Vì sao thần tượng Kpop càng ngày càng trẻ hóa, ra mắt khi chỉ mới 13 - 14 tuổi?
Theo các chuyên gia phân tích, việc ra mắt thần tượng ở tuổi vị thành niên đang là xu hướng tại Hàn Quốc.
Trở thành idol khi ở độ tuổi thanh thiếu niên không phải là một hiện tượng mới trong ngành công nghiệp Kpop. Từ những năm 2000, BoA đã ra mắt khi cô mới 13 tuổi, Taemin của SHINee ra mắt năm 14 tuổi năm 2008. Nhưng độ tuổi của các idol ngày càng giảm và xu hướng này bắt đầu nở rộ ở cuối gen 3, đầu thế hệ idol thứ 4.
Gần đây, nhóm nhạc nữ mới toanh của HYBE NewJeans đã được giới thiệu công chúng, với thành viên nhỏ tuổi nhất sinh năm 2008, vẫn đang là học sinh cấp 2.
Chỉ trong vòng 2 năm từ 2020 đến 2022, các nhóm nhạc được ra mắt trong thời gian này đều có thành viên bé nhất chỉ tầm 13 - 14 tuổi. Như Niki (ENHYPHEN), Leeseo (IVE), Jongseob (P1Harmony), Boeun (CLASS:y)... đều ra mắt ở tuổi 14. Việc thần tượng ra mắt ở độ tuổi vẫn còn học cấp 2 dường như đang được bình thường hóa khi không còn được bàn tán xôn xao như trước kia, thậm chí, fan Kpop coi điều này là điều đương nhiên.
Trở thành idol là ước mơ của hàng nghìn người trẻ Hàn Quốc mỗi năm. Được nổi tiếng, có khả năng tài chính và mọi người yêu quý. Những đặc quyền nổi trội khi trở thành idol sẽ bắt đầu sớm và có nhiều thời gian để xây dựng sự nghiệp được ra mắt sớm. Nhưng ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc đầy rẫy áp lực và thị phi, không phải thần tượng nào được ra mắt cũng gặt hái thành công.
Các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, việc debut khi còn trẻ càng cho phép những thần tượng có sự nghiệp lâu dài hơn, triển vọng hơn, thì càng phải trả giá đắt. Nhà phê bình văn hóa đại chúng Ha Jae Kun chia sẻ, trở thành một thần tượng ở độ tuổi còn nhỏ đồng nghĩa với việc bỏ lỡ tất cả các cơ hội giao tiếp xã hội mà trẻ em có được ở trường thông qua việc tương tác với bạn bè:
"Ra mắt ở độ tuổi trẻ như vậy thường có nghĩa là họ bỏ lỡ những trải nghiệm. Trong trường hợp xấu nhất, nếu họ không thành công với tư cách là người nổi tiếng, họ sẽ bị hạn chế lựa chọn nghề nghiệp vì rất có thể họ đã bỏ lỡ một phần đáng kể việc học của mình do luyện tập thần tượng."
Sự khắc nghiệt của hệ thống đào tạo idol khiến nhiều thực tập sinh bị tách khỏi cuộc sống thực. Ngay cả khi đã trở thành ngôi sao, nhiều ngôi sao vẫn cảm thấy khó khăn trong việc xử lý cảm xúc hay đối mặt với căng thẳng. Các thần tượng còn quá nhỏ dễ bị ảnh hưởng tâm lý khi gặp quá nhiều ý kiến tranh cãi của cư dân mạng, rơi vào hành vi tự hủy hoại bản thân, điều mà nhiều người nổi tiếng đã làm.
Một mối quan tâm khác không chỉ giới chuyên môn mà cả công chúng đều tỏ ra lo lắng đó là hình tượng không phù hợp với lứa tuổi. Nhiều idol có tạo hình sexy hay quá táo bạo không hợp tuổi, gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân họ. Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn đối với các thần tượng nữ.
Theo Lee Gyu Tag, giáo sư nghiên cứu về nhạc pop và truyền thông tại Đại học George Mason Hàn Quốc, hình ảnh phổ biến của các nhóm nhạc nữ Hàn Quốc đã chuyển từ một cô gái đoan trang và ngây thơ sang hình ảnh trưởng thành và mạnh mẽ. Nhưng các thần tượng trẻ chưa nhiều kinh nghiệm sống không thể hiện hình ảnh này một cách tự nhiên sẽ tạo ra sự kiên cưỡng và lệch lạc.
Thêm vào đó, vấn đề "giới tính hóa" thần tượng trẻ cũng là một mối lo ngại đáng lưu tâm. Không dừng lại ở ăn mặc hở hang, những thần tượng nhỏ tuổi còn có nguy cơ bị buộc có những suy nghĩ mà họ chưa sẵn sàng. Những idol nhỏ tuổi đặt bản thân ra khỏi vùng an toàn sớm như vậy có nghĩa là toàn bộ thế giới có quyền truy cập vào cuộc sống riêng tư.
Chương trình sống còn gần đây của đài MBC My Teenage Girl đã gây xôn xao dư luận khi giới thiệu những người tham gia chỉ mới 11 tuổi. Trong đó có nhiều màn trình diễn trở thành chủ đề bàn tán của dư luận, và những người biểu diễn đương nhiên trở thành đối tượng tranh cãi khiến các chuyên gia cho rằng cần phải đặt ra khung độ tuổi thích hợp cho thanh thiếu niên muốn trở thành người nổi tiếng.
Nguồn: Koreaboo