Vì sao thành phố Liverpool bị loại khỏi danh mục Di sản thế giới?

Câu chuyện của Liverpool cho thấy, danh hiệu Di sản thế giới có thể mất đi kèm theo nhiều hệ lụy, nếu quá trình phát triển kinh tế - xã hội không đi cùng với bảo tồn đúng mức.

Ngày 21/7, UNESCO tuyên bố xóa thành phố cảng Liverpool khỏi danh mục Di sản thế giới. Trước Liverpool, trong gần 50 năm qua chỉ có 2 cái tên bị loại khỏi danh mục này là Thung lũng Elbe ở Dresden (Đức) và Khu bảo tồn linh dương Ả Rập (Oman) vì mất đi tính toàn vẹn vốn có.

Trong thông báo chính thức, UNESCO nhấn mạnh lý do xóa khỏi danh mục Di sản thế giới đối với thành phố cảng Liverpool "vì mất mát không thể phục hồi của những thuộc tính truyền tải giá trị ngoại hạng toàn cầu". UNESCO nhấn mạnh đây là một tổn thất đối với cộng đồng quốc tế.

Khung cảnh nổi tiếng của thành phố cảng Liverpool. Nguồn: Getty

Khung cảnh nổi tiếng của thành phố cảng Liverpool. Nguồn: Getty

Nhận định về sự việc này, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Thành phố cảng Liverpool đã vi phạm các quy định về tính xác thực và tính toàn vẹn của một Di sản thế giới. Thông thường UNESCO đã có nhiều văn bản và cuộc điều trần, nhưng vì Liverpool không tuân thủ nên bị đưa ra khỏi danh sách Di sản thế giới. Nếu quốc gia vẫn muốn có mặt trong danh mục thì họ đã thực hiện và tuân thủ theo quy định, cũng như xem xét các cảnh báo vi phạm của UNESCO".

Khác biệt giữa phát triển và bảo tồn

Thành phố cảng Liverpool đã được ghi vào danh mục Di sản thế giới năm 2004, bởi các trung tâm lịch sử và bến tàu là minh chứng cho sự phát triển của một trong những trung tâm thương mại lớn của thế giới trong thế kỷ 18 và 19. Địa danh này cũng thể hiện những phát triển tiên phong của công nghệ cảng hiện đại cùng hệ thống vận tải và quản lý.

Tuy nhiên, đến năm 2012, UNESCO chuyển thành phố cảng Liverpool sang danh mục Di sản Thế giới đang bị đe dọa, vì lo ngại những tác động tiêu cực từ kế hoạch phát triển của thành phố. UNESCO cho rằng các công trình xây dựng mới sẽ làm tổn hại đến tính xác thực và tính toàn vẹn của Di sản thế giới.

Kể từ đây, có vẻ như UNESCO và chính quyền Liverpool không tìm được tiếng nói chung về vấn đề bảo tồn và phát triển tại địa điểm di sản này. Theo bà Joanne Anderson - thị trưởng thành phố Liverpool, UNESCO đề nghị tạm hoãn kế hoạch phát triển ở trung tâm thành phố, nhưng điều này đi ngược lại quy hoạch của Vương quốc Anh. Ngoài ra, chính quyền Liverpool cho rằng UNESCO đã không có chuyến khảo sát đầy đủ tại thành phố kể từ năm 2011; trong khi UNESCO cho biết các phái đoàn của họ đã đến Liverpool vào năm 2015 và 2017.

Sự thay đổi của khu vực ven sông tại Liverpool. Nguồn: Getty

Sự thay đổi của khu vực ven sông tại Liverpool. Nguồn: Getty

Năm 2012, Liverpool đã thông báo dự án Liverpool Waters có số vốn 5,5 tỷ bảng Anh, cho phép các tòa nhà chọc trời, bến tàu du lịch và hàng nghìn căn hộ mọc lên tại những bến tàu cũ. Trong khoảng hơn một thập kỷ qua, khu vực ven sông của Liverpool đã thay đổi với hàng loạt các tòa nhà hiện đại, đặc biệt là kế hoạch xây dựng một sân vận động mới trên bến tàu cũ Bramley Moore Dock – một trong những yếu tố khiến UNESCO lo ngại nhất. UNESCO cho biết, chính quyền Liverpool đã không tuân thủ những khuyến cáo liên tục của tổ chức này.

Tuy nhiên chính quyền Liverpool cho rằng UNESCO đã không đánh giá đầy đủ thành phố trong một thập kỷ qua và gọi quyết định này là "hoàn toàn sai lầm". Bà Joanne Anderson cho biết: "Di sản của chúng tôi chưa bao giờ tốt hơn thế, khi được hưởng lợi từ hàng trăm triệu bảng Anh đầu tư vào hàng chục tòa nhà và khu vực công cộng. Dù điều gì xảy ra, Liverpool vẫn luôn là thành phố di sản".

Về sân vận động mới tại Bramley Moore Dock, UNESCO cho rằng dự án "sẽ làm tăng thêm mối đe dọa về việc xuống cấp và mất mát thêm các giá trị lịch sử của khu vực này". Trong khi đó, chính quyền Liverpool cho rằng dự án này sẽ tạo ra một sân vân động mới tuyệt đẹp, thu hút hàng trăm nghìn du khách. "Tôi thấy thật khó hiểu khi UNESCO thà để Bramley Moore Dock vẫn là một vùng đất hoang vô chủ, hơn là đóng góp tích cực cho tương lai của thành phố và của cư dân" - bà Joanne Anderson nói.

Từ phía hãng Peel L&P - tác giả của dự án Liverpool Waters, Giám đốc phát triển Chris Capes cảm thấy thất vọng về quyết định của UNESCO, vì kế hoạch phát triển này vẫn có sự đầu tư đáng kể cho việc bảo vệ và cải thiện các khu di sản. Kể cả sân vận động mới cũng có khoảng 55 triệu bảng Anh để bảo tồn, khôi phục và tôn vinh các di sản.

Khu vực Bramley Moore Dock tại Liverpool, vị trí xây sân vận động mới. Nguồn: Paul Ellis/AFP

Khu vực Bramley Moore Dock tại Liverpool, vị trí xây sân vận động mới. Nguồn: Paul Ellis/AFP

Dấu mốc đáng buồn của Liverpool

Là nhân vật văn hóa nổi tiếng tại Liverpool, bà Jayne Casey cho biết đây là một dấu mốc đáng buồn trong lịch sử văn hóa đáng tự hào của thành phố. "Chúng tôi đã nhận thức điều này từ lâu, vì những nhà cải cách có quá nhiều ảnh hưởng tại Liverpool. Có thể họ sẽ ăn mừng vì từ nay được xây dựng trên mọi tấc đất của thành phố".

Các tổ chức bảo vệ di sản tại Anh cho rằng, việc Liverpool bị xóa khỏi danh mục Di sản thế giới là chuyện đáng xấu hổ với đất nước. Họ chỉ trích chính quyền đã không hành động đúng mức để bảo vệ các di tích, cũng như không có động thái can thiệp cần thiết khi UNESCO ra khuyến cáo. Bà Henrietta Billings - Giám đốc tổ chức Save Britain’s Heritage cho biết, đây là “nỗi xấu hổ" của chính phủ, trong khi các thành phố như Hamburg, Bordeaux, Barcelona, Genoa… đều đã cải cách khu vực ven sông một cách thân thiện.

Lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do tại Liverpool, Richard Kemp cho biết hôm 21/7 là "ngày đáng xấu hổ" đối với Liverpool, đồng thời cho rằng dấu mốc này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch và đầu tư vì Liverpool "không còn USP (lợi điểm bán hàng độc nhất - PV) để cạnh tranh với tất cả các thành phố đang thu hút chú ý trên toàn cầu". Ông Richard Kemp tin rằng Liverpool vẫn phải tiếp tục bảo tồn và xây dựng thương hiệu thành phố từ nền tảng lịch sử, thay vì cho phép sự phát triển hỗn loạn như những năm qua.

Tòa nhà Royal Liver - biểu tượng của Liverpool bên bờ sông Mersey đang được rao bán với giá khoảng 40 triệu bảng Anh. Nguồn: Reuters

Tòa nhà Royal Liver - biểu tượng của Liverpool bên bờ sông Mersey đang được rao bán với giá khoảng 40 triệu bảng Anh. Nguồn: Reuters

Mặc dù bản chất việc ghi danh di sản của UNESCO không nhằm mục tiêu khai thác du lịch, tuy nhiên nhiều nơi tận dụng việc này để tiếp thị điểm đến và thu hút du khách quốc tế. Theo đánh giá của Công ty phân tích dữ liệu Global Data, việc bị loại khỏi danh mục Di sản thế giới ít ảnh hưởng đến hoạt động du lịch trong nước, tuy nhiên Liverpool sẽ thiệt hại lớn khi sức hút với du khách quốc tế bị suy giảm.

Global Data phân tích, thống kê cho thấy loại hình du lịch văn hóa chiếm tới 29% thị trường du lịch quốc tế. Khách du lịch quốc tế chi tiêu nhiều hơn đáng kể so với khách du lịch nội địa tại Anh, trung bình 1.057 USD so với 263 USD vào năm 2019. Trong khi đó, một vị thế di sản đóng vai trò lớn về thương hiệu để du khách quốc tế lựa chọn, điều này cũng đặc biệt quan trọng đối với thị trường nguồn lớn nhất thế giới là Trung Quốc, vốn hay chú ý đến những danh hiệu.

Như vậy, việc đánh mất vị thế Di sản thế giới khiến Liverpool mất đi sức hấp dẫn về văn hóa, du khách quốc tế sẽ chuyển hướng sang các Di sản thế giới khác khi tới Anh. Trong bối cảnh du lịch quốc tế mất nhiều thời gian để phục hồi sau đại dịch Covid-19, sự hồi phục của ngành du lịch tại Liverpool sẽ càng chậm chạp hơn sau khi bị loại khỏi danh mục Di sản thế giới./.

Hải Nam/VOV.VN Theo Guardian, BBC, GlobalData

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/vi-sao-thanh-pho-liverpool-bi-loai-khoi-danh-muc-di-san-the-gioi-879014.vov