Vì sao Singapore giảm công bố ca mắc mới mỗi ngày?
Trao đổi với Zing, chuyên gia từ NUS nhận định việc Singapore giảm đưa tin trên truyền thông là bước đi mới trong tiến trình đảo quốc sư tử coi Covid-19 là căn bệnh đặc hiệu.
Từ ngày 7/12, Bộ Y tế Singapore ngưng phát thông tin về số liệu thống kê ca mắc Covid-19 hàng ngày, "do làn sóng lây nhiễm biến chủng Delta đang có xu hướng hạ nhiệt". Tuy nhiên, người dân vẫn có thể truy cập thông tin trên trang web của bộ.
Các thông tin tiếp tục được cập nhật bao gồm tình hình dịch Covid-19 tại địa phương, năng lực tiếp nhận của bệnh viện, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, tiến độ tiêm chủng và số ca nhiễm. Ngoài ra, Bộ Y tế Singapore nhấn mạnh họ sẽ tiếp tục cập nhật cho công chúng về những diễn biến dịch bệnh quan trọng, bao gồm thông tin về biến chủng Omicron, thông qua phương tiện truyền thông.
Trao đổi với Zing, phó giáo sư David Allen - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - cho biết ông đồng tình với bước đi mới của Bộ Y tế.
“Cập nhật thông tin hàng ngày khiến nhiều người không biết rằng trên thực tế, phần lớn số ca mắc không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ”, ông chia sẻ.
Nhìn vào số ca mắc cao hàng ngày có thể làm người dân trở nên lo lắng, khiến việc cập nhật số ca nhiễm hàng ngày thành “nguồn gốc gây ra căng thẳng trong xã hội”, theo ông Allen.
Bước tiến đến trạng thái bình thường mới
Theo ông Allen, các bản cập nhật về tình hình dịch bệnh hàng ngày từng rất hữu ích trong việc thúc đẩy người dân tiêm chủng, cũng như tuân thủ những biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
“Giờ đây, những thông điệp này vẫn có thể được phát đi mà không cần số ca nhiễm hàng ngày”, vị chuyên gia cho biết.
“Đó là một bước tiến trong quá trình đưa cuộc sống trở lại bình thường”, ông Allen nhận định về giai đoạn mới của Singapore.
Tại Singapore, Covid-19 sẽ được coi là bệnh đặc hiệu. "Các ca nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ ở đa số những người đã tiêm chủng hoặc tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Đây cũng là cách tiếp cận được áp dụng với các bệnh về đường hô hấp khác", vị phó giáo sư nói với Zing.
Nhiều chuyên gia khác cũng đồng tình với động thái trên. Họ cho rằng những thông tin được cập nhật hàng ngày không có nhiều ý nghĩa trong giai đoạn Singapore đang chuyển sang coi Covid-19 là bệnh đặc hiệu.
Giáo sư Teo Yik Ying, hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock thuộc NUS, cho biết số ca nhiễm trong cộng đồng dao động "tùy thuộc vào việc người dân có cảm thấy muốn tìm kiếm sự chăm sóc y tế hay không".
"Bằng cách ngừng việc thông báo hàng ngày về Covid-19, Bộ Y tế rõ ràng phát đi tín hiệu rằng Singapore đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo, từ phản ứng với đại dịch sang phản ứng với bệnh đặc hiệu”, ông Teo cho biết, theo Straits Times.
Đồng quan điểm, phó giáo sư Alex Cook, chuyên gia từ NUS, cho biết bản cập nhật hàng tuần “sẽ mang đến cái nhìn tốt và toàn diện hơn về tình hình dịch bệnh” ở Singapore.
Ngoài ra, phó giáo sư Hsu Li Yang, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock thuộc NUS, còn nhận định ngay cả báo cáo tháng cũng không cần thiết, trừ một số thay đổi lớn như sự xuất hiện của biến chủng Omicron.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng việc cập nhật thông tin hàng ngày về Covid-19 vẫn là điều cần thiết. Mặc dù đang trong bước chuyển của quá trình coi Covid-19 là bệnh đặc hiệu, Singapore vẫn còn chặng đường dài để quay lại cuộc sống bình thường.
“Vẫn còn nhiều người già chưa được tiêm chủng ở Singapore. Chúng ta cần liên tục phát đi thông điệp về tầm quan trọng của việc tiêm chủng với nhóm đối tượng này, những người chủ yếu dựa vào báo chí để cập nhật tin tức”, theo Straits Times.
Nếu không có các số liệu về các ca nhiễm và số ca tử vong hàng ngày, nhóm đối tượng này có thể coi đại dịch Covid-19 đã kết thúc.
Một bước đi nhiều quốc gia có thể tham khảo
Ông Allen cho biết hầu hết dữ liệu về bệnh truyền nhiễm được đối chiếu và công bố theo tháng, quý và năm.
Chuyên gia tại NUS tin rằng truyền thông chỉ nên đưa tin thường xuyên hơn về Covid-19 nếu như có sự thay đổi về mặt dịch tễ học của virus, ví dụ như nguy cơ lây lan, độc lực hoặc khả năng trốn tránh hệ thống miễn dịch của người đã tiêm chủng đầy đủ hoặc từng nhiễm SARS-CoV-2.
Hiện vẫn còn nhiều nơi ở châu Á cập nhật thông tin hàng ngày về Covid-19 trên truyền thông như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Ấn Độ,...
Ở Malaysia, Bộ Y tế ra thông cáo báo chí hàng ngày về số ca mắc trong 24 giờ, số ca tử vong, số người nhập viện, số lượng chùm ca bệnh và năng lực của bệnh viện.
Trong khi đó, ngoài các chỉ số trên, Thái Lan còn cập nhật tiến trình tiêm chủng và tổ chức các cuộc họp báo về tình hình Covid-19 hàng tuần.
Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ phát thông cáo báo chí dành riêng cho Covid-19 hàng ngày, bao gồm số ca đang điều trị, tiến trình tiêm chủng, số người mắc mới và tổng số xét nghiệm.
Động thái này của Singapore có thể được coi là bước đi mới để nhiều nước khác tham khảo trong quá trình dần sống chung với Covid-19.
Phó giáo sư Allen gợi ý để theo bước Singapore, các quốc gia nên tự đánh giá chương trình tiêm chủng, nỗ lực giáo dục cộng đồng về dịch bệnh và nhu cầu kinh tế xã hội để xác định cách tiếp cận tốt nhất cho họ.
“Họ (các nước) nên quan sát những gì những quốc gia khác làm để đưa ra quyết định cuối cùng”, ông nhận định. “Tuy nhiên, điều cần tránh là chỉ làm theo mà không phân tích bối cảnh phù hợp và hoàn cảnh của chính quốc gia mình”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-singapore-giam-cong-bo-ca-mac-moi-moi-ngay-post1282591.html