô tô đều di chuyển với tốc độ cao, nếu bất ngờ gặp một phương tiện đi ngược chiều sẽ khó có thể xử lý tình huống. Chính vì vậy, việc xảy ra tai nạn giao thông khi có phương tiện phóng nhanh ngược chiều trên đường cao tốc là rất dễ xảy ra. Nên sớm có quy định về việc xe ưu tiên chỉ được đi ngược chiều ở làn khẩn cấp trên đường cao tốc.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-quy-dinh-xe-uu-tien-chi-duoc-di-nguoc-chieu-o-lan-khan-cap-tren-duong-cao-toc-16924061710471061.htm