Vì sao Tổng thống Trump thúc ép Fed hạ lãi suất xuống 1% có thể gây rủi ro cho kinh tế Mỹ?

Tổng thống Donald Trump cho rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nên hạ lãi suất cơ bản xuống mức 1% để giảm chi phí vay nợ của chính phủ, qua đó giúp chính quyền Mỹ bù đắp cho các khoản thâm hụt ngân sách ngày càng cao dự kiến sẽ phát sinh từ dự luật chi tiêu và cắt giảm thuế.

Trụ sở Fed ở Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Fed ở Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters ngày 15/7, Tổng thống Trump cần cẩn trọng với mức lãi suất mà ông mong muốn.

Một mức lãi suất chính sách thấp như vậy của Fed thường không phải là dấu hiệu cho thấy Mỹ là nơi đầu tư nóng nhất thế giới như ông Trump đã tuyên bố. Ngược lại, đây thường là biện pháp đối phó trong thời kỳ khủng hoảng, khi nền kinh tế đang gặp vấn đề nghiêm trọng.

Hiện tại, nền kinh tế Mỹ chưa rơi vào tình trạng như vậy. Nhưng với tỷ lệ thất nghiệp gần như ở mức thấp nhất, tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp diễn và lạm phát vượt ngưỡng mục tiêu 2% của Fed, thì mức lãi suất siêu thấp mà ông Trump mong muốn có thể phản tác dụng. Lý do là vì các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ trị giá 36.000 tỷ USD sẽ cho rằng Fed đã nhượng bộ trước áp lực chính trị và hạ lãi suất vì lý do sai lầm.

Quốc hội Mỹ đã giao nhiệm vụ cho Fed là duy trì ổn định giá cả và đảm bảo việc làm đầy đủ, chứ không phải tồn tại để phục vụ chính phủ vay tiền với lãi suất thấp. Cắt giảm lãi suất trong bối cảnh hiện tại có thể làm bùng phát lại lạm phát.

Ông Gregory Daco, chuyên gia kinh tế trưởng tại EY-Parthenon, nói: “Tôi không tin rằng... nếu Fed quyết định hạ lãi suất xuống 1% vào ngày mai, thì điều đó sẽ có tác động bình thường đến lãi suất dài hạn. Thị trường trái phiếu sẽ lo ngại rằng lạm phát sẽ bùng phát trở lại và chúng ta sẽ mất đi tính độc lập của Fed cũng như mất kiểm soát kỳ vọng lạm phát”. Ông cho rằng hiện có dư địa để nới lỏng so với mức hiện tại là 4,25% - 4,5%, nhưng điều đó hoàn toàn khác xa với mức cắt giảm sâu mà ông Trump hình dung.

1% có phải là mức bình thường?

Mức lãi suất chính sách 1% của Fed không phải là điều hiếm gặp trong 25 năm qua, nhưng không đồng nghĩa với thời kỳ tốt đẹp mà thường gắn liền với tỷ lệ thất nghiệp từ 6% trở lên.

Cựu Tổng thống George W. Bush từng cầm quyền khi mức lãi suất này được áp dụng, vào thời điểm ngay sau khi Mỹ phát động chiến dịch quân sự ở Iraq năm 2003 và vào cuối chuỗi cắt giảm lãi suất sau vụ nổ bong bóng dot-com và các vụ tấn công ngày 11/9/2001. Cựu Tổng thống Barack Obama khi nhậm chức vào tháng 1/2009 cũng tiếp quản mức lãi suất chính sách gần bằng 0 của Fed, đi kèm với một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bản thân ông Trump cũng từng trải qua giai đoạn Fed áp dụng chính sách lãi suất gần bằng 0 vào những tháng cuối nhiệm kỳ đầu tiên khi đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế Mỹ tê liệt.

Fed kiểm soát điều gì và không kiểm soát điều gì?

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Monterey Park, California Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Monterey Park, California Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Dù có ảnh hưởng lớn, nhưng Fed chỉ có công cụ hạn chế để điều tiết nền kinh tế trong điều kiện bình thường.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed thường họp 8 lần mỗi năm để ấn định lãi suất liên ngân hàng qua đêm.

Chỉ các ngân hàng mới vay lẫn nhau qua đêm ở mức lãi suất này, nhưng đây là cơ sở tham chiếu cho các loại tín dụng khác, ảnh hưởng đến mọi thứ từ nợ doanh nghiệp đến vay mua nhà, tín dụng tiêu dùng và lợi suất trái phiếu chính phủ. Có lẽ quan trọng không kém, lãi suất định hình kỳ vọng về xu hướng lãi suất trong tương lai.

Dù có mối tương quan chặt chẽ với lãi suất chính sách của Fed, nhưng những loại lãi suất khác này không do ngân hàng trung ương ấn định trực tiếp. Luôn tồn tại một mức chênh lệch, kể cả với vấn đề ông Trump quan tâm nhất: lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.

Cung, cầu và rủi ro

Hoạt động giao dịch toàn cầu trên nhiều thị trường khác nhau cuối cùng sẽ quyết định các mức lãi suất còn lại. Ví dụ, nhu cầu của một quỹ hưu trí nước ngoài đối với trái phiếu chính phủ Mỹ hoặc chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp sẽ ảnh hưởng đến mức lãi suất người dân Mỹ phải trả cho khoản vay mua nhà, hoặc chính phủ Mỹ phải trả để tài trợ hoạt động.

Cung và cầu là yếu tố then chốt. Nguồn cung nợ của chính phủ Mỹ phụ thuộc vào mức chi tiêu và thuế do tổng thống và quốc hội quyết định. Chính phủ liên bang thường chi tiêu nhiều hơn số thu mỗi năm và Bộ Tài chính Mỹ sẽ bù đắp khoản thâm hụt đó bằng cách phát hành chứng khoán có kỳ hạn từ 30 ngày đến 30 năm.

Xét các yếu tố khác không đổi, thâm hụt lớn hơn và tổng nợ cao hơn sẽ kéo lãi suất lên cao hơn. Dự báo thâm hụt và nợ công sẽ tăng sau khi Quốc hội Mỹ thông qua “Đạo luật to đẹp” của ông Trump đầu tháng này.

Về phía cầu, Mỹ hiện vẫn có vị thế đặc biệt giúp giữ chi phí vay nợ của chính phủ ở mức thấp, vì vẫn được coi là khoản đầu tư tương đối an toàn nhờ có nguồn cung dồi dào, thị trường sâu rộng và vận hành hiệu quả, cùng với truyền thống thể chế và pháp quyền vững mạnh. Mức lợi suất hiện tại trên 4% là đặc biệt hấp dẫn với các quỹ hưu trí lớn hoặc người nghỉ hưu muốn có thu nhập mà vẫn đảm bảo an toàn cho khoản đầu tư.

Tuy nhiên, giống như bất kỳ người vay nợ nào, chính phủ Mỹ phải trả thêm chi phí để bù đắp rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận. Khi đầu tư vào trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, nhà đầu tư phải từ bỏ những cơ hội khác. Trong khoảng thời gian đó, lãi suất, lạm phát, tăng trưởng kinh tế đều có thể thay đổi và nhà đầu tư muốn được bù đắp cho các rủi ro đó.

Với lãi suất chính sách của Fed làm điểm khởi đầu, tất cả những yếu tố trên sẽ được cộng dồn thành “phí kỳ hạn”.

Các yếu tố phi vật chất như niềm tin vào thể chế quốc gia cũng có vai trò. Khi ông Trump cảnh báo sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi tháng 4, lợi suất đã tăng và ông Trump sau đó phải rút lại lời cảnh báo. Đây là một dấu hiệu cho thấy thị trường toàn cầu có tiếng nói quan trọng trong bảo vệ tính độc lập của Fed.

Chính sách của Fed có đang lệch hướng?

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Gần đây, ông Trump đã gửi cho ông Powell một mảnh giấy viết tay liệt kê lãi suất của các ngân hàng trung ương khác, đồng thời tự tay ghi chú mức lãi suất mà ông cho rằng Fed nên ấn định. Mức này thấp gần nhất danh sách đó.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed cho rằng sẽ rất rủi ro nếu cắt giảm lãi suất khi chưa rõ các mức thuế mới của ông Trump có làm bùng phát lạm phát hay không. Nhiều mức thuế đã được áp đặt và nhiều mức khác sắp có hiệu lực.

Các nhà điều hành chính sách thường viện dẫn những công thức hoặc quy tắc liên hệ mục tiêu lạm phát với dữ liệu kinh tế hiện tại và dự báo để xác định mức lãi suất phù hợp.

Không có công thức nào cho thấy mức lãi suất chính sách của Fed nên thấp như mong muốn của ông Trump.

Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/vi-sao-tong-thong-trump-thuc-ep-fed-ha-lai-suat-xuong-1-co-the-gay-rui-ro-cho-kinh-te-my-20250715112451305.htm