Vì sao thí sinh không mặn mà với một số ngành đào tạo sức khỏe?

Khác với nhiều năm trước, năm nay khối ngành sức khỏe tuyển bổ sung thêm khá nhiều chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu khối điều dưỡng.

Theo Bộ Y tế năm 2022, Việt Nam có 148.557 điều dưỡng có chứng chỉ hành nghề; tỉ số điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ khoảng 1,8. So với quốc tế, tỉ lệ này đang khá khiêm tốn.

Khác với nhiều năm trước, năm nay khối ngành sức khỏe tuyển bổ sung thêm khá nhiều chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu khối điều dưỡng.

Khác với nhiều năm trước, năm nay khối ngành sức khỏe tuyển bổ sung thêm khá nhiều chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu khối điều dưỡng.

Trong khi đó, ghi nhận tại mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh không mấy mặn mà với ngành đào tạo này, dẫn tới tình trạng nhiều trường thiếu từ hàng chục đến hàng trăm chỉ tiêu.

Tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nếu như năm 2021 có 2.300 thí sinh có nguyện vọng nộp đơn đăng ký học ngành Điều dưỡng thì năm 2022 chỉ còn 781 thí sinh có nguyện vọng nộp đơn đăng ký học Điều dưỡng (giảm 66%).

Năm 2022, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định tuyển 910 chỉ tiêu, trong đó, 730 chỉ tiêu cho ngành Điều dưỡng, 180 chỉ tiêu cho ngành Hộ sinh. Nhưng đến thời điểm này, trường mới chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu và đang thông báo tuyển bổ sung.

Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng vừa thông báo xét tuyển đại học chính quy đợt 2 năm 2022.

Theo đó, trường xét tuyển bổ sung 223 chỉ tiêu với 3 ngành: Điều dưỡng là 145 chỉ tiêu, Kỹ thuật hình ảnh y học 36 chỉ tiêu, Kỹ thuật phục hồi chức năng 42 chỉ tiêu.

Tại Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên, mặc dù điểm chuẩn ngành Điều dưỡng ở mức 19 điểm, nhưng vẫn không tuyển đủ sinh viên.

Trường dự kiến tuyển 350 chỉ tiêu ngành Điều dưỡng, nhưng hiện nay mới tuyển được 220. Trường không có kế hoạch xét tuyển bổ sung.

Trường Đại học Y tế công cộng cũng xét tuyển bổ sung đại học chính quy năm 2022 gồm 2 ngành học Công nghệ kỹ thuật môi trường và Khoa học dữ liệu.

Trước đó, nhiều trường y trên cả nước đã thông báo xét tuyển bổ sung năm 2022 gồm khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Đại học Y khoa Vinh, Đại học Y Dược – Đại học Huế. Đa phần các trường sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng thiếu chỉ tiêu, đại diện Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cho hay, do nhiều thí sinh chưa thích ứng được với những đổi mới trong tuyển sinh.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành lọc ảo ở tất cả các phương thức, lượng lớn thí sinh đã trúng tuyển ở phương thức xét học bạ nhưng không đăng ký lên cổng thông tin của Bộ, dẫn đến mất quyền lợi.

Bên cạnh đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành Điều dưỡng là 19 điểm. Nhiều thí sinh có nguyện vọng vào trường nhưng điểm thấp hơn điểm sàn nên không được tham gia dự tuyển.

Ngoài ra, do tình trạng nhân viên y tế nói chung và điều dưỡng nói riêng bỏ việc nhiều nên ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh trong quá trình lựa chọn ngành học.

Còn theo đại diện trường Đại học Y Dược Hải Phòng, nguyên nhân một phần đến từ tác động của dịch Covid-19. Đặc thù công việc của hai ngành này rất vất vả, nguy hiểm nhưng chế độ đãi ngộ không được cải thiện khiến nhiều thí sinh chuyển hướng.

Một nguyên nhân nữa được chỉ ra là do từ năm 2022, các trường đại học Y Dược đều tăng học phí. Tuy nhiên, theo dự đoán, tình trạng sụt giảm thí sinh của năm nay chỉ diễn ra trong ngắn hạn, bởi ngành Y nói chung, đặc biệt là ngành Điều dưỡng và Y học dự phòng đều rất cần thiết, quan trọng cũng như nhiều cơ hội việc làm.

Được biết, hiện nay, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện rất đáng lo ngại. Trước đó, lãnh đạo một số sở y tế cho biết, tỉ lệ điều dưỡng, bác sĩ tại một số bệnh viện công đang có xu hướng giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chăm sóc người bệnh.

Theo khảo sát của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, một số khó khăn mà các điều dưỡng gặp phải là vẫn còn quan niệm điều dưỡng là "nghề phục vụ, thực hiện y lệnh của bác sĩ".

Điều dưỡng phải làm nhiều việc khác ngoài chuyên môn như lĩnh thuốc, lĩnh dụng cụ, đồ vải, đưa đón người bệnh đi khám, làm các thủ tục cận lâm sàng, hành chính, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế, xử lý dụng cụ đã sử dụng tại khoa…

Bên cạnh đó, đào tạo điều dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập. Chưa có điều dưỡng chuyên khoa và chuẩn thực hành điều dưỡng cho từng chuyên khoa.

Tỉ lệ người bệnh trong bệnh viện được thực hiện chăm sóc toàn diện còn hạn chế… Đầu tư ngân sách của nhà nước cho công tác điều dưỡng chưa được tính đúng tính đủ, nguồn viện trợ cho các hoạt động rất hạn chế…

Hiện tại, các chi phí khám chữa bệnh được bảo hiểm y tế thanh toán chủ yếu là phẫu thuật, thủ thuật do các bác sĩ thực hiện. Các dịch vụ do điều dưỡng cung cấp được đưa rất ít vào danh mục bảo hiểm y tế thanh toán.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vi-sao-thi-sinh-khong-man-ma-voi-mot-so-nganh-dao-tao-suc-khoe-d175540.html