Vì sao Tiền Giang dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công?

Kết thúc quý I-2023, Tiền Giang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông đã có những chia sẻ với Báo Ấp Bắc về kết quả này cũng như giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Thông.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Thông.

* Phóng viên (PV): Trước hết, xin đồng chí cho biết tổng nguồn vốn đầu tư công trong năm 2023 của tỉnh là bao nhiêu? Từ nguồn vốn này, tỉnh đã bố trí triển khai bao nhiêu công trình?

* Đồng chí Nguyễn Đình Thông: Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh với nguồn vốn 5.295 tỷ đồng (tăng 340 tỷ đồng so với quyết định Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 3.463 tỷ đồng, chiếm 65,4%; vốn ngân sách Trung ương là 1.832 tỷ đồng, chiếm 34,6%.

Từ nguồn vốn này, tỉnh phân bổ cho 271 công trình, dự án. Cụ thể, tỉnh tập trung bố trí vốn cho 184 dự án chuyển tiếp và 87 dự án khởi công mới. Việc bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, bám vào điểm đột phá và mục tiêu đặt ra, không dàn trải.

Năm 2023, tỉnh tiếp tục bố trí vốn tập trung thực hiện các điểm đột phá, lĩnh vực trọng điểm đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 như: Giao thông, giáo dục, y tế; đầu tư xây dựng huyện/xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao. Trong đó, năm 2023, tỉnh dự kiến sẽ đầu tư ra mắt 2 huyện NTM là Cái Bè và Châu Thành.

* PV: Những năm qua, Tiền Giang luôn nằm trong nhóm đầu của cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2023, Tiền Giang đang là địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân cao, kết quả này có được là do đâu?

* Đồng chí Nguyễn Đình Thông: Nhờ triển khai thực hiện nhiều giải pháp, công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong những năm gần đây đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh đạt 100%, kể cả vốn chương trình mục tiêu quốc gia được giao ngay giữa năm.

Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công của tỉnh đứng đầu cả nước theo số liệu ước thực hiện quý I-2023 của Bộ Tài chính. Đến ngày 31-3-2023, tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 là 31,1% kế hoạch, cao nhất cả nước và cao hơn cùng kỳ 2022 (23,8%). Điều này góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác trong điều kiện đang gặp khó khăn về chi phí, lãi suất ở mức cao, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn...

Để đạt được kết quả này, giải pháp của tỉnh thực hiện các năm qua là tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư. Thực hiện Luật Đầu tư công 2019, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau ngay kỳ họp giữa năm. Trên cơ sở đó, các sở, ngành và địa phương tập trung công tác chuẩn bị đầu tư.

Điều này nhằm tới tháng 10, 11, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh chính thức về kế hoạch đầu tư công năm sau thì thủ tục đầu tư đã chuẩn bị cơ bản. Song song đó, tỉnh còn nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư về chủ trương đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công... Một trong những giải pháp quan trọng là giao kế hoạch sớm cho các sở, ngành và địa phương.

Công trình cầu Vàm Giồng (huyện Gò Công Tây) trên đường tỉnh 864 nối dài vừa triển khai thi công.

Công trình cầu Vàm Giồng (huyện Gò Công Tây) trên đường tỉnh 864 nối dài vừa triển khai thi công.

Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai và giao kế hoạch đầu tư công từ đầu tháng 12 của năm trước ngay sau khi HĐND tỉnh họp thông qua để các địa phương thông qua họp HĐND cấp mình và tổ chức thi công ngay từ những tháng mùa khô đầu năm. Song song đó, tỉnh còn chú trọng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Tiền Giang, khó khăn hiện nay trong triển khai các công trình đầu tư công là công tác GPMB, nhất là giá đất cụ thể bồi thường tăng cao và tăng so với dự án được duyệt, phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư... Các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn như: Cầu Rạch Miễu 2, Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1... gặp khó khăn do chi phí GPMB tăng, tăng tổng mức đầu tư thực hiện công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án... ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Mặt khác, nhu cầu đầu tư là rất lớn nhưng nguồn vốn có hạn, nhất là nhu cầu đầu tư các dự án sạt lở bờ biển, bờ sông; các dự án giao thông có quy mô lớn.

Với việc có quyết định đầu tư trước, trong năm trước, các địa phương có thể đề xuất Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh ứng vốn từ Quỹ Phát triển đất để thực hiện công tác GPMB nhằm có mặt bằng sạch triển khai thi công. UBND tỉnh cũng thành lập các ban chỉ đạo để tập trung GPMB các dự án trọng điểm như: Đường tỉnh 864 (tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng) nhằm thường xuyên kiểm tra tháo gỡ cụ thể về công tác GPMP...

Tiền Giang còn phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc các dự án trọng điểm của tỉnh, nhất là các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung công tác giải ngân vốn. Hằng tuần, Sở KH&ĐT phối hợp Kho bạc Nhà nước, ngành Tài chính theo dõi giải ngân cụ thể từng công trình, dự án để tìm hiểu, phối hợp có giải pháp tháo gỡ; tham mưu UBND tỉnh điều chuyển vốn giữa các công trình, dự án có khối lượng, nhu cầu giải ngân thấp sang dự án có khối lượng, nhu cầu giải ngân cao...

Ngoài ra, một giải pháp quan trọng là chú trọng công tác lựa chọn nhà đầu, kiểm tra, giám sát. Bên cạnh việc giải ngân vốn, tỉnh đặc biệt quan tâm chất lượng công trình, dự án, đây là vấn đề đặt lên hàng đầu. UBND tỉnh đã ban hành văn bản nâng thời gian bảo hành của các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh theo cấp loại công trình.

* PV: Để phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2023, trong thời gian tới, Sở KH&ĐT có những kế hoạch, giải pháp gì?

* Đồng chí Nguyễn Đình Thông: Năm 2023, tỉnh phấn đấu giải ngân 100% vốn vào cuối tháng 12-2023 (trước 1 tháng so với quy định, nhất là nguồn vốn ngân sách địa phương). Để đạt được mục tiêu này, giải pháp mà tỉnh đưa ra là giao vốn sớm cho các sở, ngành và địa phương. Đồng thời, tập trung cho công tác GPMB; tháo gỡ khó khăn, đôn đốc từng dự án liên quan đến công tác GPMB, điều chuyển vốn giữa các công trình có khối lượng giải ngân thấp sang các công trình có khối lượng, nhu cầu giải ngân cao. Đặc biệt, Sở KH&ĐT sẽ tiếp tục theo dõi các dự án, nhất là các công trình trọng điểm; phân công cán bộ theo dõi từng chủ đầu tư trong triển khai các công trình để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Nếu ngoài thẩm quyền thì ngành sẽ kịp thời báo cáo UBND tỉnh có giải pháp triển khai thực hiện giải ngân vốn nhanh.

Về công tác nghiệm thu, thanh toán, thực hiện nghiệm thu, thanh toán vốn với Kho bạc Nhà nước ngay khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư công, nhất là các dự án có sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

ANH THƯ (thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phong-van-doi-thoai/202304/vi-sao-tien-giang-dan-dau-ca-nuoc-ve-giai-ngan-von-dau-tu-cong-975377/