Vì sao số ca ghép phổi ở nước ta còn hiếm?

Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, đến nay, chúng ta đã ghép tạng được gần 8.000 trường hợp, trong đó có 11 ca ghép phổi và chỉ có 2 ca thành công.

 Sau ghép phổi, bệnh nhân được đưa vào phòng vô trùng riêng biệt với một quy trình chăm sóc tỉ mỉ

Sau ghép phổi, bệnh nhân được đưa vào phòng vô trùng riêng biệt với một quy trình chăm sóc tỉ mỉ

Phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe

Câu chuyện về hơn 100 y, bác sĩ tham gia ca ghép phổi đêm 30 Tết vừa qua để cứu sống nữ bệnh nhân 21 tuổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội) được xem là kì tích. Bởi đó là ca ghép phổi thứ 11 và là ca ghép phổi thành công thứ 2 trong vòng 30 năm qua, kể từ khi ngành ghép tạng được đưa vào hoạt động và phát triển ở Việt Nam.

Có nhiều lý do khiến số ca ghép phổi thành công tại nước ta còn ít, trong khi số bệnh nhân bị bệnh phổi rất đông. Theo TS. bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép phổi (Bệnh viện Phổi Trung ương), ghép phổi được đánh giá là một trong những phẫu thuật ghép tạng khó.

"Khó do tạng phổi rất hiếm và không có phổi để ghép. Trong tổng số 10 người hiến tạng thì có thể cả 10 người hiến được thận nhưng chỉ có 2 người có thể cho được phổi. Tức là chỉ có 20% người hiến tạng có thể cho được phổi. Vì phổi là tạng buộc phải tiếp xúc với môi trường bên ngoài thông qua hô hấp. Khi bệnh nhân thở máy, thường bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, viêm phổi và lá phổi ấy sẽ không thể ghép được nữa", bác sĩ Ngọc nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia y tế, thông thường, một ca ghép phổi diễn ra trong khoảng 10-12 tiếng. Khi ca mổ càng dài thì nguy cơ xảy ra biến chứng sẽ càng lớn. Không chỉ vậy, các tạng khác như tim, thận, gan khi được ghép xong không phải tiếp xúc với môi trường bên ngoài, do vậy ít có nguy cơ bị nhiễm trùng sau ghép. Còn phổi thì ngược lại, nguy cơ nhiễm trùng là rất lớn.

"Phổi mới sẽ tiếp xúc với khí bên ngoài và có tác dụng thanh thải, lọc tất cả những bụi mà cơ thể hít vào, sau đó đào thải ra ngoài, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Để tránh thải ghép, bệnh nhân ghép tạng nào cũng phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều rất cao. Khi bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều cực kỳ cao, bệnh nhân cũng rơi vào trạng thái dễ bị nhiễm trùng", bác sĩ Ngọc cho biết thêm.

Ngoài ra, việc chăm sóc sau ghép phổi cũng có nhiều yêu cầu khắt khe hơn các tạng khác. Tại hội thảo khoa học "Ghép phổi từ người cho chết não - thực trạng và giải pháp" tổ chức tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) mới đây, PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, một trong các chuyên gia hàng đầu về ghép tạng của Việt Nam, thông tin:

Các bác sĩ Bệnh viện Phổi trung ương tiến hành phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân

Các bác sĩ Bệnh viện Phổi trung ương tiến hành phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân

"Ca ghép phổi đầu tiên không có nhiều khó khăn về kỹ thuật nhưng khâu hồi sức và chăm sóc sau ghép thì cực kỳ khó khăn. Kíp chăm sóc sau ghép và kíp mổ phải phối hợp 24/24h và chăm sóc trong 8-9 tháng, bệnh nhân mới ra viện. Dù tiên lượng không cao lắm nhưng sau khi chăm sóc, điều trị và theo dõi thường xuyên, bệnh nhân này đã tiến triển rất tốt".

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, những khó khăn khi ấy đến bây giờ vẫn nguyên vẹn ở Việt Nam, bởi điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ, đặc biệt là cơ sở vật chất cho bệnh nhân nằm sau khi ghép cũng như điều kiện môi trường.

Cũng tại hội thảo này, PGS.TS. Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia, phân tích thêm, nguyên nhân khiến việc ghép tụy và phổi ít như vậy vì chi phí cao. Đây là gánh nặng không chỉ với gia đình người bệnh mà còn là "bài toán" khó đối với bệnh viện thực hiện ghép phổi.

Hơn nữa, phổi là tạng cần lấy từ người hiến chết, không như thận - có thể ghép từ người hiến sống. Việt Nam từng có ca ghép phổi từ người hiến sống nhưng là 2 người hiến sống (mỗi người hiến 1 phần phổi) mới đủ để ghép cho một người bệnh.

Người sống hiến phổi rất phức tạp và nguy hiểm. Trên thế giới rất ít khi lấy phổi từ người hiến sống để ghép, chủ yếu lấy từ người chết não/chết tim để ghép. Trong khi tỉ lệ hiến từ nguồn này ở Việt Nam rất thấp, nên nguồn hiến phổi cũng ít theo.

Để giảm gánh nặng chi phí cho ca ghép phổi

Theo PGS.TS. Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia, đơn vị đã tổ chức nhiều hội thảo, đề xuất với Bộ Y tế tính đúng, tính đủ chi phí một ca ghép tạng để bảo hiểm y tế chi trả, góp phần thay đổi tỉ lệ ghép. Tuy nhiên, điều này chưa được quan tâm đúng mực

Nhiều chuyên gia cho rằng, để đẩy mạnh ghép phổi cần sửa Luật hiến mô tạng 2006, cần có cơ chế đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị… liên quan đến ghép phổi. Đặc biệt là cần kết hợp giữa các bệnh viện, các trung tâm có chuyên môn cao để hỗ trợ lẫn nhau cả về kỹ thuật ghép và chăm sóc sau ghép.

Bên cạnh đó, cần tăng cường trong vấn đề truyền thông nhằm gỡ bỏ rào cản, định kiến trong hiến tạng, nhằm tăng nguồn tạng hiến từ người cho chết não.

Trong danh sách người chờ ghép tạng của Trung tâm điều phối tạng Quốc gia có ít người chờ ghép phổi. Có người trong danh sách chờ nhưng không chờ được đã qua đời, khi thì có phổi nhưng không có người nhận.

TS.BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, chi phí cho 1 ca ghép phổi hiện nay bảo hiểm y tế chỉ chi trả phần rất nhỏ: "Ở Mỹ, họ có một quỹ cho bệnh nhân nghèo. Ví dụ, họ tính ca này 3 năm nữa mới ghép phổi, bác sĩ sẽ nói với người làm công tác xã hội và người phụ trách tài chính của bệnh viện, trong thời gian đó sẽ vận động, hỗ trợ bệnh nhân mua gói bảo hiểm nào để có thể chi trả cho chi phí ghép tạng".

Cùng quan điểm, PGS.TS. Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, cho rằng, để ghép tạng được thực hiện thường xuyên thì nhà nước và nhân dân cũng như ngành y tế cần sự phối hợp nhịp nhàng.

"Trước, trong ghép tạng rất vất vả, đã phải đầu tư một nguồn lực lớn rồi, trong đó có cả những chính sách chi trả tài chính miễn phí, bảo hiểm y tế. Sau ghép tạng lại càng vất vả hơn, phải chăm sóc về chống thải ghép, yếu tố về miễn dịch, chăm sóc về dinh dưỡng, phục hồi, phục hồi chức năng, theo dõi người bệnh thậm chí là khi về đến cộng đồng rồi vẫn phải tái khám.

Khi nào họ phục hồi sức lao động và hòa nhập với cộng đồng thì lúc bấy giờ, ca ghép tạng mới được cho là thành công", PGS.TS. Vũ Xuân Phú phân tích.

Anh Đào

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vi-sao-so-ca-ghep-phoi-o-nuoc-ta-con-hiem-2024082717043286.htm