Vì sao tai nạn giao thông không giảm?

Theo đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tổng hợp số liệu 7 tháng đầu năm 2024 (tính từ ngày 15/12/2023 đến 14/7/2024), toàn quốc xảy ra 14.242 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.204 người, làm bị thương 10.976 người. So với 7 tháng đầu năm 2023, tăng 1.854 vụ (14,97%), giảm 717 người chết (10,36%), tăng 2.720 người bị thương (32,95%). Có thể thấy, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp.

Mới nhất, vào lúc 4 giờ sáng ngày 19/8, Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Long An đã tiếp nhận 10 nạn nhân trong 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Suốt những năm qua, việc cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, cảnh báo về TNGT nhưng hậu quả vẫn rất nghiêm trọng. Nhiều giải pháp kéo giảm TNGT nhưng số người chết vẫn ở mức cao cũng như số người bị thương ngày càng tăng.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT đã được chỉ ra, trong đó trước tiên là do người tham gia giao thông (kể cả từ phía lái xe gây tai nạn cũng như người gặp nạn). Cơ quan chức năng cho biết, trong số các vụ TNGT đường bộ có nguyên nhân do lái xe phóng nhanh vượt ẩu, uống rượu bia khi tham gia giao thông, không quan sát đường... kể cả trường hợp lái xe dương tính với ma túy, mất khả năng điều khiển phương tiện.

Tuy nhiên, gần đây, một nguyên nhân khác cũng đã được chỉ ra, đó là bất cập về hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường xuống cấp chưa được xử lý, tồn tại nhiều điểm giao cắt nguy hiểm, che khuất tầm nhìn. Bên cạnh đó là việc chính quyền một số địa phương thiếu quyết liệt, ỷ lại cho lực lượng chức năng.

Nửa đầu năm 2024, tại Hà Nội, số vụ TNGT tăng tới 40% và số người bị thương tăng gần 80%. Các tuyến xảy ra TNGT chủ yếu là đường liên thôn, liên xã, thị trấn.

Tương tự, tại tỉnh Điện Biên, đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh này cũng cho biết tai nạn thường xảy ra tại các trục đường liên thôn, liên bản, đường cấp thấp. Với các địa phương khác trong cả nước, đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân.

Đi lại trên đường là việc hàng ngày của mỗi người nên nguy cơ mất an toàn, thậm chí tai nạn xảy ra trong tích tắc là hết sức nguy hiểm. Điều đó tạo ra sự bất an. Theo lãnh đạo Trung tâm Phân tích cơ sở dữ liệu an toàn giao thông (Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải) thì những bất cập về hạ tầng giao thông đã được chỉ ra cần sớm có phương án khắc phục.

Trong đó có việc hoàn thiện hệ thống biển báo, báo hiệu cũng như giải pháp kiểm soát tốc độ. Đặc biệt với hệ thống đường giao thông nông thôn, cần quan tâm đến hệ thống báo hiệu và việc đảm bảo kết cấu hạ tầng được an toàn cho người tham gia giao thông.

Cơ quan chức năng về an toàn giao thông cho biết, TNGT đường bộ vẫn chiếm 99% tổng số vụ TNGT trên cả nước. Điều đó càng cho thấy trong số các biện pháp nhằm kéo giảm TNGT thì rất cần củng cố, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đường bộ.

Giới chuyên gia lĩnh vực này cho rằng, cần phân tích rõ loại đường nào và ở đâu hay xảy ra TNGT; đâu là các khung giờ nhiều tai nạn nhất; đâu là nhóm phương tiện, nhóm người lái, nhóm hành vi có liên hệ trực tiếp đến nguyên nhân TNGT.

Cùng với việc làm rõ nguyên nhân cũng như khẩn trương áp dụng các giải pháp nhằm kéo giảm TNGT đường bộ thì việc vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm hơn nữa của ngành giao thông vận tải, cảnh sát giao thông cũng như chính quyền địa phương là rất quan trọng.

Với riêng lĩnh vực hạ tầng, nếu địa phương chỉ trông chờ, ỷ lại vào ngành chức năng trong việc sửa chữa, nâng cấp sẽ không chỉ mang bất tiện tới cho người dân mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn tới TNGT.

Quá trình phát triển, số lượng phương tiện giao thông cũng như người tham gia giao thông sẽ nhiều lên, các tuyến đường sẽ nhiều lên (nhất là các tuyến cao tốc). Nếu không có những biện pháp cần thiết thì TNGT vẫn sẽ xảy ra và rất khó kéo giảm. Tới nay, nhiều hành lang giao thông đã trở thành “phố” với nhà dân và các công trình bám hai bên đường. Quốc lộ 1 với chiều dài 2.300 km đã có 194 khu công nghiệp, 2.101 khu dân cư, 1.008 cây xăng và 2.363 điểm đấu nối khác (con số năm 2023). Về đường ngang, bình quân 3,3 đường ngang/km, nghĩa là 300m có một đường ngang. Đây cũng chính là hiểm họa tiềm ẩn gây ra TNGT.

TNGT dẫn đến hậu quả đau lòng không chỉ với gia đình người bị nạn mà còn là gánh nặng đối với xã hội. Đó là câu chuyện không bao giờ cũ, nhất là khi TNGT 7 tháng đầu năm nay vẫn rất nặng nề.

Thế Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vi-sao-tai-nan-giao-thong-khong-giam-10288406.html