Vì sao TMT toan tính mở trạm sạc phục vụ tất cả các hãng xe điện?

TMT lập công ty con kinh doanh trạm sạc, phục vụ xe do công ty tự sản xuất, đồng thời phục vụ các hãng xe khác có nhu cầu. Tuy nhiên bài toán trạm sạc cần số vốn lớn, hàng trăm triệu USD.

Công ty cổ phần Ô tô TMT lên kế hoạch từ nay đến năm 2030 đầu tư tối thiểu 30.000 trạm sạc khắp cả nước (60.000 súng sạc) theo tiêu chuẩn châu Âu (CCS2).

Các trạm sạc có công suất từ 7kW trở lên, phục vụ cho cả khách hàng cá nhân và các hãng taxi với nhiều quy mô đội xe khác nhau.

Bên cạnh việc tự đầu tư, TMT sẽ hợp tác với đối tác trong và ngoài nước để sản xuất trạm sạc áp dụng công nghệ tiên tiến, theo tờ trình của TMT với đại hội cổ đông.

TMT lên kế hoạch từ nay đến năm 2030 đầu tư tối thiểu 30.000 trạm sạc khắp cả nước.

TMT lên kế hoạch từ nay đến năm 2030 đầu tư tối thiểu 30.000 trạm sạc khắp cả nước.

Lãnh đạo công ty cho biết đã bước đầu kết nối với một số nhà cung cấp trạm sạc uy tín để triển khai kế hoạch này.

Vì sao TMT đặt ra bài toán làm trạm sạc, sau gần 2 năm sản xuất kinh doanh xe điện?

Trong năm 2023, TMT đã bán được 591 xe điện và con số này tăng lên 1.358 xe trong năm 2024.

Theo một lãnh đạo đại lý, doanh số nói trên là thấp đối với một nhà sản xuất. Nguyên nhân có thể đến từ mạng lưới trạm sạc.

Còn bản thân mẫu xe điện mà TMT làm ra, vốn là mẫu xe bán chạy hàng đầu ở Trung Quốc trong nhiều năm, nhờ giá rẻ.

Do vậy, phần lớn sản lượng xe làm ra phục vụ cho các hãng taxi như Let’s Go Taxi và TOGO Group, là những đơn vị có thể thiết lập trạm sạc tập trung.

Người tiêu dùng phổ thông sẽ quay lưng nếu xe điện không có chỗ để sạc.

Theo VinFast, đến cuối năm 2024 hãng này mở được 150.000 cổng sạc đa dạng công suất trải khắp cả nước, từ các trụ sạc chậm AC 11 kW cho đến những trụ sạc siêu nhanh DC 250 kW.

VinFast cho biết khoảng cách tối đa giữa 2 trạm sạc trên cao tốc, quốc lộ/tỉnh lộ là 65km, còn trong khu vực nội đô là 3,5km.

Đầu năm nay, VinFast bắt đầu triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền, như hệ thống sạc Vasia triển khai ở Bắc Ninh, hoặc hợp tác với Saigon Co.op lắp đặt trụ sạc cho ô tô điện và xe máy điện tại các địa điểm kinh doanh bán lẻ.

Lãnh đạo VinFast từng tiết lộ, con số họ đã đầu tư cho hệ thống trạm sạc từ 500 - 700 triệu USD (13 - 18 nghìn tỷ đồng), chưa tính chi phí điện năng để cấp cho trạm sạc.

Vì vậy, mục tiêu của TMT đặt ra dù nhỏ hơn VinFast và lộ trình dài hơn (60.000 súng sạc, thời gian đến 2030), nhưng vô cùng thách thức về nguồn lực tài chính.

Tuy nhiên, TMT có cơ sở để đặt ra bài toán này, bởi số lượng xe điện của Trung Quốc và các thương hiệu khác tại Việt Nam sẽ tăng lên sau 5 năm tới.

Lam Anh

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baoxaydung.vn/vi-sao-tmt-toan-tinh-mo-tram-sac-phuc-vu-tat-ca-cac-hang-xe-dien-192250507141621816.htm