Vì sao Suvorov là vị tướng tài giỏi nhất trong lịch sử nước Nga

Hai vị tướng vĩ đại nhất cùng thời là Napoleon Bonaparte và Aleksandr Suvorov dành cho nhau những lời khen và sự tôn trọng. Tuy nhiên, khó có thể khẳng định được ai trong số họ tài giỏi hơn, bởi họ chưa từng gặp nhau trên chiến trường.

“Trên thế giới chẳng có quân đội nào có thể đứng vững trước lính phóng lựu dũng cảm của Nga”, đó là câu nói yêu thích của thống soái Aleksandr Vasilyevich Suvorov, một trong những vị tướng lỗi lạc nhất vào thế kỷ XVIII và là nhà cầm quân nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Nga. Trong suốt cuộc đời mình (1730 – 1800), ông đã tham gia 7 cuộc chiến tranh lớn, giành chiến thắng 60 trận và không thất bại trận nào.

Bức tranh thạch bản thống soái Aleksandr Vasilyevich Suvorov, năm 1828. Ảnh tư liệu.

Bức tranh thạch bản thống soái Aleksandr Vasilyevich Suvorov, năm 1828. Ảnh tư liệu.

Suvorov có sự khác biệt kỳ lạ so với những tướng lĩnh cùng thời, những người thích hành động chậm rãi và chỉ tiến công khi có lợi thế về quân số. Ông từng nói: “Phải đánh bằng chiến thuật, chứ không bằng số lượng”. Vị tướng này cho rằng, loạt bắn từ súng hỏa mai và súng ngắn ít chính xác chỉ có thể gây tổn thất lớn cho các mục tiêu kém cơ động. “Đừng đặt quân mình vào tầm hỏa lực của kẻ địch, mà hãy tấn công giáp lá cà bọn chúng một cách táo bạo và chớp nhoáng, ngay cả khi bọn chúng vượt trội về quân số”, tướng Suvorov khẳng định.

Vị thống soái này tuân thủ nguyên tắc “tam thuật dụng binh”, đó là: Ước lượng bằng mắt, tốc độ và tấn công ồ ạt. Ước lượng bằng mắt được hiểu là biết tìm ra điểm yếu trong phòng thủ của kẻ địch và điểm quyết định tấn công chúng. Tốc độ được hiểu là nhanh chóng thông qua và thực thi quyết định, cơ động trên chiến trường và khi hành quân: “Sự chậm chạp của chúng ta sẽ làm tăng sức mạnh của kẻ thù. Tốc độ và sự bất ngờ sẽ làm rối loạn và đánh bại chúng”. Tấn công ồ ạt là hành động nhất quán và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị được huấn luyện tốt, có khả năng cùng nhau giành chiến thắng.

Đại nguyên soái Aleksandr Vasilyevich Suvorov. Ảnh: Charles de Steuben.

Đại nguyên soái Aleksandr Vasilyevich Suvorov. Ảnh: Charles de Steuben.

Toàn bộ “tam thuật dụng binh” đều được Suvorov áp dụng thành công trong các trận đánh chống lại người Thổ, quân nổi dậy Ba Lan và quân Pháp. Nhiều lần, dù thua kẻ địch về quân số (như trận Kozludzha năm 1774 hoặc trận Focsani năm 1789), nhưng ông vẫn kiên quyết và táo bạo để giành chiến thắng.

Ẩn mình sau lưng quân lính không bao giờ có trong bản lĩnh của Aleksandr Suvorov. Trong trận đánh ở Kinburn năm 1787, ông đã suýt mất mạng. Bị đạn chì bắn trọng thương, ông được lính phóng lựu Ivan Novikov cứu thoát khỏi quân đội của Đế chế Ottoman.

Tướng Suvorov được lính phóng lựu Ivan Novikov cứu sống trong trận Kinburn ngày 1-10-1787. Ảnh tư liệu.

Tướng Suvorov được lính phóng lựu Ivan Novikov cứu sống trong trận Kinburn ngày 1-10-1787. Ảnh tư liệu.

Trận đại thắng của thống soái Suvorov là trận Rymnik năm 1789. Chống lại đội quân 10 vạn binh của Thổ Nhĩ Kỳ, ông chỉ có trong tay 7 nghìn người Nga và 18 nghìn liên quân Áo. Vận dụng chiến thuật bất ngờ và tốc độ, Aleksandr Suvorov sáng sớm ngày 22-9-1789 đã bí mật vượt sông Râmnicul, đánh tan quân tiên phong của kẻ địch và tấn công vào bên sườn của quân chủ lực Thổ Nhĩ Kỳ. Trại lính quân Thổ bất ngờ bị đội kỵ binh tấn công và trở nên hoảng loạn, sau đó lính bộ binh của Nga làm nốt phần việc còn lại. Sau trận này, phía quân Thổ chịu tổn thất 20 nghìn lính bị chết, trong khi liên minh Nga-Áo chỉ có 500 người tử trận. Vì lòng dũng cảm và sự kiên quyết, Suvorov đã được Áo phong tăng danh hiệu “Tướng Tiên phong”.

Ngày 22-12-1790, Aleksandr Suvorov đã tổ chức trận đánh mà trên thực tế tưởng chừng như không thể. Quân của ông đã đánh chiếm pháo đài Izmail rất kiên cố của quân Thổ trên bờ Biển Đen. Vị tướng này cho rằng, chìa khóa thành công trong trận này là phải chuẩn bị thật kỹ cho cuộc tấn công. Cách không xa pháo đài được dựng lên những công trình bằng đất và gỗ giống với bức tường pháo đài, nơi thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập. Mắt xích yếu trong đội phòng vệ của quân Thổ là ở chỗ, số lượng dân quân tự vệ nhiều hơn quân chính quy. Suvorov đã vận dụng tính chuyên nghiệp, kinh nghiệm và sức bền của quân mình và ông đã không tính toán sai, nhờ đó đã chiếm được pháo đài. Trong trận này, đối phương tổn thất lên đến 26 nghìn người bị chết, còn quân Nga có 2 nghìn lính tử trận. “Việc tấn công pháo đài này chỉ được quyết định một lần duy nhất trong đời”, thống soái Suvorov cho biết sau trận đánh.

Pháo binh Nga trong cuộc tấn công đánh chiếm pháo đài Izmail năm 1790. Ảnh: F.I. Usypenko.

Pháo binh Nga trong cuộc tấn công đánh chiếm pháo đài Izmail năm 1790. Ảnh: F.I. Usypenko.

Ngày 4-11-1794, trong đợt trấn áp cuộc nổi dậy người Ba Lan, binh lính của Suvorov đã tấn công chiếm giữ vùng ngoại ô Warsaw. Tuy nhiên, trước khi tấn công, tướng Suvorov đã yêu cầu người dân thành phố nhanh chóng chạy đến trại lính Nga (nhờ đó mà có nhiều người sống sót), đồng thời ra lệnh cho quân lính của mình: “Không được chạy vào nhà; hãy khoan dung cho những kẻ cầu xin sự khoan dung; không được giết người không có vũ trang; không đánh nhau với bà già; không đụng đến trẻ nhỏ”. Cuối cùng, ngày 9-11-1794, Warsaw đã đầu hàng mà không có giao tranh.

Nữ hoàng Ekaterina Đệ nhị đã trao cho Suvorov nhiều chức tước và phần thưởng, nhưng Sa hoàng Pavel Đệ nhất sau khi lên ngôi thay bà năm 1796 đã không mấy thiện cảm với vị tướng này. Bởi, một Suvorov vốn quen với đời sống người lính giản dị đã kịch liệt phê phán những quy tắc của quân Phổ được Sa hoàng áp dụng.

Tuy nhiên, với việc thành lập liên quân thứ hai chống Pháp vào đầu năm 1799, những nước liên minh đề nghị Nga cử ngay tướng Suvorov sang hỗ trợ liên quân tại nước Ý lúc này đã bị kẻ thù chiếm giữ. Không lâu sau, quân Pháp chịu thất bại thảm hại trước vị “Tướng Tiên phong” trong các trận đánh trên sông Adda và Trebbia, cuối cùng toàn bộ khu vực đã được giải phóng.

Tiếp theo sau chuyến đi đến Ý là ông đến Thụy Sĩ, đây cũng là chuyến đi cuối cùng của vị tướng lúc đó đã bước sang tuổi già. Trong vài tuần dưới sự tấn công ồ ạt và liên tục của quân địch vượt trội về quân số, binh lính của Suvorov đã vượt qua dãy núi Alps. Trên đường hành quân, ông đã đánh bại tướng địch là Andre Massena ở thung lũng Muten. Aleksandr Suvorov biết cách bảo vệ quân đội của mình lúc đó đã kiệt sức, khi ông vừa thoát khỏi phục kích và đưa quân đến biên giới nước Áo. “Chiến thắng kẻ thù mọi nơi và trong suốt cuộc đời Ngài, nhưng Ngài đã không thể chiến thắng được một điều – đó là tự nhiên. Tuy nhiên, giờ đây Ngài cũng đã chiến thắng nó”, Sa hoàng Pavel bày tỏ sự khâm phục trong một thông điệp gửi đến tướng Suvorov và ra lệnh thăng ông chức cao nhất – thống soái.

Tên tuổi của Suvorov lẫy lừng khắp châu Âu. Ông không những được đồng minh của mình ca tụng, mà cả kẻ thù của ông cũng dành cho ông sự tôn trọng. Tư lệnh hải quân nổi tiếng của Anh Horatio Nelson, người năm 1805 đã tiêu diệt hạm đội của Pháp trong trận Trafalgar, đã viết thư cho thống soái Suvorov như sau: “Tôi đã được phong tặng nhiều phần thưởng, nhưng hôm nay tôi được nhận một phần thưởng cao quý nhất, đó là người ta nói với tôi rằng, tôi giống Ngài”.

Hai vị tướng vĩ đại nhất cùng thời này là Napoleon Bonaparte và Aleksandr Suvorov chắc chắn biết đến nhau. Thống soái Suvorov từng viết thư cho cháu trai của mình, kể về vị tướng Pháp này: “Ông ấy là một anh hùng, là một hiệp sĩ huyền thoại và là bậc thầy phù thủy! Ông ấy chiến thắng cả thiên nhiên, chiến thắng cả con người...”. Trong khi đó, Napoleon Bonaparte tỏ ra dè đặt hơn trong lời khen của mình, khi khẳng định rằng, Suvorov có một trái tim, nhưng không có lý trí của một vị tướng vĩ đại. Tuy nhiên, khó có thể khẳng định được ai trong số hai vị tướng này tài giỏi hơn trong cầm quân, bởi họ chưa từng gặp nhau trên chiến trường.

QUỐC KHÁNH (theo RBTH)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/vi-sao-suvorov-la-vi-tuong-tai-gioi-nhat-trong-lich-su-nuoc-nga-660187