Vì sao quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ không đem lại hiệu quả?
Giá dầu giảm nhẹ vào thứ Hai (4/12), tuyên bố cắt giảm tự nguyện sản lượng của một số thành viên trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) hôm thứ Năm (30/11) vẫn chưa đủ sức thuyết phục thị trường.
Vào khoảng 12 giờ GMT, giá dầu Brent từ Biển Bắc giao tháng 2 giảm 0,44%, xuống còn 78,43 USD/thùng.
Trong khi giá dầu West Texas Middle (WTI) giao tháng 1 giảm 0,45%, xuống còn 73,74 USD/thùng.
Các nhà phân tích lưu ý rằng giá dầu thô sẽ tiếp tục giảm theo đà từ tuần trước, "thông báo cắt giảm của OPEC+ hôm thứ Năm chưa gây được ấn tượng" với thị trường, các nhà phân tích của DNB lưu ý.
Ả Rập Xê-út đã tuyên bố sẽ gia hạn biện pháp cắt giảm 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối quý I/2024. Nga cũng đang gia hạn cắt giảm sản lượng dầu xuất khẩu ra thị trường thêm 3 tháng, giảm sâu xuống còn 200.000 thùng.
Các quốc gia thành viên khác trong liên minh như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Iraq, Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman cũng sẽ thực hiện mức cắt giảm nhỏ hơn, tổng cộng gần 700.000 thùng/ngày.
Nếu không tính các gia hạn cắt giảm tự nguyện bổ sung của Nga và Ả Rập Xê-út như dự đoán của thị trường, thì chỉ có 900.000 thùng/ngày sẽ được xuất khẩu cho đến tháng 3/2024.
Theo nhà phân tích Craig Erlam tại Oanda, quyết định cắt giảm này "không thuyết phục" thị trường.
Ông nói thêm rằng: "Mặc dù các thị trường dường như đang mong đợi kinh tế suy thoái rõ hơn vào năm tới, nhưng thông báo về việc cắt giảm tự nguyện bổ sung của một số thành viên không đi đủ xa".
Hai tiêu chuẩn dầu thô toàn cầu đã mất 5% kể từ cuộc họp của nhóm các nước xuất khẩu dầu vào thứ Năm tuần trước.
Bên cạnh đó, "sản lượng dầu và các kho dầu của Mỹ vẫn tiếp tục tăng", các nhà phân tích DNB cho biết, đây là những yếu tố khiến giá dầu suy giảm.