"Tên lửa Stinger đã ngừng xuất xưởng từ 20 năm trước, nhưng kể từ khi xung đột Đông Âu bùng phát, nó đột nhiên nó trở thành ngôi sao và ai cũng muốn sở hữu", ông Wes Kremer, chủ tịch tập đoàn quốc phòng Raytheon cho biết.
Mỹ đã chuyển giao gần 2.000 tên lửa phòng không vác vai Stinger cho đối tác trong thời gian ngắn vừa qua, tất cả đều lấy từ kho dự trữ của quân đội Mỹ.
Chưa hết, chính quyền Tổng thống Joe Biden tháng trước còn cam kết chuyển giao thêm tên lửa Stinger cho đối tác.
Do đó Quân đội Mỹ đã đặt hàng 1.700 tên lửa Stinger hồi tháng 5/2022 để bù dắp vào kho dự trữ, tuy nhiên Lầu Năm Góc thừa nhận lô hàng đầu tiên sẽ không được bàn giao trước năm 2026, do tập đoàn Raytheon gặp nhiều khó khăn khi tái sản xuất mặt hàng này.
Ông Kremer nói rằng tập đoàn cần tối thiểu 30 tháng để xuất xưởng những lô tên lửa Stinger mới, vì mất nhiều thời gian đào tạo nhân viên và tái khởi động dây chuyền sản xuất.
"Chúng tôi phải huy động các nhân viên trên 70 tuổi đã nghỉ hưu để hỗ trợ lắp ráp tên lửa và hướng dẫn nhân viên mới về cách chế tạo Stinger. Chúng tôi cũng phải lôi thiết bị cũ khỏi nhà kho và tân trang chúng", chủ tịch Raytheon cho hay.
Ông Greg Hayes, giám đốc điều hành Tập đoàn Raytheon Technologies thừa nhận nhiều thiết bị điện tử trong tên lửa Stinger đã quá lạc hậu và không còn được sản xuất.
"Chúng tôi đang phải thiết kế lại các mạch điện và một số linh kiện. Quá trình này sẽ mất nhiều thời gian", ông Greg Hayes cho hay.
Tên lửa phòng không vác vai Stinger đã chứng minh hiệu suất chiến đấu trong các cuộc xung đột lớn trên thế giới. Tên lửa có hiệu suất trúng đích lên đến 75%.
Trong chiến tranh Afghanistan, CIA Mỹ đã ngấm ngầm tuồn vào cho lực lượng chiến binh Hồi giáo Mujahideen hàng ngàn tên lửa vác vai Stinger.
Chỉ trong 10 tháng đầu khi được Mỹ hỗ trợ tên lửa, lực lượng chiến binh Hồi giáo Mujahideen đã sử dụng 187 tên lửa Stinger, bắn rơi 140 máy bay.
Loại tên lửa này trở thành nỗi ám ảnh đối với trực thăng Mi-8/24 và cả máy bay chiến đấu Su và MiG.
Các phiến binh Hồi giáo cực đoan thường di chuyển trên các xe bán tải và bất ngờ khai hỏa vào các máy bay của Liên Xô.
Loại tên lửa này do General Dynamics thiết kế và được Raytheon Missile Systems sản xuất từ cuối những năm 1970 tới nay, tên đầy đủ của chúng là FIM-92 Stinger.
FIM-92 Stinger có chiều dài 1,52 m, đường kính 70 mm, trọng lượng toàn bộ 15,2 kg (bản thân tên lửa nặng 10,1 kg).
Tầm bắn của tên lửa FIM-92 Stinger từ 1.000 đến 8.000m, kíp chiến đấu 2 thành viên.
Dễ mang vác và vận hành, tên lửa FIM-92 Stinger đã cải thiện hiệu suất chống lại các mục tiêu nhỏ, chẳng hạn như máy bay không người lái và tên lửa hành trình cho các lực lượng cơ động cao.
Các biến thể chính bao gồm: FIM-92A, đây là phiên bản cơ bản; FIM-92B, phiên bản tìm kiếm quang thụ động, FIM-92C, phiên bản trang bị vi xử lý có thể tái lập trình; FIM-92D, phiên bản có khả năng chống nhiễu; FIM-92E, phiên bản nâng cấp hiệu suất chống cao, nhằm lại các mục tiêu nhỏ.
Ngoài ra, còn có các phiên bản FIM-92F - một cải tiến sâu của FIM-92E; FIM-92G - một bản nâng cấp của biến thể D; FIM-92H - biến thể D đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn E, FIM-92I Block I - biến thể được phát triển dựa trên phiên bản E.
Nhờ các cải tiến sâu rộng nên khoảng cách phát hiện và khả năng chống nhiễu, tầm bay của loại tên lửa phòng không này đều đã được tăng lên đáng kể.
Phiên bản FIM-92J – là phiên bản nâng cấp từ các phiên bản cũ nhằm thay thế các thành phần đã cũ để kéo dài thời gian sử dụng thêm 10 năm.
Đầu đạn của phiên bản này cũng được trang bị ngòi nổ gần để tăng hiệu quả chống lại các phương tiện bay không người lái.
Ngoài ra Mỹ cũng đã phát triển phiên bản chế áp tên lửa phòng không, chúng được trang bị đầu dò radar thụ động để chống lại các thiết bị phát sóng radar.
Ngay sau khi phóng, xạ thủ có thể tự do ẩn nấp để tìm diệt các mục tiêu khác, từ đó tối đa hóa khả năng sống sót và hiệu quả chiến đấu.
FIM-92 Stinger được khởi động bằng một động cơ phóng nhỏ giúp đẩy nó ra một khoảng cách an toàn với xạ thủ trước khi châm ngòi động cơ nhiên liệu rắn hai giai đoạn, giúp tên lửa đạt tốc độ Mach 2,2 (750 m/s).
Phần đầu đạn của FIM-92 Stinger nặng 3kg, chứa 1,02 kg HTA-3 (hỗn hợp của HMX, TNT và bột nhôm), được bọc trong một hình trụ titan pyrophoric, an toàn trước mọi bức xạ điện từ.
Đầu đạn có thể được kích nổ bằng cách xuyên thủng mục tiêu, tác động vào mục tiêu hoặc tự hủy. Quá trình tự hủy xảy ra từ 15 đến 19 giây sau khi phóng.
FIM-92 Stinger sử dụng một bộ tìm kiếm thụ động, là một vũ khí "bắn và quên" không cần dẫn lái của người điều khiển sau khi bắn.
FIM-92 Stinger trang bị hệ thống AN/PAS-18, đây là thiết bị ngắm ảnh nhiệt, giúp thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ trong điều kiện bóng tối hoàn toàn và trong điều kiện tầm nhìn giảm.
AN/PAS-18 có thể hoạt động trong cùng vùng phổ điện từ với đạn tên lửa để phát hiện bất kỳ nguồn hồng ngoại nào mà tên lửa có thể phát hiện được.
Khả năng này cũng cho phép thực hiện một chức năng phụ là giám sát khu vực vào ban đêm. Trong điều kiện bầu trời quang đãng, AN/PAS-18 có thể phát hiện máy bay cánh cố định ở độ cao lớn.
Trong điều kiện tối ưu, khả năng phát hiện có thể lên tới 30 km.
AN/PAS-18 có trường nhìn 12x20 độ, cự li phát hiện của thiết bị tăng lên khi góc bay của máy bay thay đổi.
AN/PAS-18 sẵn sàng hoạt động trong vòng 10 giây kể từ khi bật nguồn điện. Bộ thu được cung cấp bởi pin lithium có thời lượng hoạt động từ 6 đến 12 giờ.
Để khai hỏa, xạ thủ nhắm tên lửa vào mục tiêu và khi mục tiêu bị khóa, sẽ có một tín hiệu âm thanh đặc biệt phát ra, lúc này xạ thủ sẽ bấm nút phóng.
FIM-92 Stinger hiện vừa được Mỹ tái sản xuất để bù đắp vào kho dự trữ chiến lược sau khi nước này đã chuyển giao hàng ngàn tên lửa cho phía đối tác.