Vì sao tăng trưởng GDP tăng vượt mục tiêu?

Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,09%, vượt mục tiêu 6 - 6,5% đề ra. Đây là mức tăng trưởng rất tích cực trong bối cảnh thế giới biến động khó lường. Vậy đâu là động lực dẫn đến mức tăng trưởng này?

Thị trường bất động sản đang có sự chuyển biến khi các “điểm nghẽn” pháp lý đang được tháo gỡ. (Ảnh minh họa: VGP)

Thị trường bất động sản đang có sự chuyển biến khi các “điểm nghẽn” pháp lý đang được tháo gỡ. (Ảnh minh họa: VGP)

Nhiều ngành then chốt chuyển biến tích cực

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) nhận định, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và Nhân dân cả nước, năm 2024, nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng 7,09%, vượt mục tiêu 6 - 6,5% đề ra.

Trả lời Báo Pháp luật Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hương đánh giá: “Đây là mức tăng trưởng rất tích cực, thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trước những biến động nhanh, bất thường trong khu vực và trên thế giới, cũng như trước những thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân ở nước ta”.

Trong đó, có một số nhân tố chính đóng góp quan trọng để đạt được kết quả này như khu vực công nghiệp và xây dựng. Theo đó, sản xuất công nghiệp có bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng cao nhất từ 2020 đến nay, mặc dù phần nào chịu thiệt hại do tác động của cơn bão Yagi. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,32%, cao hơn năm 2023 là 5,34 điểm phần trăm; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,05%; ngành cung cấp nước; quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,43% và ngành khai khoáng giảm 7,24%. Sự kết hợp giữa phục hồi nhanh và yếu tố nền so sánh thấp của năm trước (3 quý đầu năm 2023 tăng trưởng thấp) đã tạo ra mức tăng trưởng cao cho toàn ngành công nghiệp trong năm 2024.

Bên cạnh đó, ngành xây dựng đã có những chuyển biến tích cực như việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng; lãi suất ngân hàng giảm đã làm giảm chi phí đầu vào của DN. Hoạt động xây dựng trong quý IV/2024 tăng tại các địa phương bị ảnh hưởng của bão, lũ nhằm khắc phục thiệt hại của cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão tại 26 tỉnh phía Bắc và cơn bão số 4 tại các tỉnh miền Trung trong tháng 9/2024. Đáng chú ý, thị trường bất động sản đang dần bước qua thời điểm khó khăn và ghi nhận sự chuyển biến với các “điểm nghẽn” pháp lý đang dần được tháo gỡ, tạo điều kiện cho hoạt động xây dựng phát triển.

Ngoài ra, Tổng cục trưởng TCTK khẳng định, kết quả này được hỗ trợ từ sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm; Các tập đoàn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn đầu tư vào Việt Nam, mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu thiết bị điện tử tăng trong bối cảnh chuyển đổi số. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi từ Chính phủ khuyến khích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nước, tác động làm khu vực dịch vụ giữ được mức tăng trưởng tốt.

Nhiều yếu tố thuận lợi tác động đồng thời

Theo bà Nguyễn Thị Hương, kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2024 còn được hỗ trợ bởi một số yếu tố thuận lợi như ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, áp dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn, lãi suất điều hành giảm dần là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất; Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, với nhiều chính sách hỗ trợ DN, thu hút FDI; Các chính sách kích cầu tiêu dùng, giảm, gia hạn thuế đã hỗ trợ DN và người dân trong sản xuất và tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê. (Ảnh: TCTK)

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê. (Ảnh: TCTK)

Hạ tầng giao thông và logistics đã có nhiều bước tiến lớn, tạo thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và kết nối các vùng miền. Hệ thống cảng biển, đường bộ và đường sắt được nâng cấp, giúp giảm chi phí vận chuyển và tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. “Những cải thiện này không chỉ hỗ trợ xuất khẩu mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng” - bà Hương nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc ký kết thành công các hiệp định thương mại (FTA) từ những năm trước là tiền đề, cơ hội giúp xuất khẩu của Việt Nam vượt mục tiêu đặt ra, khẳng định vị thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư và sản xuất. Các thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng, không chỉ tập trung vào một vài thị trường lớn mà còn mở rộng sang nhiều thị trường mới nổi.

Đáng chú ý, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch kể từ sau dịch Covid-19 với đa dạng hoạt động du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm... đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách du lịch. Hoạt động du lịch tăng trưởng tốt có tác động lan tỏa tới các ngành khác như vận tải, lưu trú, ăn uống...

Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/vi-sao-tang-truong-gdp-tang-vuot-muc-tieu-post537734.html