Vì sao Thế giới Di Động phải 'quay xe' phát triển chuỗi nhà thuốc An Khang?
Từng đặt kỳ vọng phát triển chuỗi nhà thuốc An Khang lên đến 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2023. Ở thời điểm hiện tại, Thế giới Di Động buộc phải 'quay xe', với mục tiêu đến cuối năm 2024 cắt giảm chỉ còn 300 cửa hàng.
Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MCK: MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2024. Dữ liệu từ báo cáo cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trong các mảng kinh doanh của hệ sinh thái MWG.
Tuy nhiên, “mảng tối” lại chính là chuỗi nhà thuốc An Khang từng được kỳ vọng trở thành “gà đẻ trứng vàng” nay phải liên túc bị đóng cửa chi nhánh.
Cụ thể, ghi nhận doanh thu thuần 7 tháng đầu năm của MWG đạt 76.541 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, hoàn thành 61% kế hoạch doanh thu.
Điện máy xanh đóng góp tỉ trọng cao nhất, ở mức 46,2%, Bách hóa xanh 30,1%, Thế giới di động (bao gồm Topzone) 20,9% và cuối cùng là mảng khác.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng doanh thu của chuỗi Thế giới di động (bao gồm Topzone) và Điện máy xanh đạt 51.300 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ.
Đối với Bách hóa xanh, trong 7 tháng đầu năm 2024, chuỗi này mang về cho tập đoàn khoảng 23.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối tháng 7/2024, tập đoàn này còn 1.028 cửa hàng Thế giới di động (bao gồm Topzone), giảm 18 cửa hàng so với cuối tháng 6/2024.
Tương tự, chuỗi Điện Máy Xanh giảm 59 cửa hàng, xuống còn 2.034 cửa hàng. Ngược lại, Bách hóa xanh tăng 3 cửa hàng so với tháng trước, ở mức 1.704 cửa hàng.
Tỷ lệ giảm cao nhất thuộc về chuỗi nhà thuốc An Khang với 94 cửa hàng phải đóng cửa trong vòng 1 tháng, xuống còn 387 nhà thuốc. Nếu so với cuối tháng 2/2024, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động đã giảm 117 nhà thuốc nhưng so với cùng kỳ, tập đoàn này đã đóng cửa 150 nhà thuốc.
Việc cắt giảm số cửa hàng dường như nằm ngoài toan tính của MWG tại thời điểm thâu tóm thương hiệu nhà thuốc An Khang. Được biết, chuỗi nhà thuốc An Khang tiền thân là nhà thuốc Phúc An Khang, thành lập năm 2002. Năm 2018, MWG tiến hành mua 634.100 cổ phần, tương đương 49% vốn chuỗi Phúc An Khang với giá trị 62 tỷ đồng rồi đổi tên thành nhà thuốc An Khang. Đến tháng 11/2021, MWG thực hiện mua gần 1,3 triệu cổ phiếu với giá phí hợp nhất kinh doanh là 52,2 tỷ đồng, qua đó sở hữu 100% vốn An Khang.
Về tay MWG, chỉ trong nửa đầu năm 2022, nhà thuốc An Khang đã liên tục mở rộng quy mô từ 178 lên 510 cửa hàng. Lúc này, Tổng Giám đốc MWG, ông Đoàn Văn Hiểu Em bày tỏ sự tự tin về khả năng bành trướng của chuỗi nhà thuốc, thể hiện qua việc công bố mục tiêu cuối năm 2022 có 800 cửa hàng và nâng lên 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2023.
Chiến lược là vậy nhưng trước sức ép của thị trường, đến cuối năm 2022 số lượng nhà thuốc An Khang đã thu hẹp về 500 cửa hàng.
Vào cuối năm 2023, chuỗi nhà thuốc An Khang nổ lực tăng lên được 527 cửa hàng. Đây cũng là con số ấn tượng nhất tuy nhiên còn cách rất xa mục tiêu 2000 cửa hàng mà Tổng Giám đốc Hiểu Em mong muốn.
Cũng bắt đầu từ đây số cửa hàng An Khang liên tục bị cắt giảm. Đến cuối quý II năm 2024, chỉ còn 481 cơ sở và hiện tại là 387 cơ sở như đã đề cập.
Chưa dừng lại, MWG dự kiến giảm xuống 300 cửa hàng An Khang vào cuối năm, tương đương với việc sẽ có khoảng gần 90 nhà thuốc bị đóng cửa từ nay đến cuối năm 2024.
Lý do cho việc MWG phải “quay xe” trong chiến lược xây dựng chuỗi nhà thuốc An Khang là bởi kết quả kinh doanh thua lỗ liên tiếp. Cụ thể, sau một năm được MWG rót vốn, chuỗi nhà thuốc An Khang ghi nhận lỗ gần 6 tỷ đồng vào năm 2019 và tiếp tục lỗ 6,4 tỷ đồng vào năm 2020. Ba quý đầu năm 2021, chuỗi này đã lỗ thêm 4,5 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế lên 16,9 tỷ đồng.
Năm 2022, nhà thuốc An Khang báo lỗ đậm tới 306 tỷ đồng. Năm 2023, chuỗi nhà thuốc này báo lỗ 343 tỷ đồng. Đến nửa đầu năm 2024, An Khang tiếp tục lỗ hơn 172 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên gần 834 tỷ đồng.
Dữ liệu từ báo cáo của MWG cũng thể hiện doanh thu trung bình của nhà thuốc này là 500 triệu đồng/cửa hàng/tháng. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, để đạt điểm hòa vốn thì mỗi nhà thuốc cần đạt doanh thu 550 triệu đồng/tháng.
Có thể thấy, việc “thu không đủ bù chi” đã biến chuỗi nhà thuốc An Khang trở thành gánh nặng trong hệ sinh thái MWG và việc cắt giảm để tái cơ cấu là điều không thể khác.