Vì sao rác thải đang tồn đọng?
Theo phản ánh của bạn đọc, tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM, rác thải đang tồn đọng ở khắp nơi.
Thực trạng này đã ít nhiều khiến môi trường ô nhiễm, ruồi, muỗi... phát sinh. Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, nguyên nhân chính là do chi phí thu gom rác tại nguồn và đơn vị vận chuyển rác chưa phù hợp.
Rác “hoang” khắp nẻo
Hiện nay, người đi đường không khó nhận ra rất nhiều đống rác “hoang” do người dân thiếu ý thức lén lút quăng, ném bừa bãi. Từ lề đường cho đến bờ kênh xuất hiện rác thải đủ loại. Từ bàn, ghế, tủ, kệ đến nệm giường, hộp xốp, vỏ chai, thùng giấy… Ngày hôm trước, rác thải là nhúm nhỏ thì vài ngày sau là một đống to vật vã. Trời mưa thì ẩm ướt, trời nắng thì bốc mùi khó tả. Nhân viên vệ sinh với chiếc xe đẩy nhỏ không thể kham nổi những loại rác như vậy.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân, chủ một doanh nghiệp thu gom rác thải tại nguồn ở thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh, TPHCM), cho biết: “Dọc tuyến QL1A có rất nhiều bãi rác hoang. Cứ dăm bữa, nữa tháng, UBND thị trấn Tân Túc đề nghị chúng tôi dọn dẹp các bãi rác đó”.
Ngoại thành là vậy, khu vực nội thành cũng không khả quan hơn. Dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng - một đại lộ mới được đầu tư xây dựng khang trang, rộng, đẹp - cũng xuất hiện rất nhiều bãi rác vô chủ. Đó là các khu đất trống, khoảng trống dưới chân vượt cầu bộ hành. Trước Tết Nguyên đán, chính quyền thành phố đã tổ chức thu gom các bãi rác này để giữ mỹ quan thành phố. Thời gian gần đây, rác đã tràn ngập khu dân cư. Việc thu gom rác thải sinh hoạt của các hộ dân không còn duy trì mỗi ngày mà thay vào đó là tùy khu vực.
Theo ghi nhận, ở quận Bình Thạnh, 2 ngày các đơn vị thu gom mới lấy rác một lần. Các quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh… còn ô nhiễm hơn khi 3-4 ngày mới được thu gom rác.
Tồn đọng do phí?
Báo SGGP đã nhận được đơn cầu cứu của các doanh nghiệp thu gom rác tại nguồn ở huyện Bình Chánh, TPHCM. Qua xác minh, các doanh nghiệp này đang gồng gánh lượng rác rất nhiều, nhưng chi phí sụt giảm nghiêm trọng.
Bà Lư Ánh Loan, lãnh đạo Công ty TNHH Xử lý rác môi trường Thái Bình, cho biết: “Mang tiếng là giám đốc, nhưng thực sự chúng tôi là những người thu gom rác tại nguồn. Chúng tôi phải thành lập doanh nghiệp để có pháp nhân theo yêu cầu. Thậm chí có văn bản, anh em chúng tôi còn đóng dấu ngược. Trước năm 2018, rác dân lập do UBND xã quản lý. Anh em chỉ việc đi đến tận nhà người dân thu gom rác rồi nhận tiền hàng tháng. Mọi việc từ hồ sơ, sổ sách, giấy tờ, phiếu thu… chính quyền địa phương hỗ trợ. Sau 2018, chúng tôi phải thành lập doanh nghiệp. Chính quyền địa phương vẫn quản lý như xưa, nhưng hồ sơ, thuế, kế toán… thì doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí thực hiện. Đó là chưa kể phải xuất hóa đơn cho các công ty, doanh nghiệp, trường học. Kể từ tháng 5-2022, chúng tôi phải thu hộ phí vận chuyển cơ giới. Điều bất cập là phí vận chuyển cơ giới mỗi năm mỗi tăng, nhưng phí thu gom vẫn vậy. Cụ thể như năm 2022, chúng tôi phải thu 51.000 đồng/hộ/tháng; trong đó phí thu gom là 40.000 đồng. Năm 2023, chi phí là 56.000 đồng và phí thu gom vẫn vậy. Thực tế, trước đó chúng tôi đã thu mỗi hộ 50.000 đồng, coi như lỗ 1.000 đồng, nhưng vẫn cắn răng hoạt động để duy trì công việc cho anh em”. Địa bàn rộng lớn chưa phải là cùng cực. Qua phản ánh, nhiều hộ dân không đóng tiền rác mà “lén” mang rác sang nhà khác hoặc vứt bừa bãi ở các miệng cống trên nhiều tuyến đường.
Tháng 8-2022, UBND huyện Bình Chánh đã phát hành Đề án “Nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Bình Chánh giai đoạn 2022-2025”. Trong đó, quy định Công ty TNHH Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh xây dựng đề án thành lập đội thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tổ chức quản lý lực lượng thu gom trên địa bàn. Đề án thí điểm tại thị trấn Tân Túc và xã Bình Chánh.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân cho biết: “Trạm trung chuyển cách đây khoảng 10km. Rác từ nhà dân về đến trạm trung chuyển phải qua 2 lần bốc dỡ. Trước nay, chi phí vận chuyển nộp về xã, chúng tôi đã gồng gánh chi phí để hoạt động rồi. Bây giờ ký hợp đồng với Công ty Dịch vụ công ích nữa thì thu nhập sẽ giảm rất nhiều. Cụ thể, toàn bộ tiền thu được sẽ nộp về công ty, cả tuần sau mới nhận được chi phí thu gom rác của mình. Đã vậy còn bị trừ 3% chi phí quản lý. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp thu gom rác dân lập đã không ký hợp đồng và do không đủ chi phí thu gom nên chúng tôi buộc phải 2-3 ngày mới lấy rác”.
Giữa tháng 12-2022, Công ty Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh ra Thông báo 1084/DVCI về việc ngưng tiếp nhận rác của các đơn vị thu gom rác trên địa bàn thị trấn Tân Túc và xã Bình Chánh chưa thực hiện ký kết hợp đồng đăng ký cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển với công ty. Nếu thực hiện đúng thông báo này, rác sẽ ùn ứ tại trạm trung chuyển. Do là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão, việc này chưa được thực hiện. Thực trạng rác ùn ứ không chỉ diễn ra tại huyện Bình Chánh mà còn tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Đề án thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt là không sai. Bởi lẽ, đề án sẽ nâng cao hơn nữa việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn cũng như tăng cường thiết bị, phương tiện thu gom rác dân lập hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường, không để cảnh nhếch nhác như hiện nay. Thiết nghĩ, việc thu gom rác dân lập trước nay hoạt động bình thường thì các quận, huyện cần xem xét thực tế và có lộ trình để thực hiện đề án. Đừng vì một lợi ích nào đó mà thực hiện quá cứng nhắc, ảnh hưởng đến thu nhập của người trực tiếp thu gom rác dân lập, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của người dân thành phố.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vi-sao-rac-thai-dang-ton-dong-post678090.html