Vì sao tăng huyết áp được coi là 'kẻ giết người thầm lặng'?

Tăng huyết áp thường không triệu chứng, chỉ khi xảy ra biến chứng đột quỵ, nhồi máu cơ tim người bệnh mới biết.

Tăng huyết áp có nghĩa là áp suất trong động mạch tăng cao hơn bình thường. Một người được chẩn đoán là cao huyết áp khi huyết áp đo tại cơ sở y tế nhỏ hơn hoặc bằng 140/90mmHg, hoặc khi đo tại nhà và khi theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ nhỏ hơn hoặc bằng 135/85mmHg.

Theo thạc sĩ Khổng Tiến Bình - Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch - Hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thống kê của Viện Tim mạch Việt Nam có tới 25 % số người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp. Như vậy, cứ 10 người có 3 người bị tăng huyết áp.

Tăng huyết áp được xem là bệnh lý âm thầm nguy hiểm, nó được coi là kẻ giết người thầm lặng bởi các biến chứng có thể khiến người bệnh chết trong giây lát.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Biến chứng nguy hiểm

Biến chứng đầu tiên của bệnh là biến chứng tim mạch. Những người bị tăng huyết áp sẽ tăng áp lực lên thành mạch máu, làm hư lớp nội mạc của mạch vành, những phân tử cholesteron xấu đi vào mạch máu, sau đó hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm hẹp mạch vành khiến người bệnh cảm thấy đau, tức ngực, nhất là khi vận động nhiều như leo cầu thang.

Các mảng xơ vữa động mạch này còn có thể vỡ ra đi vào đường máu tạo ra “rác” chắn trong mạch máu, gây ra các bệnh lý tắc mạch khiến bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.

Dấu hiệu của nhồi máu cơ tim là người bệnh thấy đau dữ dội trước ngực, khó thở, đổ mồ hôi, đau có thể lan lên cổ, tay trái và sau lưng. Tăng huyết áp cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng suy tim.

Sau biến chứng tim mạch, tăng huyết áp cũng là nguyên nhân gây ra các ca tai biến mạch máu não.

Khi cao huyết áp dẫn đến tai biến mạch máu não, các mạch máu não sẽ không chịu nổi áp lực dẫn đến bị vỡ. Khi đó người bệnh bị xuất huyết não gây liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong. Triệu chứng của bệnh nhân tùy vùng xuất huyết lớn hay nhỏ, và tùy vị trí vùng xuất huyết.

Ở người tăng huyết áp mà huyết áp không hạ vào ban đêm hoặc hạ quá mức, hoặc tăng vọt bất cứ lúc nào (hay gặp nhất vào buổi sáng) đều là yếu tố bất lợi vì rất dễ bị nhồi máu não. Đây cũng là dạng tai biến mạch máu não nhưng ở thể khác.

Người bệnh bị nhồi máu do tăng huyết áp có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời, hoặc bị hôn mê với đời sống thực vật. Nếu qua khỏi sẽ để lại di chứng nặng nề về tâm thần kinh như liệt nửa người, đi đứng, nói năng khó khăn, giảm trí nhớ, lú lẫn....

Ngoài ra, các biến chứng thường gặp khác của tăng huyết áp như biến chứng lên thận. Bệnh nhân bị đái máu, đái ra protein, suy thận

Biến chứng lên mắt với các bệnh lý phù võng mạc, xuất huyết, xuất tiết võng mạc, động mạch võng mạc co nhỏ… Biến chứng động mạch như tách thành động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên…

Phòng bệnh thế nào?

Để ngăn ngừa các biến chứng, người bệnh nhất thiết phải kiểm soát tốt huyết áp, bằng cách áp dụng lối sống khoa học và tuân thủ thuốc điều trị của bác sĩ.

Theo bác sĩ Bình cần giảm ăn mặn, hạn chế đồ muối, đồ hun khỏi, bia rượu. Tăng cường rau xanh, trái cây. Duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể(BMI) từ 18,5 đến 22,9; cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.

Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: Tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày. Người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp bởi bệnh này âm thầm và đa số không có triệu chứng.

Với bệnh nhân tăng huyết áp, cần uống đúng thuốc, đủ liều, đều đặn theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không tự ý dừng thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều. Đo huyết áp ít nhất mỗi ngày một lần và ghi vào sổ theo dõi huyết áp giúp cán bộ y tế theo dõi, đánh giá kết quả điều trị.

Bích Trâm

Nguồn VTC: https://vtc.vn/benh-va-thuoc/vi-sao-tang-huyet-ap-duoc-coi-la-ke-giet-nguoi-tham-lang-ar551646.html