Vì sao tình báo Hàn Quốc khẳng định chắc nịch 'ông Kim Jong-un không mổ tim'?
Cơ quan tình báo Hàn Quốc khẳng định ông Kim Jong-un không gặp vấn đề về tim mạch. Bởi ngay cả một thủ thuật mổ tim đơn giản cũng sẽ mất từ 4 đến 5 tuần để phục hồi.
Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) Hàn Quốc hôm nay, 6/5, cho biết Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã xuất hiện trước công chúng tổng cộng 17 lần kể từ đầu năm 2020.
Đây là con số thấp nhất từ trước đến nay, giảm 66% so với cùng kì năm ngoái.
Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này, theo NIS, là do ông Kim chủ yếu tập trung vào các vấn đề trong nước, và do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, NIS cũng khẳng định ông Kim Jong-un không gặp vấn đề về tim mạch. Bởi ngay cả một thủ thuật mổ tim đơn giản cũng sẽ mất từ 4 đến 5 tuần để phục hồi.
KCNA đưa tin Chủ tịch Kim hôm 1/5 “tái xuất” sau 20 ngày không xuất hiện trước công chúng. Báo giới phương Tây đưa tin ông có thể bị bệnh nặng hoặc vừa phẫu thuật.
Trước đó, ông xuất hiện lần cuối trong một cuộc họp ngày 11/4, và vắng mặt trong sự kiện thường niên kỉ niệm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Il-sung (15/4).
“Dù Chủ tịch Kim không xuất hiện trước công chúng, thì ông ấy vẫn quản lý các vấn đề của nhà nước như bình thường”, NIS nhận định.
Đáng chú ý, cơ quan tình báo Hàn Quốc không loại trừ khả năng dịch COVID-19 đã bùng phát ở Triều Tiên.
Đến thời điểm này, Bình Nhưỡng vẫn tuyên bố chưa có ca COVID-19 nào được ghi nhận tại Triều Tiên.
“Tuy nhiên, do đã có rất nhiều người qua lại biên giới Trung Quốc - Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng tuyên bố đóng cửa biên giới vào tháng Một, nên chúng tôi không loại trừ khả năng dịch COVID-19 đã bùng phát ở Triều Tiên”, NIS lưu ý.
Nền kinh tế Triều Tiên được cho là đang gặp nhiều khó khăn. Giá gia vị và đường tăng vọt khiến người dân Triều Tiên phải tăng cường tích trữ nhu yếu phẩm.
NIS cho biết không phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cho thấy Triều Tiên tái khởi động cơ sở hạt nhân Yongbyon kể từ khi cơ sở này dừng hoạt động vào cuối năm 2018.
“Cả bãi thử hạt nhân Punggyeri (hiện đã bị phá hủy) và bãi phóng tên lửa Dongchang-ri cũng không có dấu hiệu bất thường”.
NIS nói thêm rằng Triều Tiên đã khôi phục việc sử dụng đồng đô la Mỹ để thanh toán quốc tế.
Trước đó, đầu những năm 2000, Triều Tiên đã chọn đồng euro làm đơn vị tiền tệ chính để thanh toán quốc tế trong bối cảnh Mỹ tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng, còn Bình Nhưỡng lại tăng cường giao thương với châu Âu.