Vì sao thanh toán lệ phí dự thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội phải tải ứng dụng?
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ngay từ những năm đầu tiên tổ chức thi đánh giá năng lực (HSA), đơn vị tổ chức thi đã phối hợp với Viettel Money để hỗ trợ thu phí miễn phí giao dịch ngân hàng cho thí sinh, trong khi các đối tác khác vẫn thu phí giao dịch.
Sáng 23.2, Viện Đào tạo số và Khảo thí trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã mở cổng tiếp nhận hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực (HSA) năm 2025.
Đến 11h50' cùng ngày, Hội đồng thi đánh giá năng lực thống kê đã nhận được 89.196 lượt đăng ký thi, đạt 99,8% quy mô kỳ thi (90.000 chỗ thi năm 2025).
Trên các diễn đàn, một số phụ huynh bày tỏ ý kiến lo ngại về vấn đề thí sinh gặp khó khăn khi đăng ký dự thi. Đặc biệt, việc thanh toán lệ phí dự thi có nhiều bất cập, khi thí sinh quét QR của tất cả ngân hàng đều không thể thanh toán, mà phải tải ứng dụng Viettel Money.
"Thời đại 4.0, đóng tiền thi mà độc quyền phải tải app, không có tiền từ tài khoản này là không thanh toán được", một ý kiến bày tỏ quan ngại.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về vấn đề trên, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ngay từ những năm đầu tiên tổ chức thi đánh giá năng lực (HSA), đơn vị tổ chức thi đã phối hợp với Viettel Money để hỗ trợ thu phí miễn phí giao dịch ngân hàng cho thí sinh, trong khi các đối tác khác vẫn thu phí giao dịch.
Do đó, việc thu lệ phí thi qua Viettel Money đã có hướng dẫn chi tiết và công khai trên hệ thống thời gian qua.
"Trong những năm tiếp theo, đơn vị tổ chức thi mới xem xét các đơn vị thu hộ khác đáp ứng yêu cầu miễn phí giao dịch ngân hàng khi nộp lệ phí thi", GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nói.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Quốc Việt)
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, kỳ thi đánh giá năng lực là một trong những kỳ thi riêng và không bắt buộc thí sinh dự thi. Hằng năm, nguyện vọng đăng ký lớn nhưng số thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực và các kỳ thi riêng khác rất thấp (không vượt quá 3%).
Do đó, thí sinh cần cân nhắc trước khi đăng ký thi và xét tuyển bằng điểm thi HSA. Năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội thiết kế 90.000 chỗ thi, phù hợp với đối tượng thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội được thiết kế từ năm 2011, tới nay đã gần 15 năm với những phiên bản khác nhau. Năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục đổi mới kỳ thi theo phiên bản tiên tiến nhất, hiện đại nhất, mang đến cho nền giáo dục Việt Nam một kỳ thi tiệm cận với quốc tế, mục tiêu đánh giá năng lực học sinh một cách toàn diện, phân loại thí sinh, cung cấp cho các trường đại học những sản phẩm chất lượng nhất.
Năm 2025, việc đăng ký dự thi có những điểm mới. Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội yêu cầu thí sinh phải đăng ký dự thi bằng số điện thoại để tránh trường hợp nhiều thí sinh ảo, chỉ đăng ký chỗ mà không dự thi. Đơn vị tổ chức thi cũng xác minh thông tin thí sinh qua số căn cước công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo việc đăng ký là chính xác, đảm bảo quyền lợi cho tất cả thí sinh.
Cấu trúc bài thi cũng có những sự thay đổi so với những năm trước. Theo đó, bài thi gồm có 3 phần. Phần đầu tiên đánh giá tư duy định lượng (lĩnh vực Toán học & Xử lí số liệu) với 50 câu hỏi, làm trong 75 phút. Phần thứ hai là tư duy định tính (lĩnh vực Văn học - Ngôn ngữ), đánh giá về khả năng ngôn ngữ và khả năng cảm nhận, cảm thụ văn học với 50 câu hỏi, làm trong 60 phút.
Hai phần này về mặt hình thức giống với cấu trúc của những bài thi năm 2021 đến 2024. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở nội hàm bên trong, khi câu hỏi thiết kế theo chương trình GDPT 2018. Việc đánh giá năng lực sẽ nhiều hơn trước đây và có đưa vào những loại câu hỏi mới, cách thức đánh giá mới. Có những câu hỏi được gọi là “câu hỏi chùm”, có thể đánh giá ngay lập tức thí sinh nằm trong nhóm năng lực thấp, trung bình hay năng lực cao.
Ở phần thứ ba của bài thi, trước đây, thí sinh được đánh giá qua 5 chủ đề đồng thời gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí với 50 câu hỏi, làm bài trong 60 phút thì năm 2025, thí sinh có nhiều lựa chọn hơn. Các em có thể lựa chọn 3 trong 5 chủ đề nêu trên, hoặc chọn phần thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, cùng với 50 câu hỏi trong 60 phút. Thay đổi này giúp phát huy sở trường khi học sinh lựa chọn môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em hơn và các trường đại học cũng có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.
Về lệ phí thi, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết các năm 2023, 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội duy trì mức lệ phí 500.000 đồng với bài thi theo chương trình THPT 2006.
Từ năm 2025 khi đề thi triển khai theo chương trình GDPT 2018, thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn hơn, ngay cả trong bài thi cũng có những phần bắt buộc và phần tự chọn khiến số lượng đề thi tăng rất nhiều. Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng điều chỉnh lại hạ tầng công nghệ thông tin, công tác tổ chức thi cũng có nhiều thay đổi để đáp ứng được kỳ thi chuẩn hóa, mang tính chất quốc tế.
Do đó, đơn vị tổ chức thi tăng lệ phí thi 100.000 đồng so với năm 2024, tức là lệ phí của kỳ thi năm 2025 cho đến thời gian tới sẽ duy trì khoảng 600.000 đồng. Con số này được tính dựa trên cơ sở tính đúng, tính đủ và đảm bảo cao nhất quyền lợi của thí sinh, cũng như đảm bảo an toàn nhất đối với công tác tổ chức khảo thí hiện nay.