Vì sao Taliban vẫn không thể thành lập chính phủ
Chia rẽ nội bộ Taliban nổi lên trong cuộc tranh cãi cản trở sự hình thành Tiểu vương quốc Hồi giáo mới của Afghanistan
Có vẻ như mọi thứ đã được sắp đặt để Taliban công bố chính phủ mới của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan sau buổi cầu nguyện vào chiều thứ Sáu, 3/9. Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như kế hoạch.
Theo trang Asia Times, nội bộ lãnh đạo Taliban bất đồng, cộng thêm thách thức phải giải quyết từ phong trào kháng chiến ở thung lũng Panjshir, do cựu Phó Tổng thống bị lật đổ Amrullah Saleh dẫn đầu, đã khiến chính phủ mới vẫn chưa thể ra mắt.
Taliban ngày 3/9 khẳng định họ đã hoàn toàn kiểm soát Afghanistan, bao gồm thung lũng Panjshir. Tuy nhiên, phe kháng chiến đã phản bác thông tin này. Ông Saleh khẳng định với kênh truyền hình Tolo News rằng thông tin nói ông đã bỏ chạy khỏi Afghanistan là bịa đặt.
Hôm 29/8, Taliban đã xác nhận thủ lĩnh tối cao của lực lượng này là Hibatullah Akhundzada, hiện đang ở Afghanistan mặc dù chưa từng xuất hiện trước công chúng. Ông Akhundzada, một học giả tôn giáo xuất thân từ Kandahar, được kỳ vọng là sức mạnh mới của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan khi vương quốc này được hình thành.
Tiếp đó, nhà đồng sáng lập Taliban, Mullah Baradar có khả năng sẽ là nhân vật số hai, với vị trí tương tự tổng thống - lãnh đạo chính phủ lâm thời, cùng với một hội đồng điều hành gồm 12 thành viên được gọi là “shura”.
Mullah Baradar là người đồng sáng lập Taliban cùng với Mullah Omar vào năm 1994, từng bị giam ở Guantanamo sau đó là Pakistan. Ông là nhà ngoại giao hàng đầu của Taliban với tư cách là người đứng đầu văn phòng chính trị của tổ chức này ở Doha, Qatar. Baradar cũng chính là người đối thoại quan trọng trong các cuộc đàm phán kéo dài với chính phủ Kabul hiện đã bị lật đổ và đại diện Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pakistan.
Các cuộc đàm phán để thành lập một chính phủ Afghanistan mới trên thực tế được điều hành bởi cựu Tổng thống Hamid Karzai và cựu lãnh đạo Hội đồng Hòa giải Abdullah Abdullah: một người Pashtun và một người Tajik, đều có nhiều kinh nghiệm quốc tế. Cả ông Karzai và Abdullah đều gần như chắc chắn sẽ trở thành thành viên của shura gồm 12 người.
Nhưng khi các cuộc đàm phán có vẻ tiến triển, một cuộc đụng độ trực diện đã xảy ra giữa văn phòng chính trị của Taliban ở Doha và mạng lưới Haqqani (nhóm du kích nổi dậy chống lực lượng NATO và chính quyền Afghanistan cũ) liên quan đến phân bổ các chức vụ chủ chốt trong chính phủ.
Thêm vào đó là vai trò của Mullah Yakoob, con trai của Mullah Omar, cũng là người đứng đầu ủy ban quân sự Taliban hùng mạnh, giám sát một mạng lưới khổng lồ các chỉ huy chiến trường, nơi Yakoob rất được vì nể.
Gần đây Yakoob ám chỉ rằng những người "sống xa hoa ở Doha" không thể ra lệnh cho những người tham gia chiến đấu trên thực địa. Chưa hết, Yakoob còn có những xung đột nghiêm trọng với Haqqani – nhóm đang phụ trách vị trí then chốt là an ninh ở thủ đô Kabul, dưới quyền của thủ lĩnh Khalil Haqqani.
Ngoài thực tế là Taliban bao gồm một số lượng lớn các lãnh chúa bộ lạc và khu vực, tình trạng bất đồng còn cho thấy hố sâu ngăn cách giữa phe dân tộc chủ nghĩa lấy Afghanistan làm trung tâm và những phe phái nghiêng về Pakistan hơn. Ở nhóm thứ hai, nhân vật chính chính là nhóm Haqqani, vốn hoạt động rất thân cận với Cơ quan tình báo ISI của Pakistan.
Kể từ năm 2002, đối với hầu hết người Afghanistan, các chính phủ của cả Tổng thống Hamid Karzai và sau đó là Ashraf Ghani được coi là sự áp đặt của lực lượng chiếm đóng nước ngoài thông qua các cuộc bầu cử không minh bạch.
Trên thực tế ở Afghanistan, mọi thứ đều xoay quanh các bộ lạc, họ hàng và gia tộc. Người Pashtun là một bộ tộc rộng lớn với một quy tắc ứng xử pha trộn giữa tự tôn, độc lập, công bằng, hiếu khách, tình yêu, sự tha thứ, trả thù và lòng khoan dung.
Người Pashtun sẽ lại nắm quyền như dưới thời Taliban 1.0 từ năm 1996 đến 2001. Trong khi đó, những người Tajik nói tiếng Dari chiếm đa số cư dân thành thị ở các thành phố lớn như Kabul, Herat và Mazar-i-Sharif.
Để giải quyết một cách hòa bình các cuộc tranh cãi nội bộ của người Pashtun, một chính phủ do Taliban lãnh đạo sẽ nhất thiết phải chinh phục trái tim và khối óc của người Tajik, vốn chiếm đa số các thương nhân, quan chức và giáo sĩ có học thức của đất nước.
Tiếng Dari, ngôn ngữ của người Tajik, từ lâu đã trở thành ngôn ngữ trong quản lý chính phủ, văn hóa cao và quan hệ đối ngoại ở Afghanistan. Bây giờ tất cả sẽ được chuyển sang tiếng Pashto một lần nữa. Và đây sẽ là cuộc phân ly mà chính phủ mới sẽ phải có nhiệm vụ bắc cầu gắn kết.
Đại sứ Nga tại Kabul, vốn có mối quan hệ rất tốt với Taliban, Dmitry Zhirnov, tiết lộ rằng ông đang thảo luận về bế tắc tại Panjshir với Taliban. Đại sứ Zhirnov lưu ý rằng Taliban coi một số yêu cầu của người Panjshir là "quá đáng", vì họ muốn có quá nhiều ghế trong chính phủ và quyền tự trị cho một số tỉnh không của người Pashtun.
Ông Zhirnov nhiều khả năng sẽ trở thành người hòa giải không chỉ giữa người Pashtun và Panjshir mà ngay cả giữa các phe phái Pashtun chống đối nhau.