Vì sao sự tiến hóa làm cho sinh vật thông minh hơn?
Các nhà khoa học khẳng định rằng chính nhờ sự học hỏi từ những kinh nghiệm của các cá thể đời đầu đã khiến cho các sinh vật đời sau càng lúc càng thông minh.
Lý thuyết này có tên là “tiến hóa học hỏi”, miêu tả rằng quá trình tiến hóa của các sinh vật bắt nguồn một phần lớn từ chính kinh nghiệm sống của chúng, vì thế khiến cho chúng dần dần thông minh hơn. Đây là một bước tiến đầy mới mẻ so với các quan điểm tiến hóa cổ điển trước đây.
Theo Richard Watson, Giáo sư Sinh học tiến hóa tại trường Đại học Southampton Anh, quá trình tiến hóa có thể được phát sinh từ những kinh nghiệm sống trước đây của chính bản thân các sinh vật. Điều này giúp lý giải nguyên nhân vì sao quá trình chọn lọc tự nhiên và mang tính ngẫu nhiên lại thường chọn ra các cá thể đời sau thông minh hơn đời trước.
Trong công trình nghiên cứu có tựa đề "Xu hướng trong Sinh thái và Tiến hóa", Giáo sư Watson tuyên bố quá trình tiến hóa vẫn còn chứa đựng rất nhiều bí ẩn cần phải được tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu. Và lý thuyết “tiến hóa học hỏi” đã có những bằng chứng khá vững chắc dựa trên quá trình nghiên cứu cách thức hệ thần kinh nơ ron phát triển các hành vi thông minh dựa trên kinh nghiệm của các sinh vật trước đó.
"Thuyết tiến hóa của Darwin mô tả quá trình các sinh vật bị thúc đẩy bởi các động lực sinh tồn, khiến cho chúng dần thay đổi cấu trúc cơ thể để phù hợp với sự biến đổi của môi trường”, Giáo sư Watson nói - "Nhưng lý thuyết này vẫn chưa giải thích đầy đủ những khả năng phát triển kì lạ của quá trình tiến hóa. Nếu chỉ có sự tồn tại của quá trình chọn lọc tự nhiên thì vẫn không đủ yếu tố để tạo ra các đặc tính thông minh cho đời sau”.
Lý thuyết tiến hóa thông thường mô tả những biến đổi ngẫu nhiên và chọn lọc làm gia tăng dần mức độ thích ứng với môi trường của các sinh vật khi chúng tiến hóa theo thời gian. Nhưng theo Watson, lý thuyết cổ điển này chỉ có thể giải thích được sự thay đổi của cấu tạo cơ thể mà không thể giải thích được tại sao các cá thể đời sau lại phát triển những hành vi mang tính thông minh nhiều hơn các cá thể đời đầu.
Các nhà khoa học cho rằng, chính nhờ quá trình biến đổi và lựa chọn ngẫu nhiên kết hợp cùng với kinh nghiệm sống của cá thể đời trước đã tạo ra các cá thể đời sau ngày càng thông minh hơn.
Mô hình lý thuyết mới đã giúp làm sáng tỏ những mặt còn hạn chế của lý thuyết tiến hóa cổ điển. Những khiếm khuyết trong suy luận Bayes và sự lựa chọn tự nhiên trong các quần thể sinh sản vô tính và hữu tính cũng như sự tiến hóa của các mối quan hệ về mặt sinh thái giữa các loài với nhau cũng đã được giải quyết thỏa đáng.
Lý thuyết tiến hóa học hỏi giúp cho phép con người lý giải được bằng cách nào quá trình tiến hóa đã ngày càng trở nên cao cấp hơn qua thời gian. Sự tích lũy kinh nghiệm của các cá thể đời đầu truyền thừa cho các cá thể đời con chính là lời giải cho hiện tượng này. Ví dụ, bằng cách phát triển và điều khiển các biến thể, quá trình tích lũy kinh nghiệm và các mối quan hệ tương tác sinh thái sẽ tác động đến quá trình sinh sản ở sinh vật, từ đó đời con cũng thay đổi theo.
Quá trình chọn lọc tự nhiên có thể tự mình thay đổi theo chiều hướng cao cấp hơn chỉ nhờ vào kinh nghiệm sống của sinh vật.
Khi kết hợp học thuyết này cùng với các lý thuyết nền tảng khác trong lĩnh vực tiến hóa, chúng ta có thể lý giải được rất nhiều những vấn đề bằng những cách thức mới lạ và giúp nghiên cứu sâu hơn vì sao quá trình tiến hóa lại dẫn đến rất nhiều thành quả đa dạng và khác biệt như vậy.