Vì sao số trẻ mắc bệnh đường hô hấp tăng 'chóng mặt'?
Theo các chuyên gia, với tình hình thời tiết biến động, bệnh hô hấp ở trẻ có thể kéo dài đến Tết.
Ngoài ra, năm nay mùa mưa kéo dài cũng là nguyên nhân khiến số ca bệnh hô hấp tăng, kéo dài.
Khoảng 7 - 8% trẻ phải nhập viện
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), BS CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết khoa Hô hấp đang điều trị cho 160 bệnh nhi. Ngoài ra, còn có gần 150 bệnh nhi khác đang điều trị tại các khoa Nội tổng hợp, Ngoại, Tiêu hóa, Tim mạch do khoa Hô hấp thiếu giường.
Chỉ riêng tháng 10, bệnh viện tiếp nhận khám ngoại trú gần 5.000 trẻ mắc các bệnh hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen suyễn, hen phế quản, nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Trong đó, khoảng 7 - 8% trẻ phải nhập viện. Một số bệnh nhân diễn tiến nặng, phải thở CPAP (thở oxy dòng cao), thở máy, thậm chí can thiệp ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể).
“Trẻ mắc bệnh hô hấp năm nay tăng gấp rưỡi năm ngoái. Với tình hình thời tiết biến động này, bệnh có thể kéo dài đến Tết”, bác sĩ Tiến dự đoán. Chuyên gia này đồng thời cho rằng, năm nay mùa mưa kéo dài cũng là nguyên nhân khiến số ca bệnh hô hấp tăng, kéo dài.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), ba tuần nay, mỗi ngày, Khoa Hô hấp 1 tiếp nhận khoảng 40 bệnh nhi, tăng 40% so với trước. Thời gian qua, TPHCM và các tỉnh phía Nam ghi nhận số trẻ mắc bệnh hô hấp tăng hơn so với năm trước.
Trước tình hình bệnh hô hấp tăng ở trẻ, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn TP và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP triển khai công tác phòng chống dịch với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa nhi thuộc các tỉnh khu vực phía Nam.
Về tác nhân gây bệnh, hiện nay, TPHCM chưa ghi nhận tác nhân nào nổi trội bất thường. Đa số các bệnh vẫn do virus cúm mùa, virus Adeno, RSV và một số vi khuẩn thông thường khác.
Trước đó, theo báo cáo của 3 bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, 10 tháng qua, các nơi này tiếp nhận tổng cộng hơn 238.000 lượt khám bệnh về hô hấp. Trong 9 tháng đầu năm, trung bình có 18.000 - 23.000 ca khám bệnh mỗi tháng. Tuy nhiên, trong tháng 10, số lượt khám bệnh hô hấp tăng lên hơn 35.000 ca.
Về tình hình nhập viện, nếu trong 9 tháng đầu năm, cao điểm nhất là 4.000 - 4.600 ca/tháng thì đến tháng 10 tăng hơn 5.800 ca. Số bệnh nhân hô hấp tử vong trong tháng 10 là 36 ca, cao nhất so với 9 tháng trước.
Số liệu báo cáo của các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn thành phố cho thấy, số trường hợp điều trị ngoại trú, nội trú và tử vong của nhóm bệnh này trong 10 tháng đầu năm nay có tăng nhẹ so với các năm 2021, 2022 (những năm bùng phát của dịch Covid-19). Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với các năm trước dịch Covid-19 (giai đoạn từ năm 2015 - 2020).
Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người dân tăng cường công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi,… Đây vẫn là giải pháp hữu hiệu giúp hạn chế lây lan mầm bệnh trong cộng đồng.
Nhóm có nguy cơ hệ hô hấp bị tấn công
BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, sự thay đổi nhiệt độ từ nóng sang lạnh đột ngột, độ ẩm trong không khí tăng cao hơn mức bình thường, ánh sáng Mặt trời ít là điều kiện lý tưởng cho nấm mốc, vi khuẩn, virus, vi sinh vật có cơ hội sinh sôi, phát triển nhanh chóng.
Trong khi đó, hệ hô hấp là cơ quan đầu tiên trực tiếp chịu những tác động này. Những người có sức để kháng kém cơ thể không kịp thích nghi với sự thay đổi đột ngột của thời tiết như trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền mạn tính, phụ nữ mang thai rất dễ bị mầm bệnh tấn công và gây bệnh.
Để chủ động phòng ngừa hiệu quả các bệnh lý nói chung và bệnh về đường hô hấp nói riêng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần chú trọng bảo vệ sức khỏe bằng cách đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng, ăn đủ bữa. Mỗi bữa cần đủ số lượng và chất lượng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Tăng cường các loại rau xanh, trái cây tươi hay bổ sung gia vị như hành, tỏi, gừng, quế… trong món ăn. Những thực phẩm này không chỉ giúp giữ ấm cơ thể rất tốt, mà còn có công dụng giải cảm, ấm bụng, kích thích hệ tiêu hóa hiệu quả.
Đối với người lớn, người già, cần mặc đủ ấm lúc thức cũng như lúc ngủ, nên mặc quần áo ấm, giữ ấm phần đầu, cổ, bàn chân, tránh thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột từ trong nhà ra ngoài lạnh, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Đối với trẻ em, bố mẹ cần lưu ý không để con mặc quần áo ấm quá nhiều vào buổi tối. Bởi, khi ngủ quá nóng, trẻ đổ mồ hôi sẽ khiến nguy cơ viêm phổi tăng cao do mồ hôi thấm ngược vào cơ thể. Bên cạnh đó, nhiệt độ trong phòng cũng cần được điều chỉnh vừa phải, luôn kiểm tra thường xuyên tránh để trẻ bị đổ mồ hôi nhiều, ướt áo.
Ngoài các lưu ý bảo vệ sức khỏe vào mùa lạnh trên, BS.CKI Bạch Thị Chính cũng nhấn mạnh các nhóm có sức đề kháng kém như trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền mạn tính, phụ nữ có thai,.. nên được tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc-xin để phòng ngừa bệnh về đường hô hấp.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) khuyến cáo, người dân tuân thủ 7 nguyên tắc để phòng bệnh đường hô hấp. Trong đó, cần giữ khoảng cách an toàn với những người bị cảm lạnh, cúm hoặc ho. Rửa tay bằng xà phòng đúng cách để loại bỏ vi khuẩn và virus trên da.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ em rửa tay theo các bước đúng cách để phòng bệnh. Khi một thành viên trong gia đình bị bệnh về đường hô hấp, hãy thường xuyên lau chùi nhà cửa, nhà bếp và phòng tắm bằng chất khử trùng.
Uống đủ nước mỗi ngày để giữ cho cơ thể đủ nước. Đảm bảo cho quá trình trao đổi chất hoạt động hiệu quả, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, trong đó có các bệnh về đường hô hấp.