Vì sao tín dụng tăng nhanh có thể mang đến rủi ro tiềm ẩn?

Tín dụng tăng trưởng mạnh có thể đem đến một số thách thức, khi vốn cho nền kinh tế đang phục thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng.

Các ngân hàng cần điều chỉnh lãi suất và thời gian hưởng lãi suất để thu hút người vay. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Các ngân hàng cần điều chỉnh lãi suất và thời gian hưởng lãi suất để thu hút người vay. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Cuối năm, các ngân hàng đồng loạt tung ra nhiều gói cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm kích cầu tín dụng. Không chỉ cung cấp nguồn vốn giá rẻ, nhiều ngân hàng còn đưa ra những giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng như cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền… để đưa vốn ra nền kinh tế. Tín dụng theo đó cũng có xu hướng hồi phục mạnh trong những tháng cuối năm. Tuy vậy, tín dụng tăng trưởng mạnh có thể đem đến một số thách thức, khi vốn cho nền kinh tế đang phục thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng.

Tín dụng bất ngờ hồi phục mạnh

Theo nhận định của các doanh nghiệp, chưa bao giờ dòng vốn lại rẻ và dễ tiếp cận như hiện nay. Chỉ cần các hộ kinh doanh, doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, có phương án kinh doanh khả thi sẽ được các ngân hàng chào mời vay vốn với mức lãi suất rất ưu đãi, từ 5 - 6%/năm.

Thậm chí, với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp còn có thể tiếp cận vốn với lãi suất thấp hơn, chỉ từ 3%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn.

Yếu tố mặt bằng lãi vay duy trì ở mức thấp cũng là một trong những nguyên nhân giúp tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phục hồi tích cực trong thời gian gần đây.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 11/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 3.828 nghìn tỷ đồng, tăng 1,14% so với tháng trước; tăng 8,1% so với cuối năm 2023 và tăng 12,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, dư nợ tín dụng ngoại tệ trên địa bàn đã tăng trưởng dương trở lại trong tháng 10 và tháng 11/2024, riêng tháng 11/2024 ghi nhận tăng tới 3,14%.

Ông Lệnh cho rằng, diễn biến tăng trưởng tín dụng của TP Hồ Chí Minh trong những tháng gần đây phù hợp với xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế; trong đó, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ và tiêu dùng tăng, trở thành yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong tháng cuối cùng của năm.

Đặc biệt, việc lãi suất cho vay thấp cùng với việc giải ngân các gói tín dụng ưu đãi và các chương trình tín dụng được tổ chức thực hiện thông qua chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp có hiệu quả đã tác động đến tích cực đến tăng trưởng tín dụng TP Hồ Chí Minh trong năm nay.

“Thông thường, các tháng cuối năm khả năng hấp thụ vốn tốt hơn, do tổng cầu tăng, các hoạt động kinh tế phục vụ dịp lễ, tết thường có nhu cầu vốn ngắn hạn, vòng quay nhanh và hiệu quả. Vì vậy, nhu cầu vốn tín dụng cũng tăng nhanh và sử dụng vốn hiệu quả hơn. Đây là yếu tố bản chất, mang tính quy luật và có yếu tố thời vụ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng”, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.

Với diễn biến trên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh nhận định tín dụng trên địa bàn sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hai con số khi kết thúc năm kế hoạch, phù hợp với với mức tăng trưởng GRDP của thành phố dự kiến là 7,17% trong năm 2024.

Tình hình tăng trưởng tín dụng ở TP Hồ Chí Minh phần nào diễn biến theo xu hướng chung của ngành ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn nhiều so với mức tăng trên 9% ở cùng kỳ năm 2023 với động lực chính tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, việc tăng trưởng tín dụng năm nay cao hơn nhiều so với cùng kỳ chứng tỏ khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong năm nay tốt hơn nhiều.

Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng năm nay cũng rải đều hơn, không quá dồn dập vào 2 tháng cuối năm như năm ngoái. Đáng chú ý, tín dụng tháng 11/2024 đã tăng 14-15% so với cùng kỳ, đây được xem là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong khu vực.

Cẩn trọng với rủi ro tiềm ẩn

Tín dụng tăng nhanh trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước có sự điều chỉnh mới trong điều hành tín dụng. Năm 2024 là năm đầu tiên Ngân hàng Nhà nước phân bổ hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm, với tổng mức tăng của toàn hệ thống nằm trong mục tiêu 15%, thay vì nhiều lần như trước.

Nhờ điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hai lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng vào tháng 8 và tháng 11 để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với diễn biến tăng trưởng tín dụng hiện nay, nhiều chuyên gia đánh giá mục tiêu tăng trưởng 15% vào cuối năm 2024 rất khả thi. Tuy nhiên, con số tăng trưởng tín dụng cao không phải hoàn toàn là “màu hồng”.

Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, mục tiêu tăng trưởng tín dụng có thể đang vượt qua nhu cầu thực tế của nền kinh tế.

“Nếu GDP tăng trưởng 7%, lạm phát 3% thì tăng trưởng GDP danh nghĩa 10%. Nhu cầu tín dụng theo đó cũng chỉ cần 10%. Việc tín dụng tăng trưởng 15% trong năm nay là vừa để thúc đẩy tăng trưởng, vừa giúp giải quyết các khó khăn tài chính của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục, rủi ro lại tiềm ẩn”, vị chuyên gia cảnh báo.

Trên thực tế, một số định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), IMF, ADB… cũng đã cảnh báo tình trạng dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức cao. Việc nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng và kinh tế vĩ mô.

Vấn đề này một lần nữa cũng được mổ xẻ tại phiên chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại kỳ họp 8 của Quốc hội vào tháng 11/2024.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh đang phụ thuộc rất lớn vào tín dụng của hệ thống ngân hàng, khi chỉ số dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã đạt hơn 120% GDP. Do đó, trong tổ chức điều hành về tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã hết sức cân nhắc.

Bước sang năm 2025, mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5 - 7%, phấn đấu 7 - 7,5%. Điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng tín dụng cho năm sau cũng sẽ phải duy trì ở mức cao.

Trong khi đó, nội tại ngành ngân hàng đang phải đối mặt với rủi ro nợ xấu cao, áp lực thanh khoản do chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động... Dù hệ thống ngân hàng đã đẩy mạnh cơ cấu, nhiều ngân hàng đã áp dụng tiêu chuẩn Basel II và một số đang tiến tới Basel III, nhưng thực tế sự phát triển này chưa đồng đều. Nếu tín dụng tăng quá nhanh có thể tạo áp lực lớn đến lạm phát và mặt bằng lãi suất, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Chưa kể, thị trường tài chính toàn cầu năm 2025 được dự báo có nhiều biến động khó lường, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế phát triển... có thể gây áp lực lên chính sách tiền tệ thời gian tới.

Những điều này đặt ra yêu cầu chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế phải đi đôi với thận trọng, bảo đảm chất lượng tín dụng, không để dòng vốn đi chệch hướng. Bên cạnh đó, câu chuyện thúc đẩy dòng vốn dài hạn cho nền kinh tế cần được nghiêm túc nhìn nhận kĩ hơn.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, tín dụng đã tăng cao, vì vậy việc thúc đẩy dòng vốn ra nền kinh tế cần phải được thực hiện đồng bộ hơn trong năm 2025; trong đó cần đặc biệt quan tâm đến kênh trái phiếu doanh nghiệp để giải quyết vốn dài hạn cho doanh nghiệp và người dân.

Các chuyên gia cho rằng, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt hơn để thúc đẩy các kênh dẫn vốn dài hạn như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu phát triển; đồng thời đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần đa dạng các kênh huy động vốn. Những giải pháp này sẽ góp phần giảm gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế ở kênh tín dụng ngân hàng trong thời gian tới.

Hứa Chung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tai-chinh-ngan-hang/vi-sao-tin-dung-tang-nhanh-co-the-mang-den-rui-ro-tiem-an-20241219153801225.htm