Vì sao sinh viên Trung Quốc ăn trưa ngoài công trường?
Cơm hộp là món ăn phổ biến tại Trung Quốc, đặc biệt là đối với dân văn phòng, công nhân, do sự tiện lợi và chi phí phải chăng.
Ngày 20/3, trên mạng xã hội Trung Quốc chia sẻ một video ghi lại cảnh hàng chục sinh viên đại học xếp hàng cùng công nhân để mua cơm hộp tại một công trường xây dựng ở thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên.
Đoạn video đã dấy lên tranh cãi về chất lượng của bữa ăn trong căn-tin các trường đại học ở nước này.
Cơm hộp là món ăn phổ biến tại Trung Quốc, đặc biệt là đối với dân văn phòng, công nhân, do sự tiện lợi và chi phí phải chăng. Đơn cử, tại công trường nơi sinh viên mua thức ăn, cơm hộp có giá 13 nhân dân tệ (khoảng 47.000 đồng), mức giá tương đối phù hợp với điều kiện sống của sinh viên Trung Quốc.
“Tôi phát chán thức ăn do nhà trường cung cấp. Mặc dù nhà ăn của chúng tôi được nhiều người bình chọn là căn-tin tốt nhất trong số các trường đại học khu vực phía đông nhưng tôi cũng không thể chịu được lâu hơn nữa”, chị Hu Zuer bày tỏ.
Việc video lan truyền trên mạng xã hội đã dẫn đến hai làn sóng dư luận. Nhiều người cho rằng hình ảnh sinh viên phải mua cơm hộp ở công trường thay vì trong căn-tin nhà trường cho thấy chất lượng của cơm căn-tin đáng báo động. Trên thực tế, trong những năm qua, vấn đề chất lượng thức ăn trong căn-tin các trường đại học đã nhiều lần bị phản ánh.
Đơn cử, trước đây tỉnh Tứ Xuyên đã phải ra thông báo cấm sử dụng các loại thực phẩm “có nguy cơ cao” như đồ ăn nguội, đồ ăn đóng hộp... vì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Chính quyền địa phương cũng nhiều lần kêu gọi các cơ quan chức năng điều tra vấn đề căn-tin trường học sau những khiếu nại về bữa ăn không đạt chuẩn.
Trước đó, năm 2022, sinh viên tại một trường đại học ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc đăng ảnh phản ánh thức ăn trong căn-tin chứa gián và tàn thuốc lá. Điều này đã dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm trong khuôn viên trường đại học Trung Quốc.
Hu Zuer, sinh viên 20 tuổi tại một trường đại học ở Tứ Xuyên, phản ánh cô cảm thấy mệt mỏi với đồ ăn ở căn-tin, đặc biệt sau đợt giãn cách xã hội vào năm 2022 khiến các lựa chọn đồ ăn bị hạn chế. Nhiều bạn bè của cô cũng phàn nàn bữa ăn trong thời gian dịch không đạt tiêu chuẩn.
Tương tự Hu Zuer, nhiều sinh viên không cảm thấy yên tâm với chất lượng đồ ăn trong trường học. Hồi tháng 6/2022, sinh viên Đại học Khoa học và Công nghệ phía Nam Trung Quốc đã tiến hành một cuộc khảo sát về vấn đề tại căn-tin trường. Kết quả cho thấy hơn 60% trong số 1.604 sinh viên và cán bộ giảng viên không hài lòng với chất lượng đồ ăn trong căn-tin.
Bên cạnh những ý kiến trái chiều, nhiều người lên tiếng ủng hộ căn-tin trường học tại Trung Quốc gần đây đã có nhiều cải thiện và tăng cường lắng nghe góp ý của sinh viên, giảng viên.
Về phía chính quyền thành phố Nghi Tân, đại diện cơ quan cho biết đã ghi nhận video lan truyền và bắt đầu tiến hành kiểm tra chất lượng thực phẩm trong các trường đại học trên địa bàn thành phố.
“Sinh viên ra ngoài ăn không có nghĩa là căn-tin trường học có vấn đề. Nhiều em lựa chọn ăn ở công trường vì cơm hộp ở đây có giá thành rẻ hơn”, đại diện chính quyền thành phố thông tin.
Theo Sixth Tone