Vì sao tín dụng tăng thấp nhất 3 năm

Tăng trưởng tín dụng quý I năm nay ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua, một phần do nhu cầu vốn trên thị trường chưa hồi phục, mặt khác doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi vay.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 28/3, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 2,06% so với cuối năm 2022. Mức tăng trưởng này đã giảm hơn một nửa so với cùng kỳ và là con số thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Điều đáng nói, kết quả này diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho các ngân hàng thương mại năm 2022, các nhà băng cũng cho biết các hoạt động cho vay đã trở lại bình thường.

Nhu cầu tín dụng đi xuống

Trao đổi với Zing, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhìn nhận đây là mức tăng trưởng thấp nhưng dễ hiểu.

Một mặt, tình hình sản xuất kinh doanh ở hầu hết ngành nghề còn nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp buộc phải co cụm lại, không có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Số khác còn duy trì hoạt động thì cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn vay để mở rộng đầu tư bởi kinh tế chung chưa hồi phục.

Mặt khác, ông đánh giá lãi suất dù đã và đang giảm nhưng vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi quyết định vay vốn đầu tư.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, cho biết tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32%, thấp ngang với thời điểm Covid-19 bùng nổ năm 2020.

Hầu hết lĩnh vực trọng điểm đều suy giảm trầm trọng, thậm chí, công nghiệp chế biến chế tạo hay sản xuất và phân phối điện nước còn ghi nhận tăng trưởng âm. Lần đầu tiên, số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Theo ông Quang, GDP giảm tương tự giai đoạn đại dịch như vậy thì nhu cầu tín dụng đương nhiên thấp. Trong lúc này, ông khẳng định thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn rất dồi dào.

Room tín dụng không phải là vấn đề lúc này. Câu chuyện tín dụng tăng thấp lúc này là điều kiện vay vốn, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp không cao.

Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú

“Cầu tín dụng nền kinh tế suy giảm, dẫn đến hệ thống ngân hàng khó đẩy tín dụng cao mặc dù thanh khoản dư thừa lớn.

Không thể nói ngân hàng không muốn tăng trưởng tín dụng lúc này, tuy nhiên cầu tín dụng đang rất thấp khiến ngân hàng khó đẩy vốn ra”, ông Phạm Chí Quang chia sẻ.

Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I mới đây, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh tăng trưởng tín dụng hiện tại không bị ảnh hưởng bởi room tín dụng mà chủ yếu đến từ nhu cầu vốn của các doanh nghiệp.

"Room tín dụng không phải là vấn đề lúc này. Hiện câu chuyện tín dụng tăng thấp lúc này là điều kiện vay vốn, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp không cao”, Phó thống đốc nhấn mạnh.

Lãi suất vẫn cao, doanh nghiệp vẫn khó vay

Tuy nhiên, từ phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng nhu cầu vay vốn vẫn có nhưng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Với nhóm doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự trong bối cảnh tồn kho tăng, thanh khoản giảm, ông cho rằng NHNN nên có chính sách hỗ trợ dòng vốn lưu động theo hình thức tín chấp hoặc thế chấp hàng tồn kho.

Còn với nhóm doanh nghiệp vẫn muốn vay đầu tư và phát triển dài hạn 7-10 năm, ông nhấn mạnh không đơn vị nào dám vay với lãi suất trên 10%/năm như hiện nay.

Lãi suất tăng rất mạnh thời gian qua và hiện vẫn ở mức rất cao. Chi phí lãi vay gần như ăn mòn hết lợi nhuận.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh

Nói với Zing, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, cho biết năm 2021, doanh nghiệp vay tiền USD với lãi suất chỉ 2,3%/năm, nhưng đến 2022 đã tăng lên mức 6,5%/năm và đến tháng 3 vừa qua đã vọt lên 8%/năm.

"Lãi suất vay tiền VND cũng tăng rất mạnh thời gian qua và hiện vẫn ở mức rất cao. Chi phí lãi vay gần như ăn mòn hết lợi nhuận", ông Thông nói thêm.

Trong khi đó, bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại Mebipha, cho biết lãi suất đã bắt đầu hạ nhiệt từ giữa tháng 3. Công ty bà đang vay ở một ngân hàng quốc doanh với lãi suất được giảm từ 9,2%/năm về 9%/năm. Chi phí này là có thể chấp nhận được do đơn vị vẫn đang hoạt động khá ổn định.

Tuy nhiên, qua trò chuyện với các doanh nghiệp cùng thuộc HUBA, bà nhận thấy không nhiều đơn vị có thể đáp ứng được các điều kiện vay vốn ở ngân hàng quốc doanh. Do đó, họ thường phải vay từ các ngân hàng tư nhân khác với lãi suất hiện khoảng 11,2-13%/năm, dù đã giảm so với mức 15-16%/năm cách đây vài tháng nhưng vẫn là con số lớn.

"Một năm làm sao chúng tôi lãi được 20% mà lãi vay đã lên đến 13%. Thực ra chỉ cần lãi suất trên 10%/năm là đã rất chật vật", bà Ái chia sẻ.

 Hoạt động kinh doanh gặp khó trong khi lãi vay ở mức cao khiến doanh nghiệp chật vật. Ảnh: Quỳnh Danh.

Hoạt động kinh doanh gặp khó trong khi lãi vay ở mức cao khiến doanh nghiệp chật vật. Ảnh: Quỳnh Danh.

Với số ít doanh nghiệp còn duy trì được như Mebipha, bà cho biết vấn đề lại nằm ở hạn mức tín dụng. Bà kể năm 2012 sau khi xây nhà xưởng trên một miếng đất thuê từ khu công nghiệp với vốn đầu tư 96 tỷ đồng, bà có nhu cầu vay 40 tỷ đồng từ ngân hàng nên đã thế chấp tài sản.

Khi đó, ngân hàng cũng chỉ định giá nhà xưởng, máy móc thiết bị, tức tài sản nằm trên miếng đất này, cộng với các sổ đỏ gia đình bà cho mượn. Riêng khu đất được định giá 0 đồng. Nhưng do khối tài sản thế chấp đã đủ để đảm bảo cho khoản vay 40 tỷ nên bà không quá chú ý.

Đầu năm nay khi cơ cấu lại khoản vay, làm lại hạn mức, nhà xưởng và máy móc bị ngân hàng giảm định giá theo khấu hao, bà mới chú ý đến định giá khu đất này. Hiện hạn mức vay của doanh nghiệp bà đã giảm một nửa so với 10 năm trước dù giá đất nơi này đã tăng vọt.

Theo bà, đây là vấn đề với hầu hết doanh nghiệp thuê đất tại các khu công nghiệp hiện nay. Đa phần doanh nghiệp phải trả tiền thuê một lần, nhưng giấy tờ thể hiện "đất thuê hàng năm" nên không thể cầm cố vay vốn theo quy định tại Luật Đất đai.

"Nếu không giải quyết vấn đề này thì những doanh nghiệp vừa và nhỏ như tôi dù vào năm 2020 hay 2050 cũng sẽ gặp chung vướng mắc. Việc vay vốn ngân hàng vì vậy cũng rất khó khăn", bà nhìn nhận.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, từng nhấn mạnh vấn đề nào thuộc về cơ chế, chính sách thì sẽ ghi nhận và kiến nghị lên Chính phủ để tháo gỡ cùng doanh nghiệp. Còn nếu cán bộ ngân hàng nhũng nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian của doanh nghiệp, NHNN sẽ nghiêm khắc xử lý.

Nhìn về triển vọng thời gian tới, TS Cấn Văn Lực bày tỏ kỳ vọng khi tình hình kinh tế chung khởi sắc trở lại từ cuối quý II, đầu quý III và mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, tăng trưởng tín dụng có thể lên mức cao hơn. Đồng thời, ông cho rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khi được triển khai cũng sẽ là động lực tích cực.

Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng khẳng định tuy tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm, nhưng NHNN vẫn tính toán tín dụng trong năm nay tăng khoảng 14-15%.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-tin-dung-tang-thap-nhat-3-nam-post1419579.html