Vì sao thời gian là tài sản quý giá nhất của chúng ta?

Thời gian là không thể tái tạo, không thể thương lượng mặc cả, và chúng ta không thể lấy lại được khi thời gian đã trôi qua.

Thời gian là tài sản quý báu nhất của chúng ta.

Thời gian là không thể tái tạo, không thể thương lượng mặc cả, và chúng ta không thể lấy lại được khi thời gian đã trôi qua. Do đó, một lẽ tự nhiên khi chúng ta dành thời gian cho việc gì đó, thì sẽ mong đợi nhận lại một phần thưởng. Khi bạn dành thời gian làm việc, bạn chờ đợi được trả tiền. Khi bạn rửa những bát đĩa trong căng-tin, bạn mong đợi một bữa ăn. Đó là một quy luật bất thành văn, là sự cân bằng giữa cho và nhận. Chào mừng bạn đến với Luật có đi có lại.

Hiếm khi người ta làm điều gì đó mà không mong muốn nhận lại bất cứ thứ gì. Tại sao vậy? Bởi họ đang đầu tư nguồn tài nguyên không tái tạo có giá trị nhất của họ - thời gian. Khi chúng ta đầu tư thời gian của mình vào việc gì đó, chúng ta mong đợi nhận được thứ gì đó từ việc này. Tương tự như vậy, khi người khác dành thời gian của họ cho chúng ta, chúng ta hầu như cảm thấy có một sự thôi thúc cần phải đáp lại theo bản năng.

 Ảnh minh họa. Nguồn: BBC Sky.

Ảnh minh họa. Nguồn: BBC Sky.

Bạn có bao giờ thấy mình đang tham gia vào trò khen qua khen lại lẫn nhau chưa? Có người khen bạn là, “Tóc của cô trông thật mượt mà, trang nhã". Hầu như theo phản xạ, bạn sẽ bắt đầu nhìn lại họ để đáp lại lời khen, “Ồ, còn tôi thì thật sự rất thích chiếc váy của bạn”. Tất nhiên, đây chỉ là một cuộc trao đổi lời khen quy mô nhỏ, nhưng nó phản ánh rõ rệt Luật có đi có lại trong thực tế.

Các nhà tâm lý học xã hội định nghĩa quy luật này là sự thôi thúc nội tại muốn đền đáp khi ai đó làm gì cho bạn. Đôi khi bạn thậm chí cảm thấy buộc phải khuếch đại phản ứng của mình - ai đó cho bạn một chiếc bánh nướng xốp và sau đó bạn trả lại người đó tới hai chiếc. Một số người sẽ kháng cự lại sự thôi thúc này, nhưng nó thường mang lại cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ.

Luật có đi có lại cũng có thể phát triển theo hướng tiêu cực. Theo cách nói thông thường, chúng ta gọi đó là sự trả thù. Đó là một sự thôi thúc tâm lý tự nhiên - dù kết quả tốt hay xấu. Tuy nhiên, trong xã hội văn minh, chúng ta nhắm đến việc ngăn chặn bản năng này.

Trong khi Bộ luật Hammurabi, được viết vào năm 1754 trước Công nguyên bởi vị vua thứ sáu của Babylon, Hammurabi, đã tích cực đề xuất nguyên tắc “mắt đền mắt, răng đền răng” thì Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, Phật giáo và các truyền thống tín ngưỡng khác lại đề xuất cách trả đũa khác. Họ truyền bá sự thông thái của lòng nhân từ, “chìa bên má còn lại ra”.

Hay như một câu nói của người Philippines, nếu ai đó ném một hòn đá vào bạn, hãy ném lại, nhưng nhớ thay đá bằng bánh mỳ”. Đã có một sự thay đổi trong quan niệm về tính có đi có lại tiêu cực qua nhiều thế kỷ.

Tuy nhiên, ở một vài nền văn hóa, khái niệm “trả thù” còn tồn tại khá phổ biến. Nói chung, sự có đi có lại tích cực được khuyến khích để nuôi dưỡng một tâm trí có kỷ luật, trong khi sự đáp lại tiêu cực thì không được khuyến khích.

Luật có đi có lại có thể được sử dụng để thao túng tâm lý. Một số người có thể thấm đẫm bạn bằng những lời khen ngợi và đưa ra những đặc ân không mong muốn, nhằm mục đích tận dụng sự thôi thúc bản năng đáp lại của bạn. Hãy nhận biết điều này và lắng nghe trực giác của bạn khi cảm thấy có ai đó tiếp cận mình một cách không thật lòng:

◊ Những lợi ích và hạn chế tiềm ẩn đối với tôi là gì? Và đối với họ?
◊ Cảm giác cân bằng giữa cho và nhận như thế nào? Tôi có thoải mái với điều đó không?
◊ Liệu có thể có động cơ nào ẩn giấu phía sau những hành động của người này không?

Nếu bạn hài lòng với cuộc trao đổi giữa cho và nhận, thì sự tương tác theo kiểu có đi có lại có thể mang tính đôi bên cùng có lợi. Nếu bạn cảm thấy bạn đang nhận về phần thiệt hơn hay bị bất công, hãy đưa ra một quyết định có cơ sở sáng suốt với nhận định này.

Hãy luôn nhớ rằng thời gian của bạn là tài sản có chi phí cơ hội quý giá nhất. Phải bảo vệ nó một cách khôn ngoan.

Dù sao thì cơ hội đắt giá đến mức nào? Làm thế nào chúng ta có thể đưa ra quyết định có giá trị tốt nhất xét trên phương diện giá trị thời gian của mình?

Mark Manson suy ngẫm, “Điều gì sẽ xảy ra nếu giải pháp là đơn giản chấp nhận những tiềm năng hữu hạn của chúng ta, xu hướng đáng tiếc của con người là chỉ sống được ở duy nhất một nơi trong không - thời gian? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta nhận ra được những giới hạn không thể tránh được của cuộc đời và rồi ưu tiên những gì chúng ta quan tâm dựa trên những giới hạn đó?”

Những người hay phàn nàn về công việc của mình, sự thiếu thốn thời gian, sự đình trệ, và thiếu định hướng thường không biết được đâu là những điều ưu tiên thực sự trong cuộc sống của họ.

Còn bạn có biết những điều ưu tiên của mình là gì không? Mục tiêu lớn lao nhất trong cuộc đời bạn là gì? Bạn sẵn sàng hy sinh những gì để đạt được điều đó? Bạn đặt giới hạn ở đâu? Chẳng có một câu trả lời đúng hay sai nào cho những câu hỏi này cả. Hãy tìm ra mục tiêu lớn lao quan trọng nhất đối với bạn và dồn thời gian cũng như công sức cho nó.

Có lẽ bạn là người cân bằng giữa giá trị của gia đình và sự nghiệp. Chẳng có gì sai với điều đó cả. Như chúng ta đã khẳng định, bạn có thể đạt được những mục tiêu khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Mặc dù bạn không thể có được mọi thứ cùng một lúc, bạn sẽ luôn có một thứ gì đó. Hãy nhớ đến El-Erian.

Zoe Mckey/Bách Việt Books - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-thoi-gian-la-tai-san-quy-gia-nhat-cua-chung-ta-post1527734.html