Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ cản trở Thụy Điển gia nhập NATO

Con đường gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển đang gặp phải rào cản đáng kể đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.

 Thụy Điển và Phần Lan đệ đơn xin gia nhập NATO cùng ngày, nhưng giờ đây mới chỉ Phần Lan đạt được nguyện vọng. Ảnh: NATO.

Thụy Điển và Phần Lan đệ đơn xin gia nhập NATO cùng ngày, nhưng giờ đây mới chỉ Phần Lan đạt được nguyện vọng. Ảnh: NATO.

Nước láng giềng của Thụy Điển - Phần Lan - đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào ngày 4/4 sau khi đơn xin gia nhập được phê chuẩn trong thời gian ngắn kỷ lục.

Trong khi đó, các nhà phân tích dự đoán sớm nhất thì cũng phải sau cuộc bầu cử ngày 14/5 của Thổ Nhĩ Kỳ, nước này mới phê chuẩn đơn cho Thụy Điển. Và ngay cả khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vẫn có thể thay đổi quyết định, theo Reuters.

Hungary cũng nối gót Thổ Nhĩ Kỳ trong việc trì hoãn phê chuẩn.

Rào cản từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary

Bối cảnh thực tế đã thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan từ bỏ các chính sách không liên kết quân sự lâu nay.

Cả hai nước đều coi việc gia nhập NATO, với điều khoản phòng thủ tập thể, là cách tốt nhất để đảm bảo an ninh quốc gia.

Phần lớn các thành viên NATO đã nhanh chóng phê chuẩn đơn xin gia nhập của 2 nước. Họ lập luận rằng Thụy Điển và Phần Lan sẽ giúp củng cố liên minh ở vùng Baltic.

Sau những phản đối ban đầu, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan vào ngày 31/3.

Tuy nhiên, với Thụy Điển, mọi chuyện không suôn sẻ như vậy. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Thụy Điển không coi trọng những lo ngại về an ninh của Ankara và đã không tuân theo thỏa thuận đạt được ở Madrid năm 2022.

Ankara cũng đặt ra một số vấn đề mà Stockholm cần giải quyết để thúc đẩy quá trình phê duyệt.

Thụy Điển cho biết họ đã thực hiện Thỏa thuận Madrid, bao gồm luật chống khủng bố cứng rắn hơn, nhưng một số yêu cầu khác của Ankara là không thể đáp ứng.

Hungary nối gót Thổ Nhĩ Kỳ trong việc trì hoãn việc phê chuẩn, trong khi quyết định kết nạp thành viên mới của NATO phải đạt được đồng thuận từ tất cả nước thành viên.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ phản đối?

Chính quyền Thụy Điển đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm nhân quyền và các tiêu chuẩn dân chủ. Điều này khiến các chính trị gia ở Ankara khó chịu.

Ngược lại, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Stockholm chứa chấp các cá nhân mà họ coi là khủng bố và đã yêu cầu dẫn độ những phần tử này, để tiến một bước gần hơn đến việc phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển.

Trong những tuần gần đây, Ankara đã phản đối các cuộc biểu tình ở Stockholm. Trong một cuộc biểu tình, cuốn kinh Koran của người Hồi giáo bị đốt cháy và trong một sự kiện khác, hình nộm của Tổng thống Erdogan bị treo ngược.

Ankara nói rằng đây là những tội ác thù hận. Trong khi đó, Thụy Điển khẳng định sự tôn trọng với quyền tự do ngôn luận.

Ngày 14/5 tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức một cuộc bầu cử quốc gia. Đây là thách thức chính trị lớn nhất của ông Erdogan trong hai thập kỷ cầm quyền. Vấn đề NATO có thể giúp phân tán sự chú ý của cử tri khỏi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại nước này.

Nếu phe đối lập với Tổng thống Erdogan giành chiến thắng, điều này sẽ thúc đẩy cơ hội gia nhập NATO nhanh chóng của Thụy Điển.

Tại sao Hungary chưa phê duyệt đơn của Thụy Điển?

Về phía Hungary, nước này nói rằng Thụy Điển có thái độ thù địch với Budapest trong nhiều năm.

Những lời chỉ trích của Thụy Điển đối với Thủ tướng Viktor Orban về sự xói mòn của luật pháp đã khiến Hungary giận dữ.

Không giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary không có danh sách các yêu cầu, nhưng nói rằng những bất bình cần phải được giải quyết trước khi có thể phê chuẩn đơn xin gia nhập của Thụy Điển.

Triển vọng

Khi cuộc bầu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc, con đường vào NATO của Thụy Điển sẽ thông thoáng hơn. Tuy nhiên, thời điểm và tính chắc chắn của điều này không được đảm bảo.

Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ từng có những bất đồng với các đồng minh NATO, trong nhiều trường hợp, Ankara đã xuống nước.

“Những bất đồng trước đó đã được giải quyết do áp lực từ các đồng minh, đàm phán và một số nhượng bộ từ đồng minh. Tôi tin vấn đề hiện tại có thể được giải quyết theo cách tương tự", ông Paul Levin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Stockholm nói.

Sau bầu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ, một sự chuyển biến có thể sẽ diễn ra. Hoặc cũng có thể ông Erdogan sẽ muốn thấy Thụy Điển chứng tỏ thêm rằng họ đã lắng nghe những lo ngại về an ninh của Ankara.

"Trong trường hợp đó, quá trình phê duyệt có thể kéo dài thêm vài tháng”, ông Levin nói.

"Mọi chuyện rất khó đoán”.

An ninh Thụy Điển có bị ảnh hưởng?

Thụy Điển cho biết vị thế an ninh của họ hiện tốt hơn so với trước khi xin gia nhập NATO. Thụy Điển đã nhận được sự đảm bảo hỗ trợ an ninh từ các quốc gia bao gồm Mỹ, Anh và Đức.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng không thể tưởng tượng việc liên minh sẽ không hỗ trợ Thụy Điển nếu nước này bị đe dọa.

Thụy Điển đã hợp tác chặt chẽ với NATO và đang tiến hành các biện pháp hội nhập vào tổ chức. Thụy Điển có lực lượng không quân mạnh và hạm đội tàu ngầm phù hợp với điều kiện ở Biển Baltic, có thể giúp tăng cường hiện diện cho NATO trong khu vực.

Lê Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-tho-nhi-ky-can-tro-thuy-dien-gia-nhap-nato-post1418736.html