Vì sao sụt lún đất Cẩm Sơn gây hoang mang,giải pháp nào giảm tác động?
Hiện tượng sụt lún mặt đất đã và đang diễn ra tại Cẩm Sơn, tỉnh Quảng Ninh gây hư hỏng công trình, thiệt hại kinh tế khiến người dân hoang mang.
Cẩm Sơn là một phường thuộc TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh có diện tích 10,84 km2, dân số năm 2019 là 35.280 người, mật độ dân số đạt 3.073 người/km2.
Thời gian gần đây, trên địa bàn phường Cẩm Sơn xảy ra hiện tượng sụt lún mặt đất với tần suất dày, quy mô lớn, đã làm cho một số công trình xây dựng trên địa bàn bị hư hỏng, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm cho nhân dân địa phương hoang mang. Nghiên cứu hiện tượng sụt lún mặt đất và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của nó đến các công trình xây dựng khu vực Cẩm Sơn là cần thiết và cấp bách, nhằm giảm thiệt hại về kinh tế, ổn định tinh thần của nhân dân địa phương.
Hiện tượng sụt lún mặt đất đã được quan tâm nghiên cứu ở Việt Nam như các công trình nghiên cứu của Viện Địa chất về tai biến sụt đất ở các địa phương như của Trần Trọng Huệ và nnk (2006); Đinh Văn Toàn và nnk (2008); Phạm Tích Xuân và nnk (2007, 2009); Nguyễn Xuân Huyên và nnk (2008), Đỗ Minh Đức và nnk (2012); Trần Quốc Cường và nnk (2014); Phí Hồng Thịnh và nnk (2013, 2015) [1, 3-8]. Trong các công trình này, nguyên nhân sụt đất đều được xác định là do hai nhóm yếu tố: các yếu tố tự nhiên và các yếu tố nhân sinh. Cụ thể là các yếu tố địa chất - thạch học, địa mạo - tân kiến tạo, yếu tố địa chất thủy văn - địa chất công trình được xem như là điều kiện “cần”, các yếu tố làm thay đổi động thái tự nhiên của nước dưới đất và yếu tố tác động trên bề mặt là điều kiện “đủ”.
Hiện tượng sụt lún mặt đất tại Cẩm Sơn được ghi nhận đã xuất hiện rải rác trong thời gian dài từ năm 2007 đến 2010, bùng phát trong các năm từ 2012 tới 2014 và kéo dài đến nay. Hầu hết các hố sụt xuất hiện vào thời điểm từ tháng 3 - 10 hàng năm, trong đó tháng 7 và tháng 8 là thời điểm xuất hiện nhiều hố sụt nhất
Mời độc giả quan tâm vấn đề tham khảo thêm công trình nghiên cứu của TS. PHÍ HỒNG THỊNH - Trường Đại học Giao thông vận tải, TS. TRẦN QUỐC CƯỜNG - Viện Địa chất và TS. VĂN TIẾN HÙNG - Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh
Nội dung bài khoa học tại đây.